Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 02/06/2023 09:30 GMT+7

Mỹ-Pakistan: Rạn nứt quan hệ đồng minh

Biên phòng - Lời đe dọa rút viện trợ đối với Pakistan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành hiện thực khi ngày 2-1, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley tuyên bố Washington sẽ rút khoản viện trợ 255 triệu USD dành cho Pakistan vì nước này không hợp tác đầy đủ trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ.

bdj4c60m38-71059_bc63126c-b3b5-cb6b-7a9b-218bc85f3ac5@yahoo.com_anh_bai_chinh
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tuyên bố Washington sẽ rút khoản viện trợ 255 triệu USD dành cho Pakistan. Ảnh: fitsnews

Phát biểu trước báo giới tại trụ sở LHQ ở New York, Đại sứ Nikki Haley nêu rõ "chính quyền Mỹ sẽ rút khoản viện trợ 255 triệu USD dành cho Pakistan." Theo bà Haley, có những lý do rõ ràng để Mỹ thực hiện việc này, bởi trong nhiều năm qua, Pakistan đã chơi trò hai mặt, đôi lúc hợp tác với Washington, song cũng chứa chấp những kẻ khủng bố tấn công binh sĩ Mỹ tại Afghanistan.

Bà Haley nhấn mạnh, chính quyền Mỹ không thể chấp nhận kiểu chơi này và hy vọng nhận được sự hợp tác nhiều hơn nữa từ Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố. Nguồn tin của Nhà Trắng cho biết, số phận của khoản viện trợ quân sự trị giá 255 triệu USD cho Pakistan sẽ tùy thuộc vào phản ứng của Islamabad đối với hoạt động khủng bố trên lãnh thổ nước này.

Pakistan tham gia chiến dịch quân sự do Mỹ triển khai tại Afghanistan vào năm 2001 và nhất trí cung cấp hỗ trợ hậu cần cho Washington. Đổi lại, phía Mỹ hỗ trợ về quân sự và kinh tế cho Pakistan, đồng thời hoàn trả chi phí các hoạt động quân sự của Pakistan tại các khu vực bộ lạc giáp biên giới Afghanistan.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Mỹ thường cáo buộc Pakistan chứa chấp các nhóm cực đoan thực hiện các vụ tấn công qua biên giới nhằm vào binh sĩ Mỹ và Afghanistan. Trong công bố chiến lược an ninh quốc gia tháng 12-2017, Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo quan hệ đối tác giữa hai nước sẽ bị hủy hoại nếu điều này tiếp diễn. Ngày 2-1, Tổng thống Donald Trump còn thẳng thừng cáo buộc Pakistan không mang lại gì cho Mỹ ngoài "những lời nói dối, lừa gạt" và cung cấp "nơi trú ẩn an toàn" cho những kẻ khủng bố để đổi lấy 33 tỷ USD tiền viện trợ của Mỹ trong 15 năm qua.

Phản ứng trước những phát ngôn mới nhất của Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Asif gọi đây là “chiêu trò chính trị” nhằm che dấu sự thất bại của Mỹ tại Afghanistan, nơi các nhóm vũ trang Taliban đang mở rộng vùng lãnh thổ chiếm đóng và thực hiện các vụ tấn công lớn. Ông Khawaja Asif còn tuyên bố, Pakistan không cần viện trợ của Mỹ.

Tuy nhiên, trước lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump, ngày 2-1, Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi đã triệu tập một cuộc họp Ủy ban an ninh quốc gia với sự có mặt của nhiều quan chức cấp cao. Cuộc họp kéo dài 3 giờ đã ghi nhận sự thất vọng sâu sắc của Pakistan đối với tuyên bố của Tổng thống Mỹ và khẳng định Pakistan vẫn cam kết đóng vai trò xây dựng trong tiến trình hòa bình của Afghanistan dù đang phải chịu các cáo buộc không chính đáng.

Theo NSC, Pakistan không phải chịu trách nhiệm về thất bại ở Afghanistan và việc đổ lỗi cho các đồng minh chắc chắn không phục vụ cho mục tiêu chung là đạt được hòa bình lâu dài ở Afghanistan và khu vực.

Phản ứng mạnh mẽ của Pakistan báo hiệu một giai đoạn đầy sóng gió trong mối quan hệ giữa hai đồng minh truyền thống này. Giới quan sát cho rằng, các biện pháp cứng rắn của Mỹ có thể đẩy Pakistan sâu hơn vào vòng tay của Trung Quốc, quốc gia hiện đang đầu tư rất mạnh vào Pakistan theo như một phần của Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) trị giá 50 tỷ USD.

Nhận định trên càng được củng cố sau khi Bắc Kinh ngày 2-1 lên tiếng bảo vệ Islamabad khi cho rằng Pakistan đã có rất nhiều nỗ lực và hy sinh cho cuộc chiến chống khủng bố, có những đóng góp nổi bật cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng còn khẳng định: “Trung Quốc và Pakistan là các đối tác trong mọi hoàn cảnh. Chúng tôi sẵn sàng thúc đẩy và tăng cường hợp tác toàn diện để mang lại lợi ích cho hai bên”.

Rõ ràng, việc làm rạn nứt quan hệ đồng minh với Pakistan đang tạo ra thách thức lớn cho vai trò của Mỹ tại quốc gia chiến lược trong khu vực Tây Nam Á này.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO