Biên phòng - Đại tướng Hun Manet, Phó Tổng Tư lệnh kiêm Tư lệnh Lục quân, Quân đội Hoàng gia Campuchia vui vẻ cầm lên tay khối than đá lấp lánh hình hòn Trống Mái - món đồ lưu niệm đặc sắc của Hạ Long. Ngài hỏi chuyện những người xung quanh và tỏ ý thích thú với sản phẩm thủ công mỹ nghệ khéo léo này. Chuyến thăm Hạ Long của đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Lục quân, Quân đội Hoàng gia Campuchia do Đại tướng Hun Manet làm trưởng đoàn ngày 30-10 vừa qua đã diễn ra với những xúc cảm tốt đẹp như thế.

Với bờ biển dài và nhiều vịnh, đảo và đầm phá liên thông suốt chiều dài đất nước, Việt Nam đề cao giá trị mỹ cảm trong số những giá trị mang lại nguồn lợi kinh tế của tài nguyên biển. Tự hào với bạn bè quốc tế, vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh được chọn là điểm đến đón nhiều nhất những đoàn khách nước ngoài trong số các khu du lịch biển hiện nay.
Ngoài giá trị ngoại hạng là một di sản thiên nhiên thế giới với 2 lần được UNESCO công nhận, vịnh Hạ Long hàm chứa một nền văn hóa lâu đời, nơi dân cư Hạ Long cổ xưa dựa vào biển để quần cư lập nghiệp. Trải qua suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử, vịnh Hạ Long chứng kiến và là trận địa của nhiều cuộc chiến bảo vệ bờ cõi, phô diễn sức mạnh quân sự và tài năng thao lược của nhiều văn võ tướng các triều đại. Vì vậy, không đơn thuần là một cảnh sắc vô hồn, vịnh Hạ Long là trang sử hùng tráng của một quốc gia, xứng đáng được chia sẻ với bạn bè quốc tế.
Được xây dựng, giữ gìn như một bảo tàng ngoài trời rộng lớn với hàng nghìn đảo đá lô nhô trên làn nước màu lục biếc, cảnh sắc Hạ Long thay đổi và đều có nét đẹp riêng vào 4 mùa, mỗi mùa một vẻ khác nhau. Đại tướng Hun Manet và đoàn tùy tùng lên tàu thăm vịnh Hạ Long, vào động Thiên Cung - động đẹp nhất trong quần thể hang động được đưa vào khai thác trên vịnh Hạ Long.
Ngài Hun Manet bày tỏ sự quan tâm tới nhiều dự án phát triển kinh tế - du lịch văn hóa của vùng Đông Bắc mà Quảng Ninh đang gánh vác sức nặng là tỉnh trọng điểm của nền kinh tế. Trong vòng một thập kỷ qua, Quảng Ninh chuyển hướng ngoạn mục từ kinh tế khai thác tài nguyên than khoáng sản sang cơ cấu kinh tế du lịch mũi nhọn. Dấu ấn của một thời than là vàng đen - năng lượng tái thiết đất nước sau chiến tranh bây giờ vẫn còn lại ở những nét khắc họa trên sản phẩm du lịch lưu niệm thủ công mỹ nghệ than đá.
Những năm gần đây, than đá có thể làm nguyên liệu để sản xuất đồ thủ công không còn nhiều. Các mỏ than đá tốt đủ tiêu chuẩn để đẽo gọt bằng búa, đục và đánh nhám, bóng... tạo nên hình thù điêu khắc thủ công mỹ nghệ hiếm dần. Trước đây, các họa sĩ, nghệ nhân mày mò sáng tạo làm ra sản phẩm mỹ nghệ than đá khá nhiều. Họ say sưa sáng tạo nghệ thuật điêu khắc trên than tạo tác các tác phẩm mỹ thuật có giá trị thẩm mỹ rất cao từ các khối than - trầm tích khoáng vật đen bóng hàng triệu năm được đào lên dưới vỏ trái đất. Không nhiều tác phẩm được tạo ra như thế từ bàn tay con người.
Gần đây, nguyên liệu hiếm dần, sản phẩm du lịch trở nên kém hấp dẫn hơn nhiều sản phẩm thủ công cùng chủng loại, cùng giá cả, cho nên mỹ nghệ than đá dần ít đi và càng trở nên đặc biệt.
Ngài Hun Manet cùng đoàn tùy tùng cho hay, họ ấn tượng với cảnh đẹp Hạ Long, sự tạo tác của thiên nhiên trong hệ thống hang động và cả sự tạo tác từ bàn tay con người. Tất cả tạo nên một ấn tượng về Hạ Long rất khó quên.
Cũng hiếm có thứ đồ lưu niệm nào mang dấu ấn về lịch sử hình thành và quá trình biến thiên của vùng đất nơi nó sinh ra như là than đá mỹ nghệ. Trước đây, đã có rất nhiều hợp tác xã được hình thành, giải thể cũng nhiều vì sản phẩm không bán được. Làm ra khối phôi than đủ hình thù thì dễ, làm tác phẩm có hồn cốt, sinh động và ưa nhìn không dễ. Vì tính chất độc đáo, hiếm có của sản phẩm mà người Hạ Long cũng không chọn sản phẩm này thường xuyên là quà tặng cho khách quốc tế. Cả Hạ Long chỉ còn vài gia đình gắng trụ với nghề, vì nghề cũng cầm chừng mà không phát triển được.
Một hướng dẫn viên du lịch của Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho hay, chỉ có những du khách thật sự yêu văn hóa, hiểu mảnh đất vùng mỏ, nơi từng có hệ thống vỉa than tốt nhất, lớn nhất cả vùng Đông Nam Á mới để ý đến sản phẩm than đá mỹ nghệ này.
Thụy Văn