Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 08/06/2023 10:10 GMT+7

Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình chế tạo máy bay tiêm kích F-35

Biên phòng - Ngày 17-7, Nhà Trắng xác nhận Thổ Nhĩ Kỳ không còn cơ hội tham gia vào chương trình chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sau khi Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

bsgt_11a
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: Moscow Times

Người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham nêu rõ, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga đã khiến cho việc Ankara tiếp tục tham gia vào chương trình máy bay F-35 là bất khả thi. Theo bà Grisham, máy bay F-35 do Mỹ chế tạo "không thể cùng tồn tại với một nền tảng thu thập thông tin tình báo, sẽ được sử dụng để tìm hiểu về những năng lực tiên tiến loại máy bay này” và điều này sẽ gây bất lợi đối với khả năng tương tác của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO. 

Quan chức Mỹ nêu rõ, Washington đã nhiều lần đề xuất hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của nước này cho Thổ Nhĩ Kỳ, song Ankara lại quay sang hệ thống S-400 của Nga, điều này đi ngược lại cam kết của NATO trong việc tránh tiếp nhận các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga. Tuy nhiên, bà Grisham cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ vẫn đánh giá cao quan hệ chiến lược giữa Washington và Ankara, đồng thời tiếp tục hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều lĩnh vực và lưu tâm đến việc kiềm chế do sự hiện diện của S-400 tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Quyết định trên của Mỹ được đưa ra 5 ngày sau khi Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo bắt đầu tiếp nhận các thiết bị đầu tiên của các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Theo Sputnik, S-400 là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và xa của Nga, dùng để tiêu diệt các phương tiện tấn công và do thám từ trên không cũng như mọi mục tiêu trên không khác trong điều kiện đối kháng hỏa lực và vô tuyến điện tử mạnh. Mỹ liên tục cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt và đưa Ankara ra khỏi chương trình phát triển máy bay tàng hình F-35, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không từ bỏ thương vụ S-400. Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tuyên bố, thương vụ S-400 là vấn đề chủ quyền quốc gia. 

Trong bình luận đầu tiên kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiếp nhận hệ thống tên lửa S-400, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị buộc vào tình huống này do người tiền nhiệm Barack Obama từ chối bán hệ thống Patriot cho Ankara, để cuối cùng khiến nước này quay sang mua tên lửa S-400 của Nga. Nhà lãnh đạo Mỹ dù thừa nhận, đây là một tình huống rất phức tạp, song khẳng định, ông có mối quan hệ rất tốt với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Phản ứng trước thông tin Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình chế tạo máy bay tiêm kích F-35,  Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ, bước đi đơn phương này vừa không tuân thủ tinh thần của liên minh quân sự, vừa không dựa vào các lý do chính đáng. Tuyên bố nhấn mạnh việc loại Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những đối tác trong chương trình F-35, ra khỏi chương trình này là sự bất công trong khi Ankara đã nhiều lần khẳng định, hệ thống S-400 không gây nguy hiểm đối với máy bay F-35. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời kêu gọi Mỹ rút lại hành động sai lầm này, vốn sẽ dẫn tới những thiệt hại không thể bù đắp cho quan hệ song phương.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO