Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 02:16 GMT+7

Mỹ La-tinh - Thiên đường dành cho phụ nữ làm chính trị

Biên phòng - Tại Pê-ru, ứng cử viên Cây-cô Phu-gi-mô-ri đang dẫn đầu trong vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 10-4 vừa qua. Chiến thắng của bà Cây-cô một lần nữa khẳng định xu thế hiện nay ở khu vực Mỹ La-tinh trong vòng 20 năm qua. Đó là, ngày càng có nhiều phụ nữ giữ vị trí cao trong chính trường các nước Mỹ La-tinh. Họ có thể là nguyên thủ quốc gia, là thủ tướng trong một đất nước vốn khá khắt khe với phụ nữ.

53khc26tr8-47499_fad360f9-a319-0321-7aad-336d873190e9@yahoo.com_anh_nvsk
Ứng cử viên Cây-cô Phu-gi-mô-ri dẫn đầu trong vòng 1 bầu cử tổng thống Pê-ru. Ảnh: Le Monde.fr

Đưa phụ nữ lên nắm quyền

Theo kết quả cuộc bầu cử tổng thống Pê-ru ngày 10-4 vừa qua, bà Cây-cô Phu-gi-mô-ri giành được 39,5% số phiếu ủng hộ. Về thứ hai là cựu Bộ trưởng Kinh tế Pê-đrô Pa-blô Cúc-din-xki với 21,6% phiếu bầu. Theo Luật bầu cử Pê-ru, nếu không có ứng cử viên nào giành được 50% số phiếu ủng hộ, nước này sẽ phải tiến hành bầu cử vòng hai trong tháng 6 tới đây.

Bà Cây-cô Phu-gi-mô-ri là con gái cựu Tổng thống An-béc-tô Phu-gi-mô-ri, người hiện đang thụ án tù giam 25 năm vì tội tham nhũng và tội ác chống lại loài người. Bà Cây-cô Phu-gi-mô-ri và ông Cúc-din-xki cũng từng là ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2011 và về vị trí thứ hai và thứ ba sau Tổng thống đương nhiệm Hu-ma-la. Các nhà phân tích cho rằng trong cuộc bầu cử vòng hai, bà Cây-cô sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng từ người cha là cựu Tổng thống An-béc-tô Phu-gi-mô-ri.

Tuy nhiên, ngay cả khi không giành được chiến thắng trong vòng hai, thì vị trí của bà Cây-cô một lần nữa khẳng định xu thế hiện nay ở khu vực Mỹ La-tinh trong vòng 20 năm qua. Đó là, ngày càng có nhiều phụ nữ giữ vị trí cao trong chính trường các nước Mỹ La-tinh. Thống kê của tờ Le Monde (Pháp) cho biết, nhiều nước Mỹ La-tinh như Ác-hen-ti-na, Bô-li-vi-a, Bra-xin, Chi-lê, Cô-xta Ri-ca, Ê-cu-a-đo, Ni-ca-ra-goa và Pa-na-ma đều từng nằm dưới sự lãnh đạo của một phụ nữ. Có thể điểm danh các nữ nguyên thủ ở Mỹ La-tinh như cựu Tổng thống Chi-lê Mi-sen Ba-chê-lết, cựu Tổng thống Ác-hen-ti-na Crít-xti-na Kít-xnơ, Tổng thống Bra-xin Đin-ma Rút-xép…

Bà Mi-sen Ba-chê-lết đã trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Chi-lê sau khi giành được 53,5% số phiếu trong cuộc bầu cử vòng hai ngày 15-1-2006. Bà Ba-chê-lết, 54 tuổi, là bác sĩ nhi khoa và là một chuyên gia y tế cộng đồng. Bà đã từng theo học ngành khoa học quân sự tại Học viện Chính sách và Chiến lược Quốc gia Chi-lê và Cao đẳng Phòng vệ Liên Mỹ tại Mỹ. Tháng 3-2000, bà được bổ nhiệm làm bộ trưởng y tế và đến tháng 1-2002, bà được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng, trở thành phụ nữ đầu tiên đảm nhận cương vị này trong lịch sử Chi-lê và Mỹ La-tinh.

Năm 2007, tại Ác-hen-ti-na, bà Crít-xti-na Kít-xnơ cũng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, trở thành nữ Tổng thống đắc cử đầu tiên của quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai ở Nam Mỹ nhiệm kỳ 4 năm. Ngoài ra, bốn nước khác, gồm Goa-tê-ma-la, Pê-ru, Cộng hòa Đô-mi-ni-ca và Xan-va-đo từng có Phó tổng thống là nữ.

Theo thống kê của Liên minh nghị viện thế giới, phụ nữ chiếm 29,58% trong quốc hội ở các nước Mỹ La-tinh năm 2016, trong khi mức trung bình của thế giới là 22,6%. Riêng tại Cu-ba, Ê-cu-a-đo, Mê-hi-cô và Ni-ca-ra-goa, tỷ lệ này đạt mức 40%, đặc biệt tại Bô-li-vi-a, phụ nữ chiếm 51% số ghế trong quốc hội. Năm 1997, tỷ lệ phụ nữ ở Mỹ La-tinh tham gia nghị trường chỉ chiếm 12,7%.

Tuy nhiên, phụ nữ tham gia công tác xã hội đã khó, làm lãnh đạo một quốc gia càng khó. Một trong những trường hợp đó phải kể đến Tổng thống Đin-ma Rút-xép. Chiếc ghế tổng thống của bà Đin-ma Rút-xép đang bị lung lay sau khi Hạ nghị viện Bra-xin bỏ phiếu tán thành việc tiến hành luận tội đối với vị nữ Tổng thống này hôm 17-4 vừa qua. Theo đó, Hạ viện cáo buộc nữ Tổng thống vi phạm Luật Trách nhiệm tài chính do đã “làm đẹp” các con số thống kê nhằm giảm bớt tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2014 và đã sử dụng kinh phí bổ sung không có trong dự toán ngân sách mà không có sự đồng ý của Quốc hội. 

Tổng thống Bra-xin Đin-ma Rút-xép ngay sau đó đã lên tiếng khẳng định, những cáo buộc của phe đối lập chống lại bà là hoàn toàn vô lý bởi các tổng thống trước đây cũng từng làm như vậy và chưa bao giờ bị đưa ra xét xử vì vi phạm pháp luật vì trên thực tế đây chỉ là những con số báo cáo kỹ thuật. Bà tố cáo những gì đã và đang diễn ra có vẻ là một quy trình hợp pháp nhưng đây chỉ là vỏ bọc để phá hoại nền dân chủ, không hề có cơ sở và là một cuộc đảo chính. 

Vốn sinh trưởng trong một gia đình có cha làm luật sư và mẹ là giáo viên, Đin-ma đã có niềm đam mê với chính trị. Tuy nhiên, trước khi trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Bra-xin hồi năm 2010, Đin-ma chưa bao giờ tham gia tranh cử. Vào những năm 1970, bà đã đứng lên đấu tranh chống lại chế độ độc tài quân sự tại Bra-xin và từng bị tra tấn, ngồi tù. Năm 2003, bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng thứ 21 của Bra-xin.

Bà đã được Tổng thống Lu-ít Đa Xiu-va bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội các vào tháng 6-2005, trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ này. Tháng 10-2010, bà đã đắc cử chức Tổng thống Bra-xin, trở thành phụ nữ đầu tiên thắng cử Tổng thống Bra-xin. Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 4 năm từ ngày 1-1-2015, Tổng thống Đin-ma đã phải đối mặt hết khó khăn này đến thử thách khác. Cùng với những khó khăn kinh tế, vụ bê bối tham nhũng khổng lồ bị phanh phui hồi tháng 3-2014 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Bra-xin (Petrobras) đã đẩy tình hình chính trị tại Bra-xin càng rơi vào bế tắc. Đường dây tham nhũng này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức, làm Tổng thống Đin-ma cùng Đảng Lao động (PT), đảng cầm quyền suốt 13 năm qua ở Bra-xin mất uy tín trầm trọng.

Khó khăn là vậy, song phụ nữ Mỹ La-tinh vẫn nỗ lực vượt qua và tiếp tục giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo đất nước. “Mỹ La-tinh là một ví dụ điển hình nhất cho việc đưa phụ nữ lên nắm quyền đất nước và đây là thiên đường cho phụ nữ làm chính trị”, Clô-ê Công-xtan, nhà xã hội học của trường Đại học Mê-trô-pô-li-tên ở Mê-hi-cô nhận xét.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO