Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 28/09/2023 02:24 GMT+7

Mỹ - Hàn Quốc: Củng cố quan hệ đồng minh thông qua chia sẻ chi phí quân sự

Biên phòng - Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Hàn Quốc được xem là “nền móng” tạo nên hòa bình và an ninh tại bán đảo Triều Tiên. Để củng cố quan hệ đồng minh, Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành đàm phán tiếp tục thỏa thuận về chia sẻ chi phí quân sự giữa hai bên.

rqwz_11a
Mỹ hiện duy trì 28.500 binh lính tại Hàn Quốc trong năm 2019. Ảnh: AFP

Một trong những quan điểm xuyên suốt của Tổng thống Mỹ Donald Trump là yêu cầu các nước đồng minh phải tăng mức đóng góp chi phí quốc phòng chung cho Mỹ. Theo ông Trump, Mỹ đã chi rất nhiều tiền để trợ giúp quốc phòng cho các nước đồng minh, trong đó có Hàn Quốc, nhưng giá trị nhận lại là chưa tương xứng.

Chủ đề này cũng là một nội dung quan trọng trong cuộc hội đàm riêng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bên lề kỳ họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra hôm 23-9 vừa qua.

Trong thông điệp chung, cả Mỹ và Hàn Quốc đều khẳng định, quan hệ đồng minh giữa 2 quốc gia là một nền tảng quan trọng tạo nên hòa bình và an ninh tại khu vực. Mối quan hệ hợp tác quốc phòng này cần tiếp tục được củng cố hơn nữa, mà trước hết là phải đạt được thỏa thuận song phương trong vấn đề Hàn Quốc chia sẻ chi phí đảm bảo hoạt động của lực lượng vũ trang Mỹ tại Hàn Quốc (USFK). Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, phía Hàn Quốc ủng hộ và sẵn sàng chia sẻ kinh phí của USFK, nhưng ở mức “hợp lý và công bằng”.

Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) về việc Hàn Quốc chia sẻ kinh phí cho Mỹ được thực hiện lần đầu vào năm 1991. Thỏa thuận mới nhất được ký vào tháng 2 vừa qua với trị giá lên tới 870,94 triệu USD (tăng 8,2% so với năm trước) và sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12 tới đây. Hiện, 2 bên đang tiến hành đàm phán một thỏa thuận mới. Những cuộc đàm phán về thỏa thuận này thường diễn ra hết sức căng thẳng và khó khăn.

Hồi đầu tháng 9 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã tiếp tục hối thúc các đồng minh, đặc biệt là Hàn Quốc trong bối cảnh 2 nước khởi động đàm phán thỏa thuận chia sẻ chi phí để duy trì 28.500 nghìn binh lính Mỹ tại Hàn Quốc. Bên cạnh đồng minh Hàn Quốc, Tổng thống Trump cũng khẳng định, quan hệ giữa Mỹ với Triều Tiên đang diễn ra rất tốt đẹp. Đến nay, việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa là do chưa có thỏa thuận kiểm soát tên lửa tầm ngắn. Đàm phán Mỹ - Triều nhiều khả năng sẽ được khôi phục vào tháng 10 tới đây, sau khi Triều Tiên đề nghị nối lại đàm phán với Mỹ vào tuần trước.

Trong  nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc cũng tiếp tục thống nhất không sử dụng biện pháp quân sự đối với Triều Tiên. Giới truyền thông Hàn Quốc nhìn nhận, bên cạnh việc duy trì tăng cường năng lực quân sự, Tổng thống Moon Jae-in đang mong muốn Mỹ cung cấp cho Triều Tiên biện pháp đảm bảo an ninh để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa. Bên cạnh đó, tại kỳ họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Moon Jae-in đưa ra giải pháp thiết lập “vùng hòa bình quốc tế” để thay thế khu phi quân sự chung giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Đây sẽ là một động lực thúc đẩy đàm phán đang đình trệ giữa Mỹ và Triều Tiên.

Trong một diễn biến khác, trong bối cảnh Nhật - Hàn căng thẳng leo thang, cuối tháng 8 vừa qua, Hàn Quốc đã hủy bỏ Thỏa thuận bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA) với Nhật Bản. Phía Hàn Quốc cho rằng, quyết định hủy bỏ này có thể góp phần vào việc phát triển quan hệ giữa Hàn Quốc và Mỹ nhằm thiết lập quan hệ liên minh mạnh mẽ hơn.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO