Biên phòng - Thực tế đang cho thấy, nỗ lực gia tăng “sức ép tối đa” của Mỹ đối với Iran đang vấp phải sự phản đối từ nhiều nước.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tuần này đã công bố các lệnh trừng phạt đối với 25 cá nhân và tổ chức có liên hệ chặt chẽ với các chương trình hạt nhân, tên lửa và vũ khí của Iran. Tuyên bố của chính quyền Mỹ nhấn mạnh rằng, Iran là quốc gia bảo trợ chủ nghĩa khủng bố và bài trừ Do Thái hàng đầu thế giới. Mỹ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn Cộng hòa Hồi giáo Iran gây nên tình trạng hỗn loạn trên khắp Trung Đông và thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh: “Chúng tôi đang giữ cho người Mỹ và công dân thế giới được an toàn”. Chính quyền Mỹ cũng kêu gọi các nước phải có hành động chống lại cuộc chiến tranh ủy nhiệm với vũ khí của Iran. Truyền thông quốc tế dẫn lời giới chức Mỹ cho biết, nước này sẽ tiếp tục mở rộng các biện pháp trừng phạt cho đến khi Iran quay trở lại bàn đàm phán với Mỹ. Ngoài Iran, Mỹ cũng đã đưa ra lệnh trừng phạt mới đối với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro với cáo buộc Iran và Venezuela đã hợp tác để “phớt lờ” lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc (LHQ).
Giới chuyên gia chính trị quốc tế nhìn nhận, động lực cho hành động của Mỹ là lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Iran sắp hết hạn vào ngày 18-10, theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA) mà Iran ký kết với 6 cường quốc gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ. Mặt khác, Tuyên bố trừng phạt Iran mới của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực chứng minh mình là người đấu tranh cho sự ổn định của Trung Đông trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3-11.
Ở một góc độ khác, thời gian qua, Mỹ luôn nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế trong việc mở rộng lệnh cấm vũ khí của LHQ đối với Iran. Mỹ cũng đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi rằng, nếu LHQ không gia hạn lệnh cấm vận đối với Iran thì Mỹ sẽ khôi phục tất cả các lệnh từng phạt của LHQ với Iran từ trước khi đạt được JCPOA năm 2015.
Cũng theo giới chuyên gia, dù những lời tuyên bố từ chính quyền Tổng thống Trump dành cho Iran là rất nặng nề, song những luận điểm này dường như không được quốc tế, bao gồm cả các đồng minh thân thiết của Mỹ ủng hộ. Sau tuyên bố áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran, Tổng thư ký LHQ Guterres cho biết, LHQ sẽ không ủng hộ việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Tại châu Âu, Đức, Pháp và Anh - những nước đồng minh thân thiết nhất của Mỹ mới đây cũng tuyên bố rằng, không có hiệu lực pháp lý để tái trừng phạt Iran. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell khẳng định rằng, Mỹ đã đơn phương rút khỏi JCPOA nên Mỹ không thể khởi xướng việc phục hồi các lệnh trừng phạt. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhìn nhận, Mỹ dường như đang đánh mất khả năng ngoại giao vốn rất tốt của mình, bởi lẽ, có tới 13 trong tổng số 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ không đồng tình việc kích hoạt cơ chế trừng phạt Iran. Tại Trung Đông, nhiều đồng minh của Mỹ vẫn đang có mối quan hệ khá tốt với Iran, bất chấp Mỹ liên tục leo thang căng thẳng với Iran trong thời gian dài.
Đáp lại Mỹ, chính quyền Venezuela nhấn mạnh rằng, tuyên bố trừng phạt mới của Mỹ được xem là một hành động gây hấn, vi phạm luật pháp quốc tế. Tổng thống Iran Hassan Rouhani thì bày tỏ rằng, Mỹ đang làm ảnh hưởng đến uy tín của mình trên trường quốc tế.
Giới chuyên gia chính trị quốc tế đánh giá, Tuyên bố trừng phạt Iran mới của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực chứng minh là người đấu tranh cho sự ổn định của Trung Đông trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Dù Mỹ gia tăng sự “cứng rắn” đối với Iran, nhưng ở góc độ tích cực, việc củng cố hòa bình tại khu vực Trung Đông là một nhiệm vụ mang tính “sống còn” của nước Mỹ. Vì vậy, căng thẳng Mỹ - Iran dẫu “nóng” cũng khó có thể gây nên những tác động tiêu cực đối với hòa bình tại khu vực.
Thanh Trúc