Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:34 GMT+7

Mỹ đảo chiều chính sách, JCPOA vẫn còn nhiều trở ngại

Biên phòng - Liên quan tới Kế hoạch hành động toàn diện chung, hay còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (JCPOA) được ký kết giữa Trung Quốc, Pháp, Đức, Liên minh châu Âu (EU), Nga, Anh, Mỹ và Iran, các bước khởi động cho tiến trình “hồi sinh” đang được bắt đầu.

Quang cảnh cuộc họp của Ủy ban Hỗn hợp JCPOA ngày 6-4, tại Thủ đô Vienna, Áo. Ảnh: Reuters

Theo quy định của JCPOA, mức làm giàu uranium của Iran ở mức 3,67% và không được dự trữ hơn 300kg nguyên liệu. Tuy nhiên, Iran hiện đã làm giàu uranium lên đến 20%, thậm chí còn tuyên bố có thể làm giàu đến mức 90%. Việc Iran làm giàu uranium đến mức độ chế tạo vũ khí hạt nhân đã khiến cho các cường quốc như “ngồi trên chảo lửa”.

Các cuộc đàm phán tại Thủ đô Vienna, Áo đã được bắt đầu vào tuần trước trong nỗ lực đưa Mỹ và Iran trở lại JCPOA. Năm 2018, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Đến nay, hơn 2 tháng sau khi nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống Joe Biden đang hiện thực hóa việc “đảo chiều” chính sách của người tiền nhiệm để “hồi sinh” JCPOA.

Giới chuyên gia quốc tế nhìn nhận, việc các bên đàm phán “hồi sinh” JCPOA là một tín hiệu rất tích cực, nhưng trên thực tế, quá trình này không hề dễ dàng với nhiều trở lực. Các cuộc đàm phán sẽ có kịch bản và diễn biến rất phức tạp, thể hiện rõ nét nhất ở hình thức đàm phán khi Mỹ và Iran không trực tiếp đối thoại với nhau.

Việc đàm phán được thực hiện theo hình thức đối thoại riêng lẻ giữa các bên và liên lạc thông qua các bên trung gian. Tất cả các bên tham gia JCPOA đã đồng ý thành lập 2 Nhóm công tác. Nhóm thứ nhất sẽ xem xét cách Mỹ trở lại JCPOA bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran. Nhóm thứ hai sẽ nghiên cứu cách thức Iran quay trở lại tuân thủ JCPOA.

Giới phân tích chỉ ra rằng, quá trình đàm phán “hồi sinh” JCPOA gặp trở ngại với 3 vấn đề chính. Trước hết là sự đảm bảo về việc Iran thu hẹp chương trình hạt nhân của mình theo đúng JCPOA, đồng thời xác định cụ thể việc Mỹ sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nào đối với Iran. Trong khi Iran muốn dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc nước này tuân thủ JCPOA, thì Mỹ chỉ xem xét dỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran.

Chính quyền Tổng thống Biden khẳng định, Mỹ sẵn sàng hủy bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran được cho là không phù hợp với JCPOA nhưng cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ mong đợi sự tuân thủ thỏa thuận từ phía Iran.

Tuy nhiên, phía Iran dường như sẽ không đảo ngược các bước đi của mình cho đến khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ. Đây được xem là “rào cản” lớn thứ 2. Cụ thể là trình tự Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran trước rồi Iran tuân thủ JCPOA trở lại, hay Iran tuân thủ JCPOA trước rồi Mỹ mới dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Dù tiến trình “hồi sinh” JCPOA đã và đang có những dấu hiệu rất tích cực, song, mức độ căng thẳng vẫn rất cao khi Mỹ và Iran có thể sẽ không nhượng bộ nhau.

Trở ngại thứ 3 được giới chuyên gia phân tích là lịch trình đàm phán. Vào tháng 6 tới đây, Iran sẽ bước vào cuộc bầu cử Tổng thống mới và Tổng thống Iran Hassan Rouhani không được tái tranh cử do đã kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp. Nhiều lo ngại cho rằng, người kế nhiệm Tổng thống Iran có thể sẽ không coi trọng và theo đuổi JCPOA như ông Hassan Rouhani. Vì vậy, nếu quá trình “hồi sinh” JCPOA không đạt được trong những ngày tháng tại vị cuối cùng của ông Hassan Rouhani, rất có thể chính quyền mới sẽ không đàm phán với Mỹ về thỏa thuận này.

Cũng theo giới chuyên gia, niềm tin của Iran đối với JCPOA đã bị “xói mòn”. Việc Mỹ hủy bỏ thỏa thuận và nay quay trở lại mà không phải “trả giá” cho hành động của mình sẽ là một điều khó chấp nhận với Iran. Nhất là với 3 trở ngại trong quá trình “hồi sinh” được giới phân tích chỉ ra thì để đạt được mục tiêu này chắc chắn sẽ cần phải có những bước đột phá trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ nay đến trước cuộc bầu cử Iran vào tháng 6. Trong kịch bản JCPOA thực sự “sụp đổ”, giới chuyên gia tin rằng, các bên sẽ tiến hành một thỏa thuận hoặc hiệp ước quốc tế mới để thay thế JCPOA.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO