Biên phòng - Nhiều hồ sơ tuyệt mật của Lầu Năm Góc vừa được giải mật đã cho thấy, Chính phủ Mỹ bị “sa lầy” trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam trước đây. Nhưng “đâm lao phải theo lao”, buộc các đời Tổng thống Mỹ phải tìm mọi cách để cứu vãn tình thế, kể cả “đánh lừa” Quốc hội tạo cớ tấn công miền Bắc Việt Nam và huy động tối đa thanh niên nhập ngũ đưa sang Việt Nam thực hiện cuộc chiến phi nghĩa.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara đến miền Nam Việt Nam để thị sát cuộc chiến tranh, sau đó đề xuất với Tổng thống Mỹ Johnson, phải bổ sung ngay lập tức hàng trăm nghìn lính bộ binh sang Việt Nam làm bia đỡ đạn. Tổng thống Johnson quay sang hỏi các quan chức Bộ Quốc phòng: “Các vị nghĩ liệu Quốc hội và người dân có ủng hộ việc gửi 600.000 lính và chi hàng tỉ đô la cho một nơi cách đây hơn 16.000km không?”. Cụm từ “một nơi cách đây hơn 16.000km” là nỗi ám ảnh nhất của giới cầm quyền và quân nhân Mỹ. Vì cuộc chiến không có mục đích rõ ràng ở xa nửa vòng trái đất (?).
Nghị quyết “trả đũa” của Quốc hội
Với cái gọi là “ngăn” Việt cộng tràn vào miền Nam Việt Nam, Chính phủ Mỹ đã soạn thảo một kế hoạch gây hấn và tạo cớ để đưa không quân tấn công miền Bắc Việt Nam. “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” năm 1964 là vở kịch hoàn hảo nhất của Tống thống “đánh lừa” Quốc hội Mỹ, thông qua những chứng cứ, bức điện giả, tạo thành bản báo cáo “luận tội” trình lên Quốc hội Mỹ, vu cáo Quân đội miền Bắc Việt Nam đã tấn công tàu tuần tra của Mỹ ở hải phận quốc tế. Màn kịch bắt đầu tại một cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia, Tổng thống Johnson hỏi: “Bọn họ (Hà Nội) muốn gây chiến hay sao mà tấn công tàu của Mỹ ở giữa vịnh Bắc bộ?”. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) John McCone, trả lời: “Không, đấy là những phản ứng phòng thủ của Bắc Việt Nam trước hành động tấn công của ta vào các đảo ngoài khơi của họ. Họ phản ứng vì lòng kêu hãnh và dựa trên những cân nhắc phòng thủ”. Tuy nhiên, nhận định này cũng không ngăn được Tổng thống phát biểu như một thông điệp kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết vịnh Bắc bộ vài ngày sau đó.
Ngày 7-8-1964, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn Nghị quyết vịnh Bắc bộ. Nghị quyết có đoạn ghi: “Quốc hội tán thành và ủng hộ quyết định của Tổng thống, trên cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội, dùng mọi biện pháp cần thiết để đẩy lùi mọi hành động tấn công vũ trang vào lực lượng Mỹ và để ngăn chặn việc tiếp diễn hành động hung hăng... Nước Mỹ sẵn sàng theo nguyện vọng của Tổng thống, thực hiện mọi bước đi cần thiết, bao gồm sử dụng lực lượng vũ trang để hỗ trợ mọi nước thành viên hay nước đã thông qua nghị quyết thư của Hiệp ước phòng thủ tập thể Đông Nam Á, nếu các nước này yêu cầu được hỗ trợ bảo vệ nền tự do của nước mình”.
Trước đó, chính quyền Johnson đã soạn thảo một kế hoạch tuyệt mật, với mật danh “Chiến dịch 34A”, bao gồm các chương trình hành động khiêu khích sau: “Hai nhiệm vụ bắt giữ thuyền, đưa những người bị bắt giữ rời khỏi thuyền để thẩm vấn trong vòng 36-48 giờ; lén cài thiết bị chống nhiễu lên thuyền và thả thuyền đi; thả người bị bắt sau khi thẩm vấn; thời điểm tiến hành phụ thuộc vào điều kiện biển và thông tin tình báo hiện thời... Phá hủy cầu trên Quốc lộ 1 do biệt kích Mỹ - ngụy tiến hành và các đội vũ trang yểm trợ, cài kíp nổ hẹn giờ nhanh vào các nhịp cầu và cửa cống, cài mìn sát thương tại phần tiếp giáp đường bộ... Phá hủy đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh do đội biệt kích phá dỡ thực hiện với sự hỗ trợ của hai đội lính thủy đánh bộ Việt Nam Cộng hòa...”. Theo chiêu bài “chọc tức” miền Bắc Việt Nam và cho ra đòn tấn công khi Mỹ thả “mồi” ra vịnh Bắc bộ.
Để chuẩn bị dùng không quân đánh phá, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân đã hoàn tất khâu chuẩn bị, trình hồ sơ cho Tổng thống Mỹ về 94 mục tiêu trong danh sách ưu tiên tấn công miền Bắc Việt Nam bằng không quân. Sau khi Quốc hội Mỹ ban hành nghị quyết cho phép Chính phủ Mỹ trả đũa miền Bắc Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thu thập một báo cáo trình lên Tổng thống Johnson về phản ứng hết sức giận dữ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Tương lai của Mỹ và đồng minh ở Nam Việt Nam là “vô vọng”, ở ngõ cụt, không lối thoát. Giờ đây, Mỹ cần phải mở rộng chiến tranh ra miền Bắc mới hòng tìm lối thoát khỏi bế tắc... ở miền Nam”.
Bị “sa lầy”
Tướng Lansdale, trợ lý phụ trách các chiến dịch đặc biệt và nhận “mật lệnh” của Tổng thống Mỹ sang “nằm vùng” ở miền Nam Việt Nam lâu ngày, đã có bản báo cáo tóm lược: “... Tôi nghĩ ngài cần thấy vũ khí của kẻ thù chúng ta ở Nam Việt Nam. Ngài thấy đấy, đội quân mà chúng ta đang cố vấn và tài trợ có được vũ khí Mỹ tối tân nhất. Họ có súng trường tự động và quân phục Mỹ. Họ có nhiều pháo, thậm chí còn có xe tăng và máy bay. Kẻ thù của họ không hề có những thứ này. Họ có vũ khí Pháp để lại đã lỗi thời mà họ chiếm được từ phe ta. Họ tự làm súng cối, lựu đạn và mìn trong rừng. Họ mặc những bộ bà ba màu đen và đi dép cao su quai hậu làm từ lốp xe. Nhưng họ đang đánh bại ta”.
Càng về sau, nhiều tin tức của các tướng lĩnh, cố vấn của Mỹ ở miền Nam Việt Nam liên tục được “mật báo” về Nhà Trắng. Nhằm đối phó với đội quân du kích và các đơn vị chính quy của “Việt cộng” có mặt ở khắp nơi, Tổng thống Mỹ Johnson đã hỏi tướng Weller, chỉ huy tham chiến ở miền Nam Việt Nam: “Chúng ta phải làm gì để hoàn thành nhiệm vụ?”
- Thưa Tổng thống, điều này phụ thuộc vào định nghĩa của ngài về “nhiệm vụ”. Nếu ngài muốn đẩy lùi toàn bộ Việt cộng ra khỏi miền Nam Việt Nam, chúng ta sẽ cần 800.000 hay một triệu lính và chiến đấu khoảng 7 năm.
Trong một cuộc họp khác với các sĩ quan chỉ huy quân sự cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ, Tổng thống Johnson đã đưa ra những giải pháp: “Ban đầu, chúng ta có ý thuyết phục những người cộng sản rằng, chúng ta sẽ không khuất phục trước bất kỳ lực lượng vũ trang hay sức mạnh siêu cường nào. Tuy nhiên, họ không dễ bị thuyết phục. Trong những tháng qua, họ đã tăng cường đáng kể lực lượng chiến đấu, tấn công vào một số vị trí đóng quân của Quân đội Mỹ. Tôi đã hỏi vị Tư lệnh tại đó (Việt Nam) rằng, ông cần bao nhiêu người để đối phó với hành động gây hấn leo thang của Việt cộng. Chúng ta sẽ đáp ứng yêu cầu của ông ấy. Hôm nay, tôi đã ra lệnh Sư đoàn không vận và một số lực lượng khác đến Việt Nam... Chúng ta phải gia tăng lực lượng sẵn sàng chiến đấu, bằng cách tăng cường triệu tập nghĩa vụ quân sự, từ 17.000 người cho mỗi giai đoạn lên 35.000 người mỗi tháng”.
Để yên lòng nước Mỹ, Nhà Trắng đã “giấu” thông tin với Quốc hội, giới truyền thông Mỹ về việc đưa một lượng lớn binh sĩ sang Việt Nam tham chiến. Nhưng kết quả thật tồi tệ, ông McNamara phải thú nhận sự thật cay đắng: “Trong một năm qua, chúng ta đã đưa thêm hơn 100.000 lính Mỹ đến Việt Nam nhưng không đạt được tiến bộ nào. Tình hình không khá lên chút nào cả. Điều này nghĩa là về cơ bản, tình hình bây giờ xấu hơn”.
Tổng thống Mỹ Johnson đã lên truyền hình tuyên bố trấn an người dân rằng: “... Đầu hàng ở Việt Nam sẽ không đem lại hòa bình. Bởi bài học từ Hitler ở Đức đã dạy chúng ta rằng thắng lợi chỉ nuôi dưỡng thái độ hiếu chiến... Hơn nữa, chúng ta ở Việt Nam là thể hiện những lời thề trang trọng nhất của nước Mỹ... Giờ không phải là lúc để chúng ta nuốt lời...”. Sự thật, Mỹ đã sử dụng sức mạnh siêu cường kinh tế và quân sự để xâm lược Việt Nam, họ hy vọng chỉ một thời gian ngắn, Việt Nam sẽ đầu hàng vô điều kiện.
Song Việt Nam đã đánh và chiến thắng mọi chiến lược và vũ khí của Mỹ.
Hải Luận (Theo tài liệu nước ngoài)