Biên phòng - Tối 13-4, giờ Washington (tức sáng 14-4, giờ Hà Nội), thủ đô Damascus của Syria đã rung chuyển bởi một loạt tên lửa được phóng từ các máy bay chiến đấu, tàu chiến của Mỹ và hai đồng minh Pháp, Anh. Cuộc tấn công diễn ra trong vòng một giờ và không gây thiệt hại lớn cho thấy đây chỉ là động thái mang tính răn đe nhiều hơn biện pháp quân sự.

Đúng 21 giờ ngày 13-4, Mỹ, Anh và Pháp đã tiến hành cuộc không kích Syria với lý do đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma thuộc Đông Ghouta tại Syria cách đó một tuần. Trong vòng một giờ, liên minh Mỹ, Anh và Pháp đã phóng hơn 100 quả tên lửa xuống lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, lực lượng phòng không Syria đã ngăn chặn thành công 71 quả.
Với tuyên bố “hoàn thành sứ mệnh”, cuộc tấn công do Mỹ-Anh-Pháp thực hiện ngày 13-4 đã gửi đi một thông điệp đối với Syria cũng như với cả Nga và Iran, đồng minh thân cận của Damascus. Đó là bất luận thế nào Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng phải ra đi.
Phản ứng trước việc Mỹ, Anh và Pháp không kích Syria, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, những nước này muốn trao cơ hội cho lực lượng cực đoan tại Syria khôi phục hàng ngũ.
"Cần phải lưu ý rằng hành động xâm lược được thực hiện vào đúng thời điểm quân đội Syria đang tiếp tục tấn công hiệu quả chống lại các nhóm khủng bố, bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Do đó, hành động của Mỹ cùng các đồng minh tạo cho các lực lượng cực đoan cơ hội lấy lại sức mạnh, khôi phục hàng ngũ của mình, kéo theo đổ máu tại Syria và làm phức tạp hóa tiến trình giải quyết chính trị", tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Theo giới phân tích, cuộc tấn công của 3 nước Mỹ, Anh Pháp vào Syria chủ yếu nhằm biểu dương sức mạnh. Cho đến nay, các căn cứ quân sự của Nga và Iran ở Syria đều không bị ảnh hưởng và các cuộc tấn công bằng tên lửa kiểu này sẽ không gây tổn hại nhiều đến lợi thế chiến lược của Chính phủ Syria trong cuộc nội chiến. Do vậy, thông điệp của nó mang tính chính trị nhiều hơn là quân sự. Điều này cho thấy, Mỹ và các đồng minh sẽ không bắt đầu một cuộc chiến toàn diện với Nga và liên quân này không tìm cách tiêu diệt Chính phủ Syria.
Ngay cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh BFM TV, RMC và trang tin tức trực tuyến Mediapart ngày 15-4 cũng khẳng định rằng, các cuộc không kích của Pháp nhằm vào lãnh thổ Syria vừa qua không phải là một sự tuyên chiến với chính quyền của Tổng thống al-Assad. Ông Macron khẳng định, để kiến tạo một nền hòa bình lâu dài tại Syria đòi hỏi các cuộc đối thoại với Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. "Đây là điều kiện để có được hòa bình", nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi nhấn mạnh về vai trò của Nga trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Ông Silvio Berlusconi cho rằng, việc Moscow hỗ trợ Damascus chống khủng bố đã mang lại nhiều hòa bình và ổn định ở quốc gia Trung Đông này hơn là các cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Vì vậy, các nước phương Tây nên coi Nga như một “đối tác chiến lược”, chứ không nên coi như một “kẻ thù”.
Cảnh báo về "khoảng cách" gia tăng trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh cần phải tiến hành đối thoại sau khi căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm kể từ sau cuộc Chiến tranh Lạnh. Theo ông Steinmeier, tình hình Syria sẽ không thể được cải thiện cho đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin phối hợp với nhau một cách xây dựng nhằm tìm ra giải pháp.
Thu Uyên