Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:25 GMT+7

Mưu sinh từ những gánh nước biển

Biên phòng - Dù không thường xuyên, nhưng những gánh nước biển thời vụ này cũng giúp nhiều hộ gia đình tại vùng biển Xuân Hải (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) kiếm được vài trăm ngàn mỗi ngày. Đối với họ, đó là một số tiền khấm khá bằng nghề lao động phổ thông.

5gpe_14
Một tốp làm công việc gánh nước biển thuê thường từ 2 đến 3 người để hỗ trợ lẫn nhau. Ảnh: Khánh Chi

Từ khi vùng biển Xuân Hải trở thành điểm du lịch được du khách biết đến, nhiều ngành nghề dịch vụ bắt đầu “thai ngén” ở đây. Nghề gánh nước biển thuê cũng trở thành nghề hái ra tiền cho chị em phụ nữ vùng ven biển này. Chị Hạnh, một người gánh nước biển thuê nói vui với chúng tôi: “Hễ có nhà hàng mọc lên thì chúng tôi lại có thêm thu nhập”.

Cách đây hơn chục năm, vùng biển Xuân Hải khá hoang sơ, chỉ lác đác người dân trong huyện ghé đến. Thế nhưng, từ khi huyện Lộc Hà được tách ra từ huyện Can Lộc và huyện Thạch Hà, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư, nơi đây trở thành điểm du lịch lý tưởng của người dân trong và ngoài tỉnh. Lượng du khách đổ về ngày càng đông, nhà hàng vì thế cũng mọc lên ngày càng nhiều, bãi biển hoang sơ trở nên sầm uất hơn.

Từ vài ba nhà hàng lụp xụp, vậy mà chỉ ít năm đã được thay thế bằng những nhà hàng khang trang, kiên cố. Các nhà hàng muốn giữ hải sản được tươi và sạch thì cần có nước biển, nên nghề gánh nước biển thuê đã được hình thành góp phần giải quyết việc làm đem lại thu nhập cho nhiều người dân địa phương.

Anh Trần Ngọc, chủ nhà hàng Ngọc Trang cho hay: “Nếu tiếc trăm nghìn tiền nước, hải sản bị chết thì nhà hàng có thể mất tiền triệu. Thế nên hàng tuần, chúng tôi lại cần nước biển thay thế, đảm bảo hải sản luôn tươi ngon”. Và cũng từ đó mà một đội dịch vụ, chuyên khai thác, cung cấp nước biển đã hình thành. Công việc này chủ yếu dành cho những chị em phụ nữ sinh sống ven khu vực các nhà hàng.

Các chị thường làm việc theo từng tốp nhỏ, từ 2 đến 3 người. Cả khu vực bãi tắm có đến hơn 20 nhà hàng lớn, nhỏ nhưng cũng chỉ có vài ba tốp làm nghề này. Hễ có người gọi là các chị lại lỉnh kỉnh quang gánh ra biển, bất kể trời mưa hay nắng. Hàng ngày, công việc của các chị là gánh những thùng nước biển đổ vào trong các bể chứa hải sản của các nhà hàng tại đây. Đồ nghề chỉ đơn giản là 2 thùng sơn to được tận dụng đặt ở 2 đầu quang gánh. Với dụng cụ này, mỗi ngày, nhiều chị khỏe tay, khỏe lưng có thể gánh được vài chục chuyến cho các nhà hàng nếu có yêu cầu. 

Sửa lại đôi quang gánh, chị Hạnh cho hay: “Gọi là nghề cho sang, chứ công việc này vốn chẳng đều đặn gì cho cam. Bù lại, nếu sức khỏe cho phép thì chúng tôi có một lượng thu nhập đáng kể trong những ngày nắng nóng”.  Đang nói chuyện dở chừng, một chủ nhà hàng vẫy tay ra hiệu cho chị là cần nước thay. Lúc này, đã 12 giờ trưa, mặt trời đứng bóng, cái nắng cùng với gió biển trở nên gắt gao hơn.

Thế nhưng chẳng nề hà, chị Hạnh tất tả đi gánh nước. Dưới cái nắng cháy da, cháy thịt của miền Trung, những đôi chân dẫm trên cát bỏng, miệt mài đi về phía con sóng. Buổi trưa là thời điểm thủy triều lên, con đường tuy gần hơn nhưng cũng khiến những người phụ nữ làm nghề gánh nước thuê vất vả hơn, bởi sóng đánh mạnh, lắm khi không cẩn thận còn bị sóng cuốn cả người lẫn đồ nghề ra xa.  

Để múc nước biển, các chị phải đổ người sát mặt nước rồi cẩn thận vục từng thùng xuống biển. Một chị không cẩn thận bị sóng đánh mạnh lật úp nón rồi đẩy ra xa. Chị nhìn theo chép miệng: “Thôi đành đội nắng vậy”. Nói rồi, chị lại nắm chặt chiếc thùng đầy nước cố kéo vào bờ. Một trận sóng nữa đánh tiếp, phút chốc, cả thùng nước bị văng ra. Không kịp định thần, như một thói quen, chị vội vàng nhoài tay móc lấy chiếc thùng trước khi bị sóng cuốn mất.

Một lần nữa, chị lại vục chiếc thùng xuống nước, nhanh tay kéo lên trước khi đợt sóng mới kịp tới. Kéo được 2 thùng nước biển, chị lại cho vào quang gánh đưa lên cho nhà hàng. Đôi quang gánh như dính liền trên vai, chị rảo bước, mặc cho nắng đổ rát đầu trần. Đoạn đường từ bờ biển vào nhà hàng tuy không dài, nhưng các chị phải bám dép thật chặt xuống đường, cẩn thận ghì chặt 2 đầu quang gánh, tránh nước đổ lúc đang di chuyển. 

Đang vào mùa du lịch nên ngày nào các nhà hàng cũng có nhu cầu thay nước để hải sản luôn tươi ngon. Trung bình một tuần, các nhà hàng sẽ thay nước một lần, mỗi lần cần từ 10 đến 20 gánh nước biển đổ vào các bể chứa. Mỗi gánh nước biển, các chị được chủ nhà hàng trả khoảng 10.000 đến 12.000 đồng. Nhiều chị khỏe, có thể gánh được 10 đến 15 gánh/ngày, thu nhập được từ 100.000 đến 200.000 đồng/ngày. Đó là nguồn thu thời vụ khá trong dịp này. Nghề gánh nước biển thuê bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 7 (âm lịch).  Vào các dịp lễ 30-4 và 1-5 là thời điểm “vàng” của nghề này cũng như nhiều dịch vụ tại đây.

“Thời điểm này, nhiều nhà hàng bắt đầu đi vào hoạt động, cần thay nước mới nên việc không hết. Có ngày, nhà hàng họ gọi gánh nước biển từ sáng đến tận chiều tối mới được nghỉ. Chỉ mong sao một tháng được vài ba ngày như thế, dù mệt cũng ráng mà nhận làm”, chị Hạnh chia sẻ. Vì công việc mang tính thời vụ nên khi sang tháng 8, tháng 9 (âm lịch), biển động nhiều, khách du lịch cũng thưa thớt hẳn, chỉ có một số nhà hàng hoạt động cầm cự, công việc của các chị cũng thưa hẳn. Có khi cả tháng, các nhà hàng này mới gọi thay nước biển. Hết tháng 9, bộ đồ nghề cũng gác lại bên giếng nước, các chị lại tất tả tính kế sinh nhai mới.

Khánh Chi

Bình luận

ZALO