Biên phòng - "Trụ đèn ngay cửa vô bãi đá Bom Bay…", nghe tiếng la, các ngư dân nhoài người qua mạn tàu để nhìn thật rõ cột đèn biển đang cắm trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Đó là giây phút thiêng liêng nhất, khi mọi người nhắc lại những năm tháng ra vào quần đảo này. Riêng ngư dân Nguyễn Tấn Đại thì nhớ đến người cha ruột. Mỗi lần qua Bom Bay thì ông nghe vẳng tiếng gọi: "Đại ơi, cứu ba!".
Điểm tựa của ngư dân
Lúc 6 giờ 25 phút, ngày 30-10-2016, tàu cá QNa 91027 TS từ vùng biển bãi ngầm giữa Biển Đông trở về đất liền và đi qua tọa độ 15 độ 36 phút vĩ Bắc - 112 độ 31 phút kinh Đông. Từ ngoài boong tàu, các ngư dân la to "cột đèn Bom Bay gần đảo Cát Vàng". Theo hướng tay ngư dân chỉ, cách tàu vài hải lý về hướng Tây Nam thấp thoáng một cột đèn biển màu trắng. Đó là đèn biển cắm trên bãi đá san hô có tên Bom Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Từ tàu nhìn ra Bom Bay, có 2 tàu cá vỏ gỗ của Việt Nam và 1 tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc đang hoạt động. Bom Bay là một bãi san hô có chiều dài gần 10 hải lý. Trong lòng Bom Bay có vịnh nước sâu và rộng, đảm bảo cho tàu thuyền vào tránh bão và chịu được gió cấp 8. Đối với ngư dân Việt Nam đánh bắt ngoài khơi xa, Bom Bay là điểm tựa của tàu thuyền khi trên biển có áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc hoặc bão nhẹ. Đi qua Bom Bay, 15 ngư dân trên tàu, mỗi người kể một kỷ niệm về bãi đá này.
Ngư dân lớn tuổi nhất trên tàu là ông Nguyễn Đông cho biết, "năm 1979, tui đã đi tàu Tam Kỳ 2 ra đó rồi, cá rất nhiều, lưới thả xuống chỉ một nửa, vì cá dính nhiều không thể kéo hết được". Thời đó, tàu của ông Đông chỉ chở theo 40 cây đá. Đánh cá chỉ vài ngày là đầy ắp tàu và cạn đá nên các ngư dân phải nhanh chóng trở về đất liền.
Ngư dân Ngô Văn Sanh đã nhiều năm đi câu mực kể lại, "tàu của em đi ra bãi ngầm phía Đông Đông Nam Hoàng Sa câu mực. Nếu có gió thì chạy vô đây núp. Nhưng trước khi vô thì ở tàu điện vào đất liền đề nghị Bộ Ngoại giao can thiệp. Vì Trung Quốc thường đưa tàu tới bắt tàu cá của bà con để lấy đồ đạc".
Ngư dân Nguyễn Duy Thuận cho biết: "Cách đây 2 năm, em đi trên tàu câu mực và chạy vô đó núp gió. Chỉ một buổi chiều mà hàng trăm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi và Bình Định đã chạy vô cửa đảo". Ngư dân Trần Tương thì chỉ về phía Bom Bay, nói giọng xót xa: "Ước gì mà đảo này trở về với Việt Nam mình. Vì nó rất lợi hại. Bà con ra ngoài này đánh cá, nếu gặp bão thì vô đó trú. Còn chạy từ tận ngoài này vô tới bờ thì hết 3 ngày 2 đêm. Thời tiết xấu thì 4 ngày 3 đêm. Tàu ra vào mất 2.500 đến 3.000 lít dầu".
Vào giờ phút đi qua Bom Bay, ngư dân Nguyễn Tấn Đại đứng trên tàu cá lặng lẽ nhìn về phía cột đèn, ánh mắt trân trối. Anh Đại kể lại, "mỗi lần đi qua Bom Bay, trong tâm tưởng tôi lại vang lên tiếng người cha!". Anh Đại kể lại, năm 1987, khi đất nước bước vào đổi mới, cha anh tên là Nguyễn Biểu đã sắm một chiếc thuyền dài gần 10 mét và kéo các ngư dân đi câu mực ở Hoàng Sa. Năm 1991, ông bị nạn ở Bom Bay và không trở về.
Cha gọi ở Bom Bay
Ông Đại nhớ lại: "Vào tháng 5-1991, cha tôi chuẩn bị ghe ra Hoàng Sa cùng 2 đứa con. Năm đó tôi 28 tuổi, người em là Nguyễn Văn Nghị mới 14 tuổi. Thuyền ra Bom Bay câu được ít ngày thì bị gió bão ập tới. Cha tôi bò ra mũi tàu buộc dây neo chỉ kịp la lên mấy tiếng rồi mất tích luôn".
Sau bão, 8 ngư dân căng áo mưa làm buồm rồi phó mặc cho gió đưa đẩy. Mất 19 ngày đói, khát và sắp chết khô, các ngư dân dạt vào đảo Hải Nam. Ngư dân xin dầu và lương thực rồi quay trở về cửa biển Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam.
Thuyền hành trình về đến xã Tam Tiến là vừa tròn 29 ngày. Các ngư dân gõ cửa gia đình vào lúc 4 giờ sáng và vô cùng ngạc nhiên, vì các bà vợ đều hét lên với giọng cầu xin "anh không về phù hộ mẹ con em mà sao lại làm ma về nhát em". Ông Đại vội chạy sang quán bán tạp hóa gõ cửa mua 2 dây pháo mang treo ở cửa sổ nhà 2 ngư dân rồi đốt. Tiếng pháo vang trời đã khiến làng chài sửng sốt tung cửa dậy hò reo khi thấy đám ngư dân tưởng ra ma, giờ lại về nhà.
Ngư dân Nguyễn Tấn Đại trở về ngôi nhà tranh ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang trong lúc bà mẹ đã lập bàn thờ với 3 bát hương cho 3 cha con. Sau cơn bão, các ngư dân đi trên tàu là Năm Quyết, Ba Trí, Triều, Quang đều giã từ nghề biển. Anh Đại nhìn ánh mắt người mẹ và hiểu ý nguyện của bà. Anh quyết định vay mượn để đóng tàu mới và nói: "Con phải đi ra đó thăm ba bây chừ, ổng ở Hoàng Sa chắc lạnh lẽo lắm".
"Em ruột tôi là Nguyễn Văn Nghị cùng đi trong chuyến biển sống chết đó, hiện nay đang đóng tàu vỏ thép 67 để ra Hoàng Sa đánh bắt và thăm cha. Còn tôi thì cũng mong muốn được nhà nước hỗ trợ có tàu vỏ thép để trở về với đảo Hoàng Sa".
- Ông Nguyễn Tấn Đại tâm tình.
Anh Đại phải thuyết phục cán bộ ngân hàng về tài sản là ngôi nhà tranh và được thông cảm cho vay 25 triệu đồng để đóng tàu. Con tàu mới lớn hơn tàu của cha anh, công suất máy 45CV, dài 13,5 mét. Tàu chở các ngư dân ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành ra Hoàng Sa câu mực khơi.
Do công nghệ cách đây hơn 20 năm còn lạc hậu, các ngư dân ra biển không có máy thông tin, chỉ có một chiếc đài cũ kỹ để nắm thông tin dự báo thời tiết của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sóng yếu nên có khi nghe được đoạn đầu thì mất đoạn giữa. Chính cách nắm thông tin phập phù như vậy đã khiến anh Đại tiếp tục dính bão 2 lần ở Bom Bay.
Đến năm 1999, anh Đại phải bán tàu, vì máy tàu quá cũ nên tàu ra biển hay hư hỏng khiến lỗ tổn, long đong, nợ nần. Từ thuyền trưởng trở thành thợ câu mực và đi bạn. Anh theo tàu xuôi ngược ra Trường Sa, thỉnh thoảng mới quay trở lại Hoàng Sa "thăm" cha. Gom góp được ít vốn, anh và con trai là Nguyễn Tấn Sơn sắm con tàu nhỏ QNa 90222 TS để làm nghề đi câu và tiếp tục trở lại Hoàng Sa cho Sơn thăm ông nội.
Qua Bom Bay, mỗi ngư dân có một chuỗi ký ức đẹp về một phần của Tổ quốc giữa trùng khơi chưa trở về với đất mẹ. Còn ngư dân Nguyễn Tấn Đại và nhiều ngư dân khác từng mất người thân ở Hoàng Sa thì luôn coi đây là ngôi nhà, mảnh vườn của người thân ruột thịt.
Văn Chương