Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 31/05/2023 10:08 GMT+7

Mường Lát - vùng đất “ngủ quên”

Biên phòng - Lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại huyện Mường Lát. Cung đường từ trung tâm tỉnh Thanh Hóa tới huyện biên giới này đi lại thuận lợi hơn trước đây do được nâng cấp, mở rộng và trải nhựa. Nếu chỉ nhìn con đường này, không ai bảo Mường Lát là một trong những huyện nghèo nhất nước. Chỉ khi đi vào trung tâm xã, tới các thôn, bản mới thấy cái nghèo của vùng núi này “bền vững” đến mức nào.

f6id_12a
Đường tới thôn, bản ở Mường Lát hầu hết đều là đường đất. Ảnh: Bích Nguyên

Sau 21 năm thành lập vẫn là huyện nghèo nhất nước

Huyện Mường Lát có 8 xã và 1 thị trấn, với 37.000 nhân khẩu, trong đó, hơn 90% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Mông. Sau 21 năm thành lập, đến nay, Mường Lát vẫn là một trong những huyện nghèo nhất cả nước với tỉ lệ hộ nghèo trên 61%; 27 thôn, bản vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Nhìn tổng quan, bức tranh kinh tế ở đây chưa có điểm sáng nào.

Với nhiều địa phương, triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) được coi như một cú hích để phát triển, còn ở Mường Lát, việc hoàn thành các tiêu chí NTM đang là bài toán chật vật vì có quá nhiều nút thắt khó gỡ. Tính đến tháng 5-2017, Mường Lát mới có 2 bản đạt chuẩn NTM là bản Sáng, xã Quang Chiểu và bản Chiềng Nưa, xã Mường Lý. Kết quả xây dựng NTM ở cấp xã còn rất khiêm tốn với 3 xã đạt được trên 5 tiêu chí; 5 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát đặt mục tiêu trong năm 2017, có thêm 4 bản đạt chuẩn về NTM và mỗi xã hoàn thành thêm được 1-2 tiêu chí NTM trở lên để không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.

Chúng tôi tới bản Tà Cóm, xã Trung Lý dưới cái nắng hè gay gắt. Tránh con đường đất hiểm trở dài khoảng 50km, chúng tôi đi qua xã Mường Lý, vượt sông Mã bằng đò của người dân rồi tiếp tục đi trên con đường đất gập ghềnh tới bản xa lắc có 100% người Mông sinh sống. Đi lối này đỡ vất vả hơn vì rút ngắn được đoạn đường đất. Cảm nhận của chúng tôi khi đặt chân đến Tà Cóm là sự khô nóng, oi bức, đất đai khô cằn. Người dân bảo, đây là vùng nóng nhất Mường Lát, khí hậu rất khắc nghiệt, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trầm trọng.

Ông Thào A Thái, Trưởng bản cho biết: “Cả bản có 89 hộ dân toàn là người Mông, 100% là hộ nghèo. Nếu không có gạo hỗ trợ trồng rừng của Nhà nước, sẽ có khoảng 20 hộ bị đói từ 2 tháng trở lên”. Hỏi về tiến độ xây dựng NTM, ông Thái cười bảo rằng đang triển khai nhưng khó lắm.

Khó là điểm chung của các thôn, bản ở Mường Lát khi triển khai xây dựng NTM. Đến thời điểm hiện tại, 4 bản được chọn làm điểm phải hoàn thành xây dựng NTM trong năm nay, nhưng hầu hết mới chỉ đạt dưới 11 tiêu chí.

Thực tế, việc thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM đang là một thách thức lớn đối với cả hệ thống chính trị ở Mường Lát. Trong những năm qua, nguồn lực cho chương trình xây dựng NTM của huyện còn rất hạn chế. Việc lồng ghép các chương trình, dự án khác với chương trình NTM còn nhiều bất cập; chưa có sự điều tiết tổng thể, hợp lý.

Hơn nữa, điều kiện tự nhiên của Mường Lát không thuận lợi, đất đai bạc màu, độ dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt, địa hình đồi núi, sông suối bị chia cắt. Trong khi đó, nguồn nhân lực của địa phương rất hạn chế do trình độ dân trí thấp, nặng tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự trợ cấp của Nhà nước.

Loay hoay xóa đói giảm nghèo

Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát Lầu  Minh Pó dành hơn 2 tiếng đồng hồ trao đổi với chúng tôi về các vấn đề của địa phương trong tâm trạng trăn trở, băn khoăn, nặng trĩu ưu tư. “Khó khăn đầu tiên xuất phát từ cơ sở hạ tầng thấp kém. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, hệ thống đường giao thông ở Mường Lát được đầu tư mạnh mẽ. Từ trung tâm huyện đã có đường ô tô tới các xã, còn hệ thống đường liên xã, liên thôn vẫn rất khó khăn” – ông Pó cho biết.

Việc phát triển kinh tế ở Mường Lát từ nhiều năm nay vẫn là bài toán nan giải. Hiện tại, bình quân thu nhập đầu người của huyện chỉ đạt 14 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 61%. Đụng đâu vướng đó là hiện trạng công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Mường Lát. Cây xoan vốn được kỳ vọng sẽ giúp người dân nơi đây thoát nghèo nhưng đang đứng trước nguy cơ thất bại do sinh trưởng kém. “Chúng tôi triển khai trồng xoan từ năm 2010.

Dự kiến, sau 7 năm, cây xoan sẽ cho thu hoạch. Năm đầu tiên cây phát triển rất tốt, năm thứ 2 chậm hơn, đến năm thứ 3 thì chững lại, không phát triển. Thực tế, có những vùng trồng 7 năm rồi mà cây xoan chỉ lớn bằng cổ chân” – ông Pó bộc bạch. Ngoài xoan, huyện Mường Lát có tính đến các cây trồng khác nhưng xem ra đều không mang lại hiệu quả. Trong đó, cây lúa chỉ làm được một vụ, ngô cho năng suất thấp, cây cà phê không sống được, còn cây luồng giá trị thấp, công vận chuyển quá cao.

yr1c_12b
Người dân Mường Lát nhận gạo từ chương trình hỗ trợ trồng rừng của Nhà nước. Ảnh: Bích Nguyên

Trong lúc vẫn đang loay hoay tìm cây trồng thích hợp, Huyện ủy Mường Lát xây dựng một Nghị quyết chuyên đề về phát triển chăn nuôi, trong đó, lợn, dê, bò, trâu và giống vịt cổ rụt của xã Mường Chanh được xác định là giống vật nuôi chủ lực. Bà con được hướng dẫn làm chuồng trại, trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Huyện Mường Lát cũng cử một số già làng đi học tập kinh nghiệm mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả cao của các địa phương khác về phổ biến cho bà con nghiên cứu vận dụng.

Hiện tại, Mường Lát đã xây dựng thành công một số mô hình chăn nuôi nhưng chưa thể nhân rộng ra toàn huyện. Rào cản lớn nhất chính là tư duy tự cung tự cấp của người dân. “Bà con vẫn giữ tư duy sản xuất manh mún, tự cung tự cấp, nuôi gia súc chỉ để làm giống chưa không phải làm hàng hóa. Bên cạnh đó, phần lớn người dân còn có tư tưởng ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không có ý thức tự vươn lên” – ông Pó cho hay.

Chưa hết, Mường Lát hiện còn phải đối mặt với tình trạng mai một văn hóa, trẻ em thất học. “Phụ nữ người Mông vốn biết dệt vải, thêu hoa văn rất đẹp. Thế nhưng, bây giờ không nhà nào trồng cây lanh, không ai làm sợi từ lanh. Lớp trẻ không biết thêu, không biết may quần áo”- Ông Minh nói. Còn nữa, Mường Lát cũng đang phải giải quyết các hệ lụy của tệ nạn ma túy với con số người nghiện lên tới 346 người…

Có quá nhiều khó khăn mà Mường Lát phải giải quyết, trong đó, theo dự tính của UBND huyện, chỉ riêng việc đầu tư xây dựng NTM đã cần tới gần 1.800 tỉ đồng. Hơn lúc nào hết, huyện biên giới Mường Lát rất cần sự giúp sức từ nhiều nguồn lực khác nhau để tự đánh thức mình, bắt nhịp với sự phát triển của đất nước.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO