Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 03/06/2023 11:24 GMT+7

Mường Lát - Một thời ma túy tràn qua

Biên phòng - Mường Lát là huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa, có đường biên giới Việt - Lào dài 100km. Nơi đây có địa hình rừng núi hiểm trở, dân cư thưa thớt nên bọn tội phạm ma túy thường lợi dụng để hoạt động. Ma túy tràn về các bản làng nơi đây đã gây nên bao cảnh đói nghèo và căn bệnh HIV/AIDS, trở thành nỗi ám ảnh trong tiềm thức của mỗi người dân miền biên viễn.

ygti_7a-1.jpg
Cây lúa đã nảy mầm trổ bông trên mảnh đất từng được xem là thủ phủ thuốc phiện của xứ Thanh.

Ma túy tràn về những bản làng vùng cao biên giới huyện Mường Lát nhanh như một "cơn lốc". Và khi nó "quét" qua mỗi nóc nhà sàn của người Thái, ngôi nhà gỗ của người Mông, thì cuộc sống của đồng bào vốn đã khốn khó càng lao đao hơn. Nghèo đói, lạc hậu luôn thường trực trong mỗi nếp nhà. Và khi ma túy tràn về thì sự bình yên của mỗi bản làng cũng bị phá vỡ.

Trước đây, Pù Nhi được xem là "thủ phủ" thuốc phiện của huyện biên giới Mường Lát. Người già hút, thanh niên cũng hút thuốc phiện. Người ta chỉ biết cuộc sống quanh quẩn bên những bàn đèn thuốc phiện, mà chẳng mấy người mặn mà với việc trồng ngô, cấy lúa trên nương. Vì vậy, đói nghèo cứ mãi luẩn quẩn, đeo bám dai dẳng cuộc sống của người dân vùng cao Mường Lát. Pù Nhi có 11  bản, trong đó, 7 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đồng bào dân tộc Mông chủ yếu di cư từ các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Yên Bái. Họ mang theo cuộc di cư ấy là những cây thuốc phiện và người biết hút thuốc phiện lên những ngọn đồi cao, đến cả những bản làng vùng sâu, vùng xa phải đi bộ cả ngày đường mới đến nơi.

Ông Lương Văn Xích, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi cho biết: "Trước đây, ở vùng đất này, cây thuốc phiện (cây anh túc) được trồng nhiều như trồng rau, người dân trồng xen lẫn vào những vườn rau cải trên những ngọn đồi cao. Khí hậu vùng núi cao mát mẻ là điều kiện lý tưởng nhất cho cây anh túc phát triển. Vậy là, việc trồng cây anh túc nhiều như trồng cây ngô trên đồi bây giờ. Những đứa trẻ trong bản cũng theo cha mẹ chúng đi trồng cây thuốc phiện".

Ở thời điểm đó, chẳng ai thống kê được vùng đất này có bao nhiêu héc-ta cây anh túc và bao nhiêu người nghiện thuốc phiện. Những ngọn đồi khi đó chỉ rực sắc hoa cây anh túc. Đồng bào Mông xem hút thuốc phiện như ăn cơm, uống nước hằng ngày. Người già hút thuốc phiện, người trẻ cũng hút thuốc phiện như để khẳng định mình vậy. Một gia đình có vài người hút thuốc phiện không phải là chuyện xa lạ ở vùng biên ải này.

Ma túy tràn về khiến cho mỗi bản làng như hiu hắt, cô quạnh hơn với những ngôi nhà lụp xụp nằm cheo leo trên sườn núi, đồng bào chỉ chìm đắm trong khói thuốc phiện chứ chẳng thiết tha đến sản xuất, chăn nuôi. Không chỉ mảnh đất Pù Nhi mới bị "nàng tiên nâu" bủa vây mà nó đã len lỏi khắp các bản làng của huyện biên giới Mường Lát. Ma túy đi qua, để lại biết bao hệ lụy khiến nghèo đói đeo bám dai dẳng, để lại căn bệnh thế kỷ HIV/ AIDS, cái cảnh con mất cha, vợ mất chồng và ánh mắt thẫn thờ của người già nơi bậc cửa.

Ma túy bao trùm khắp bản làng khiến cho cuộc sống của đồng bào càng thêm lao đao. Cây ngô, cây lúa chẳng có chỗ trồng vì đất đã dành cho trồng cây anh túc. Vậy là, nghèo đói, bệnh tật luôn thường trực ở mỗi nếp nhà. Ở vùng đất này, người ta có thể không có cơm ăn chứ không thể không có thuốc phiện để hút. Vì thế mà số hộ nghèo cứ thế tăng dần lên nhanh chóng.

Ông Lương Văn Xích chia sẻ: "Khoảng chục năm trở về trước, tỷ lệ hộ nghèo của Pù Nhi gần như 100%, sản xuất không phát triển, đói nghèo trở thành vấn đề nhức nhối". Khi ma túy bủa vây, kéo theo đó là đói nghèo, bệnh tật và những đứa trẻ chẳng hề biết đến con chữ giữa heo hút đại ngàn núi cao. Chúng chỉ biết theo cha mẹ đi qua những mùa rẫy và trồng cây anh túc.

Trở về “thủ phủ” thuốc phiện một thời nơi biên giới xứ Thanh, tôi được nghe những câu chuyện có thật về những mảnh đời, những con người sống lầm lũi bên bàn đèn thuốc phiện và được nghe cả những đổi thay hôm nay nơi mảnh đất vùng biên này, khi mà đồng bào đã vượt qua ám ảnh quá khứ, vượt qua sự cám dỗ của "nàng tiên nâu" để xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Anh Hơ Chứ Hơ, Trưởng bản Cá Nọi, là người dẫn đường cho tôi đến với những bản làng đồng bào dân tộc Mông của xã Pù Nhi, chỉ tay về phía những nương ngô xanh mướt, nói với tôi rằng: "Ngọn đồi đó trước kia bạt ngàn cây anh túc, bây giờ bà con không ai còn trồng thứ cây đó nữa". Đi cùng Hơ Chứ Hơ, nghe anh nói chuyện về những đổi thay trên vùng đất tưởng như đã bị ma túy nhấn chìm, nhìn những nương ngô, những cánh rừng với gỗ xoan, gỗ lát bạt ngàn, tôi cũng vui với niềm vui của Hơ và niềm vui của đồng bào nơi đây.
Linh Nga

Bình luận

ZALO