Biên phòng - Từ 2 năm trở lại đây, huyện nghèo Mường Lát (Thanh Hóa) đã không phải xin Nhà nước hỗ trợ gạo cứu đói, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện không còn quanh quẩn với củ sắn, củ mài trên những ngọn đồi cao như trước nữa mà đã có gạo ăn. Câu chuyện về đói giáp hạt không còn là nỗi ám ảnh, nhức nhối như nhiều năm về trước.
"Không còn lo đói nữa"
Bản Khằm 2, xã Trung Lý là nơi sinh sống của 53 hộ dân đồng bào dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc đến. Những ngôi nhà gỗ kiên cố nằm dọc Quốc lộ 15C, những đứa trẻ với nụ cười hồn nhiên, rạng rỡ, những người nông dân tay liềm, tay cuốc chuẩn bị cho một vụ gặt mới là minh chứng cho một bản Khằm 2 no đủ hôm nay. Trưởng bản Giàng Seo Vãng bảo: "Trước đây, cuộc sống của người dân bản Khằm 2 khổ cực lắm, củ sắn, củ mài trên rẫy chẳng đủ no cái bụng được. Từ khi có cây ngô lai, cây lúa nước về bản và được Nhà nước hỗ trợ gạo trồng rừng, gạo biên giới nên bây giờ không còn lo đói nữa".
Như để minh chứng cho chúng tôi thấy về một bản Khằm 2 no đủ, ông chỉ tay về phía những thửa ruộng bậc thang chín vàng, trĩu bông và bảo: "Nhờ có 21ha ruộng lúa nước hai vụ kia mà người Mông chúng tôi đã được no cái bụng". Hướng mắt theo tay ông Trưởng bản, từ trên cao nhìn xuống, những thửa ruộng bậc thang của người dân bản Khằm 2 như một bức tranh thủy mặc nằm lọt trong một thung lũng được vẽ lên từ chính công sức lao động, sự chăm chỉ, chịu khó và ý chí vươn lên thoát nghèo của người Mông nơi đây. Đó là màu của sự no đủ.
Trong số 53 hộ dân bản Khằm 2 hiện có 49 hộ tham gia trồng rừng sản xuất. Chỉ vài năm nữa thôi, những cánh rừng xoan lát bạt ngàn trên những ngọn đồi cao sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Tham gia trồng rừng, người dân còn được hỗ trợ gạo nên cuộc sống cũng no đủ hơn trước. Vụ lúa năm nay, vợ chồng anh Cư A Lềnh thu được gần 20 bao lúa nên gia đình anh không còn phải lo đói như trước nữa, mấy đứa nhỏ không còn khóc ngặt nghẽo vì đứt bữa mà được ăn no, mặc ấm và đến trường học chữ.
Ngoài ra, gia đình anh còn tham gia dự án trồng rừng sản xuất và được Nhà nước hỗ trợ gạo liên tục trong 6 năm theo Quyết định số 552/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, gia đình anh Lềnh đã trồng được 4ha rừng sản xuất. Mỗi tháng, gia đình anh được hỗ trợ 70kg gạo cho 7 nhân khẩu. Ngoài ra, thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, thay đổi tập quán canh tác cũ lạc hậu, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm nên kinh tế gia đình anh đã ổn định hơn trước rất nhiều. Cư A Lềnh bảo: "Mặc dù gia đình mình còn nghèo, nhưng không còn lo đói nữa, vậy là vui lắm rồi".
Huyện nghèo không phải xin gạo cứu đói
Nếu như trước đây, câu chuyện về lo đói được người ta kể cho nhau nghe từ bản làng này sang bản làng khác. Nó không chỉ là câu chuyện của tháng ba, ngày tám mà đeo bám dai dẳng mỗi nóc nhà. Nhưng 2 năm nay, huyện biên giới Mường Lát đã không còn phải xin gạo cứu đói. Đó là minh chứng cho một huyện nghèo đang "lột xác", cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã no đủ hơn, bởi cái đói không còn là nỗi ám ảnh đối với bà con như trước nữa.
Ông Phạm Bá Điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát khẳng định: "Thông qua thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển sản xuất, hỗ trợ giảm nghèo, diện mạo ở Mường Lát đã có nhiều khởi sắc. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nhận thức về công tác giảm nghèo và tập quán sản xuất của người dân được thay đổi, các chương trình hỗ trợ giảm nghèo được triển khai bước đầu đạt hiệu quả tích cực. Vì vậy, số hộ thiếu đói trên địa bàn huyện giảm đáng kể. Hiện tại vẫn còn một số hộ đặc biệt khó khăn, huyện sẽ tự cân đối ngân sách địa phương và có phương án hỗ trợ kịp thời, không để hộ dân nào không có gạo ăn".
Chương trình 30a của Chính phủ thực sự là đòn bẩy giúp Mường Lát sớm thoát nghèo. Cái được lớn nhất khi thực hiện chương trình là từng bước làm thay đổi nhận thức cho người dân trong công tác xóa đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống. Từ nguồn vốn của chương trình, huyện Mường Lát đã đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp 14 công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, trong đó có 11 công trình đã hoàn thành đưa vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho địa phương. 2.107 hộ nghèo được hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, hàng trăm hộ gia đình được hỗ trợ xóa nhà tranh tre dột nát, hỗ trợ phát triển sản xuất. Đến nay, huyện đã cấp hơn 350 con bò lai Shin cho hộ nghèo theo Chương trình 30a và "Bò giống giúp người nghèo biên giới" do Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel hỗ trợ, tạo sinh kế mới cho người dân thoát nghèo.
Chiến thắng đói nghèo, Mường Lát đang tự tin bước vào chương trình xây dựng nông thôn mới bằng chính tiềm năng, nội lực và ý chí, quyết tâm của quân dân trên phên giậu Tổ quốc.
Linh Nga