Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:41 GMT+7

Muôn sắc màu văn hóa trong hồn sông núi

Biên phòng - Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đánh dấu thời điểm bản lề, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Văn hóa đi từ cội nguồn dân tộc đến tương lai của đất nước và con đường tạo ra hệ sinh thái văn hóa, môi trường văn hóa ở mọi miền Tổ quốc là con đường tất yếu. Ở những miền biên giới, hải đảo xa xôi, BĐBP tiếp tục cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đại úy Đào Phương Huyền, Chủ tich Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP Quảng Ninh được nghệ nhân hát nhà tơ cửa đình Trương Thị Phượng truyền dạy nghệ thuật dân gian này (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: TTH

Năm 1993, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tư lệnh BĐBP đã ký kết và triển khai thực hiện các chương trình phối hợp hành động “Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa - thông tin ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 1993 - 2000. Đây là một trong những chương trình phối hợp sớm nhất, lâu dài nhất mà Bộ Tư lệnh BĐBP kí kết phối hợp với các bộ, ngành. Trước đó, dù chưa thực sự có các điều khoản ký kết cụ thể, nhưng hoạt động của BĐBP chưa bao giờ tách rời đời sống văn hóa của đồng bào, của nhân dân từ miền núi đến hải đảo xa xôi.

Từ năm 2000 trở đi, chương trình phối hợp với ngành văn hóa của Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục được thực hiện với các tên gọi cụ thể như: “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, thông tin trên các tuyến biên giới, bờ biển”; “Phối hợp sưu tầm, gìn giữ, khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên khu vực biên giới, bờ biển”; “Hỗ trợ các đồn Biên phòng xây dựng Điểm sáng văn hóa trên biên giới, bờ biển, hải đảo”.

Từ năm 2009, chương trình được bổ sung thêm nội dung phối hợp đẩy mạnh hoạt động thể thao quần chúng và phối hợp tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn và tổ chức các hoạt động du lịch ở khu vực biên giới, bờ biển, hải đảo, nhất là vùng có các di sản văn hoá, di sản thiên nhiên thế giới.

Trong suốt nhiều thập kỷ đồng hành với tiến trình xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, quan hệ giữa người lính Biên phòng và đồng bào biên giới ngày càng thêm gắn bó. Truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tri thức dân gian, kinh nghiệm quý báu và lối sống, tinh thần lạc quan của đồng bào các dân tộc đã bồi đắp cho sự phát triển của đời sống xã hội. Rất nhiều vùng biên giới đã lấy văn hóa truyền thống làm nền tảng, là vốn quý để dựa vào đó xây dựng nông thôn mới, bản làng văn hóa mới, khu dân cư đoàn kết, dòng tộc, gia đình văn hóa.

Du lịch văn hóa ở các vùng biên giới ngày càng phát triển, khao khát khám phá đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, chinh phục các mốc tọa độ, mốc đường biên quốc giới trở thành trào lưu của giới trẻ. Từ đó, các tầng lớp thanh niên cảm nhận được tình yêu với đất nước, với sông núi, biển trời quê hương, thêm yêu con người, có thái độ sống sẻ chia, lạc quan. Đó chính là điều làm nên con người Việt Nam thế hệ mới, hiện đại nhưng không xa rời nguồn cội, truyền thống văn hóa. Nhận thức về một cộng đồng các dân tộc anh em, đa sắc màu văn hóa nhưng chung một không gian sống, cùng dựa vào nhau để phát triển.

Chương trình phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tư lệnh BĐBP là một cầu nối hiệu quả đưa văn hóa đến những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, để người dân ở đây được thụ hưởng các giá trị văn hóa, trên cơ sở đó cổ vũ, đoàn kết các dân tộc, khơi dậy niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Các đồn Biên phòng thay vì khép kín hoạt động trong doanh trại, hoàn thành chức năng nhiệm vụ, còn mở rộng phạm vi hoạt động dân vận, xây dựng tủ sách cộng đồng, linh hoạt trong truyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, lồng ghép các buổi sinh hoạt, họp chi bộ thôn, bản, họp tổ dân phố với biểu diễn văn nghệ.

BĐBP ở đâu, đóng quân nơi nào cũng học tiếng nói của đồng bào, không chỉ với mục đích giao tiếp, truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn là học văn hóa, cốt cách, hiểu nhân sinh quan của đồng bào, từ đó mà gần gũi, trở thành con dân một nhà, chung một lý tưởng, hành động.

Đội Tuyên truyền Văn hóa BĐBP Quảng Trị biểu diễn phục vụ đồng bào Vân Kiều tại xã A Ngo, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: TTH

Văn hóa là chìa khóa của công tác dân vận. Tất cả cán bộ, chiến sĩ BĐBP đều thấm thía điều này khi họ ở bất cứ địa bàn nào cũng bám vào dân, dựa vào dân để thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng BĐBP đã giúp cho các vùng biên giới, biển đảo xúc tiến du lịch, đưa du lịch văn hóa dần trở thành một thành phần của nền kinh tế quốc dân, đưa thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng cao, lao động tại chỗ ngày càng nhiều.

Chính những người lính đã sát cánh bên đồng bào xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, hỗ trợ làm nhà cộng đồng, nhà văn hóa, tổ chức những ngày tết truyền thống sao cho văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc. Họ cùng nhau tạo ra các mô hình phát triển kinh tế, biến đặc sản vùng cao thành hàng hóa, hỗ trợ kinh phí làm đường làng, ngõ xóm, đưa vật nuôi ra xa nơi ở, làm làng tranh bích họa, làm sạch bãi biển, nơi du lịch, giữ gìn đường biên xanh, hướng cho khách du lịch thăm quan cột mốc, các điểm cực. Văn hóa không xa lạ mà chính là đời sống, là tiến trình phát triển của cộng đồng dân cư gắn với các thiết chế xã hội.

Những người lính Biên phòng thường được ngành văn hóa cơ sở gọi với cái tên trân trọng là người lính văn hóa quân hàm xanh. Trong muôn vàn sắc áo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, màu áo xanh của người lính cũng đã trở thành một màu áo văn hóa, tự tôn, tự hào và mạnh mẽ bên cạnh màu áo của cộng đồng các dân tộc anh em ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO