Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:52 GMT+7

Khởi nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số:

“Muốn đi xa, chúng ta hãy đi cùng nhau”

Biên phòng - Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) có nhiều lợi thế so sánh về tiềm năng đất đai, tài nguyên, đa dạng văn hóa để phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm đặc sản và du lịch... Dù vậy, khởi nghiệp ở vùng đồng bào DTTS&MN đang gặp nhiều khó khăn về vốn, kỹ năng quản trị điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm, tiếp cận thông tin về cơ chế chính sách... Điều này khiến nhiều dự án khởi nghiệp chưa hiệu quả và bền vững. Vậy, làm thế nào để khởi nghiệp thành công?

pgfx_13a
Mô hình kinh doanh sản phẩm dệt truyền thống dân tộc Mông của chị Sùng Y Xía (Sơn La) khá thành công nhờ bán hàng qua mạng. Ảnh: Bích Nguyên

Kết nối nguồn lực, chia sẻ thông tin để đi xa hơn

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Phan Văn Hùng chia sẻ: Năm 2016 được Chính phủ chọn là “Năm quốc gia khởi nghiệp”. Từ đó cho đến nay, hoạt động khởi nghiệp đã được diễn ra mạnh mẽ và lan rộng khắp cả nước, nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các cấp chính quyền.

Ở vùng đồng bào DTTS&MN, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo UBDT phối hợp với các bộ, ngành tập trung nguồn lực nghiên cứu, xây dựng chính sách “Kết nối, hỗ trợ đồng bào DTTS, người dân ở miền núi khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vươn lên làm giàu dựa trên lợi thế, thế mạnh của khu vực, cho giai đoạn sau 2020”. UBDT đã xúc tiến thành lập “Mạng lưới các nhà cố vấn, đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS”, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT làm Chủ tịch danh dự và chịu trách nhiệm kết nối với các đối tác cùng xây dựng chính sách có ý nghĩa và quan trọng này.

Thực tế, tại nhiều diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ vùng DTTS & MN đang trong quá trình khởi nghiệp cho biết, họ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có lúc chông chênh, không biết bắt đầu như thế nào. Điều đó xuất phát từ việc thiếu thông tin, kỹ năng quản trị và vốn... Từng dự nhiều diễn đàn về khởi nghiệp, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn dễ đồng cảm và có sự nhìn nhận khá toàn diện về những điểm yếu và thiếu của các bạn trẻ trong quá trình khởi nghiệp.

Ông Tuấn cho hay: “Các chủ dự án khởi nghiệp đang rất thiếu thông tin, do thiếu sự chia sẻ và kết nối với nhau. Khởi nghiệp rất cần năng lực, sự dũng cảm, kiên trì, nhưng cũng cần có kỹ năng, sự chia sẻ nguồn lực, kết nối thông tin để chúng ta có thể mạnh hơn, đi dài hơn, xa hơn”. Đồng quan điểm trên, chia sẻ về tầm quan trọng của việc kết nối thông tin, chia sẻ nguồn lực trong khởi nghiệp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng nhấn mạnh: “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, chúng ta hãy đi cùng nhau".

Để hỗ trợ các start-up ở khu vực nông thôn miền núi, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, quan trọng là phải giúp họ kết nối thông tin, vì muốn khởi nghiệp thì không thể “đi một mình” mà phải có cộng đồng, nhưng hiện ở các địa phương đang thiếu không gian làm việc chung. Giải quyết vấn đề này, ông Quất gợi ý: “Nên tận dụng các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng để biến thành nơi chia sẻ thông tin, phổ biến các kiến thức về khởi nghiệp và không gian làm việc chung của các start-up”.

Rút ngắn mọi khoảng cách bằng công nghệ

Lý Tà Giàng cùng các cộng sự ở Quản Bạ, Hà Giang khởi nghiệp bằng cách sản xuất các loại thảo dược từ rừng; sản phẩm xà phòng từ thảo dược của chàng trai khuyết tật đến từ Ninh Bình... là những dự án khởi nghiệp thành công trong khâu sản xuất. Tuy nhiên, đầu ra (thị trường) vẫn là bài toán khó đối với những chủ dự án khi khởi nghiệp. Nguyên nhân là do đường sá đi lại quá khó khăn, mạng lưới phân phối sản phẩm thưa, yếu, khâu quảng bá sản phẩm còn hạn chế... Để tháo gỡ rào cản trên, ông Phạm Hồng Quất cho rằng, các bạn trẻ phải tận dụng mạng xã hội để quảng bá cho sản phẩm của mình thay vì chỉ dùng mạng xã hội để giao tiếp như hiện nay.

w6kx_13b
Nhiều sản phẩm khởi nghiệp từ nông nghiệp có chất lượng tốt nhưng vẫn khó tìm thị trường vì không có sự quảng bá tốt. Ảnh: Bích Nguyên

Là người đi trước, đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm trên thương trường, ông Vũ Hòa, Giám đốc Công ty Thái Hưng nhận định, khởi nghiệp hiện nay thuận lợi hơn những năm trước rất nhiều, bởi đất nước đang khuyến khích phong trào khởi nghiệp; các bạn trẻ cũng đang có rất nhiều cơ hội để kết nối. Đặc biệt, vùng DTTS & MN có những lợi thế rất riêng, độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được.

Ông Hòa chia sẻ kinh nghiệm đưa sản phẩm tới gần thị trường hơn: “Có sản phẩm tốt rồi, cần lưu ý phát huy những ứng dụng của công nghệ thông tin, ví dụ như lập tài khoản facebook doanh nghiệp, thay vì chỉ có facebook cá nhân và cần phải đầu tư, chăm chút cho nó như một trang thông tin chính thức của doanh nghiệp. Khi tương tác với khách hàng qua facebook thường xuyên, khoảng cách sẽ không còn ý nghĩa. Hơn thế, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và thương mại đang là khoản có chi phí thấp nhất”.

Bàn về lợi thế của ứng dụng công nghệ trong khởi nghiệp, ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc ươm tạo của Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings) khẳng định, công nghệ sẽ góp phần giải quyết rất nhiều vấn đề trong quá trình khởi nghiệp, từ sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch và bán hàng. Ông Hiệp đưa ra lời khuyên rất hữu ích cho các bạn trẻ: “Trong rất nhiều các ứng dụng, hãy tìm cho mình một ứng dụng giúp sản phẩm của các bạn tham gia được vào các kênh phân phối hiệu quả. Việc kết nối với các doanh nghiệp khác để có thêm vốn và công nghệ là hết sức cần thiết, cho dù doanh nghiệp đó là lớn hay nhỏ”.

Hiện có rất nhiều nguồn tài chính mà các bạn trẻ khởi nghiệp có thể tận dụng. Đó là nguồn vốn cho vay và nguồn vốn cho không (đầu tư xã hội, hỗ trợ kỹ thuật). Cụ thể là mạng lưới tài chính vi mô có trên toàn quốc như: Vốn vay ngân hàng chính sách, chương trình dự án của các tổ chức phi Chính phủ, Quỹ tình thương (từ miền Trung đổ ra), các Quỹ Đổi mới sáng tạo (thuộc Sở Khoa học công nghệ các tỉnh), Chương trình phát triển khởi nghiệp gắn với doanh nghiệp xã hội...

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO