Biên phòng - Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH và nhiệm vụ công tác năm 2020 của BHXH Việt Nam.
Hội nghị diễn ra ngày 15-2 theo hình thức truyền hình trực tuyến với sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội… cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương tại các điểm cầu trên cả nước.
Theo báo cáo tại hội nghị, hiện nay, cả nước có 16 triệu người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, gần 86 triệu người tham gia BHYT (chiếm 90% dân số). Tính đến cuối năm 2019, tổng số thu BHXH bắt buộc toàn ngành đạt khoảng 243.000 tỷ đồng; thu BHXH tự nguyện đạt gần 2.400 tỷ đồng; thu BHYT đạt khoảng 105.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong 25 năm hình thành và phát triển (16/2/1995-16/2/2020), BHXH là quỹ an sinh lớn nhất của nước ta, đóng vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội và mang lại những thành quả đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Hiện nay, hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng đồng bộ, phù hợp với tình hình đất nước và thông lệ quốc tế. Mô hình tổ chức được cải cách, tinh gọn bộ máy. Diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng. Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra.
“Chăm lo đời sống, sức khỏe và sự thịnh vượng ấm no của người dân là sự nghiệp lâu dài của Đảng và Nhà nước ta. Mục tiêu xuyên suốt là phải có một hệ thống an sinh xã hội hướng tới toàn dân, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tạo ra một mạng lưới an toàn gồm nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ cho tất cả thành viên cộng đồng xã hội” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Số lượng người thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT không ngừng tăng. BHXH Việt Nam đã cắt giảm 3/4 số thủ tục hành chính (giảm từ 263 xuống 27 thủ tục); xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp mã BHXH cho 97 triệu người dân, đặc biệt là hệ thống giám định BHYT điện tử đã kết nối 100% cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Đặc biệt, năm 2019, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng trên 2.800 USD, thuộc nhóm nước thu nhập trung bình thấp trên thế giới nhưng tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đạt trên 73,6 tuổi, thuộc nhóm cao của thế giới. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều còn dưới 4%. Các chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam có nhiều tiến bộ, thuộc nhóm trung bình cao trong tổng số 189 quốc gia trên thế giới.
Thủ tướng cho rằng: Chúng ta đang tập trung phát triển kinh tế với đích cuối cùng là lo đời sống cho người dân. Để trở thành lưới an sinh xã hội trọng yếu gắn với mục tiêu, định hướng XHCN, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội thì độ bao phủ của BHXH phải rộng khắp hơn, tất cả người lao động và những người phụ thuộc cần phải có lưới an sinh.
Theo Nghị quyết 28 của Trung ương thì tỷ lệ bao phủ BHXH phải đạt 35% dân số vào cuối năm 2021 và 45% vào cuối năm 2025, tỷ lệ bảo hiểm thất nghiệp là 28% vào năm 2021, 25% vào năm 2025. Để đạt được các mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu BHXH Việt Nam phải xác lập một chiến lược phát triển để trở thành một thiết chế hiện đại, hiệu quả, từng bước mở rộng vững chắc, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Thùy Chi