Biên phòng - Ngày 17-9, tiếp tục Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã nghe và thảo luận về Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của QH về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (giai đoạn 2017-2018).

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm túc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 76/2014/NQ13 của QH về tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020. Đến nay, nhiều mục tiêu đề ra đã đạt và vượt tiến độ. Giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, vượt so với mục tiêu đề ra từ 1-1,5%/năm. Cùng với việc giảm số hộ nghèo chung giai đoạn 2015-2017. Ước tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%.
Tuy nhiên, một số nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 76 chưa đạt tiến độ như: Việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không, sang hỗ trợ có điều kiện triển khai còn chậm; nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc và miền núi chưa đáp ứng được yêu cầu; các chính sách giảm nghèo vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cơ bản tán thành với các đánh giá của Chính phủ về những kết quả đẩy mạnh giảm nghèo bền vững trong 2 năm (2017-2018). Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Quá trình tổ chức, rà soát, bình xét hộ nghèo còn hạn chế, do tình trạng nể nang hoặc trục lợi; thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, có 29 huyện thuộc 18 tỉnh được xét bổ sung vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020, các huyện nghèo nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm trên 50%. Đặc biệt, cả nước còn tới 30.012 hộ người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo, chiếm 1,8% hộ nghèo cả nước, trong đó tập trung tới 38% tại khu vực miền núi Đông Bắc.
Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, cần quan tâm đánh giá thêm một số nguyên nhân chủ quan như tình trạng không muốn thoát nghèo để duy trì các chính sách có tính chất bao cấp; chưa kịp thời chuyển đổi chính sách để khắc phục sự ỷ lại của một bộ phận hộ nghèo; hiệu quả của việc nhân rộng các mô hình sinh kế còn hạn chế… Ngoài ra, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay chưa phù hợp đối với một số ngành nghề sản xuất và một số vùng trồng cây công nghiệp; chưa kết nối sản xuất với thị trường hàng hóa, một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích, chưa hiệu quả.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, các cơ quan chức năng cần phát huy những kết quả đạt được, đồng thời xem xét lại số liệu và đi sâu phân tích những hạn chế, để tìm ra nguyên nhân, đưa ra giải pháp để chính sách đi đúng đối tượng, đúng mục đích để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Trong đó, phải ưu tiên, có trách nhiệm chăm lo, hỗ trợ 30.012 hộ người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo thoát nghèo, đây là nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm cần tập trung thực hiện.
Viết Hà