Biên phòng - Đầu năm Nhâm Dần 2022, theo chân những dòng người đi du Xuân, trên mọi nẻo đường về vùng đất Đại Lộc (Quảng Nam), chúng tôi về thăm lại đền tưởng niệm Trường An. Sự đổi thay hiển hiện trên mọi nẻo đường và trong mỗi ngôi nhà nơi đây, đó là mùa Xuân của ấm no và hạnh phúc, là thành quả đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Lộc anh hùng.

Cách thành phố Đà Nẵng khoảng 40km và cách thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) khoảng 65km về phía Tây Bắc, đền tưởng niệm Trường An tọa lạc uy nghi trên đỉnh đồi Núi Lở thuộc xã Đại Quang, huyện Đại Lộc. Đây là địa danh ghi dấu những đóng góp của biết bao thế hệ nhân sĩ, hiền tài từ khi mở đất và những đóng góp máu xương các Mẹ Việt Nam Anh hùng và những anh hùng, liệt sĩ của quê hương Đại Lộc, đã được lịch sử mãi mãi khắc ghi.
Sau khi bước qua 100 bậc cấp dẫn lên đền, tại đây, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát cả một vùng không gian rộng lớn. Công trình đền tưởng niệm Trường An được khởi công xây dựng vào năm 1993 và hoàn thành vào năm 1995 trên khu đất rộng 17 ngàn mét vuông. Qua hơn 20 năm, có một số hạng mục cần được tu bổ, đồng thời cần xây dựng kè chắn phía Tây khu vực đồi Núi Lở để tránh nguy cơ sạt lở thường xuyên vào mùa mưa lũ. Được sự cho phép của chính quyền tỉnh Quảng Nam, vào tháng 7-2017, huyện Đại Lộc đã tiến hành trùng tu đền tưởng niệm Trường An nhằm phát huy hiệu quả công trình, xây dựng nơi đây thành điểm du lịch văn hóa, tâm linh của địa phương.
Đến với đền tưởng niệm Trường An, ngoài việc thăm viếng, du khách còn được chiêm ngưỡng khối tượng đài gồm các hạng mục chính: Nhà bia hình cánh cung có diện tích hơn 680 mét vuông hướng về tâm của đài tưởng niệm với hệ thống bia khắc tên các bậc hiền tài chí sĩ, là tên tuổi 269 Mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 7.000 liệt sĩ của 18 xã, thị trấn thuộc huyện Đại Lộc qua hai cuộc kháng chiến trường chinh. Ngoài ra, nơi đây còn khắc tên những anh hùng, liệt sĩ đến từ 22 tỉnh, thành phố trong cả nước và 12 huyện, thị của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), nay là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Như vậy đủ để biết người dân Đại Lộc đã cùng cách mạng đi qua những tháng ngày gian khó nhất của hai cuộc chiến tranh, đi đến thắng lợi cuối cùng, để những bãi dâu xanh, những nhộn nhịp của sắc màu phố thị hôm nay là biết bao máu xương đã đổ xuống. Đó cũng là niềm tự hào lấp lánh trong sự tri ân thành kính của người Đại Lộc hôm nay.
Tại khu vực đồi Núi Lở, nơi đây còn có khuôn viên cây xanh, cảnh quan thơ mộng với những cây xanh lộng gió, không khí trong lành, quanh năm mát mẻ. Từ trên đỉnh đồi Núi Lở nhìn xuống, phong cảnh làng mạc, con sông Vu Gia ngày đêm vẫn chảy hiện ra như một bức tranh hữu tình. Xa xa, những thửa đất màu phù sa ven sông Vu Gia với cây đậu phụng, đậu cô ve, ớt... đang nở rộ đẹp đến nao lòng, đón chào mùa Xuân mới đang về trên quê hương cách mạng.
Về thăm đền tưởng niệm Trường An, những dấu ấn oai hùng vẫn không thể nào phai nhòa trong mỗi người dân Đại Lộc, mà còn được thế hệ hôm nay gìn giữ và phát huy. Khi đến đây, chúng tôi vẫn còn nghe câu thơ của ai đó đã từng viết: “Nước vẫn chảy dưới chân cầu Ái Nghĩa, sông Vu Gia vẫn xanh và người vẫn đang miệt mài chắt chiu những phù sa”, để hôm nay mang một diện mạo mới đổi thay từng ngày.
Chúng tôi dừng lại ở bức tượng những cô gái sông Bung được khắc trên đá đặt dưới chân đền và 2 câu thơ khắc trên bia đá: “Sáu cô gái giỏi sông Bung/ Trường Sơn vang dội một vùng chiến khu”. Chân chất mà như có lửa, giữa đạn bom và ác liệt của cuộc kháng chiến trường kỳ. 6 cô gái quả cảm trên sông Bung đều đặn tải thương, chuyển hàng ngược xuôi suốt dòng sông Bung làm nên một mảnh ghép anh hùng trong trang sử của huyện Đại Lộc bước qua cuộc chiến... Phải chăng, khí phách hào hùng của dân tộc, truyền thống anh dũng cần cù lao động, yêu cảnh sắc thiên nhiên, thấm đậm tình người của bao thế hệ người dân Đại Lộc cùng với dòng sông Vu Gia thơ mộng nước chảy lơ thơ ngàn đời nay đã tạo nên một cảm xúc khó quên cho những ai đã từng một lần đặt chân lên vùng đất này; không chỉ là huyền tích, mà còn là niềm tự hào của vùng đất cách mạng Đại Lộc.
Về với đền tưởng niệm Trường An trong những ngày đầu Xuân 2022, xen lẫn cơn mưa nhẹ hạt, dòng sông Vu Gia và địa danh Núi Lở vẫn đong đầy niềm thương, nỗi nhớ là trở về địa danh lịch sử, chúng tôi cảm nhận được không khí mừng Đảng, mừng Xuân mới đang rộn ràng, lan tỏa khắp nơi nơi trên quê hương Đại Lộc. Gần 47 năm sau giải phóng, chiến tranh đã lùi vào ký ức, nhưng dấu ấn của cuộc chiến, những đau thương và mất mát mà chiến tranh để lại vẫn chưa thể xóa nhòa trên mảnh đất Đại Lộc anh hùng, như một minh chứng lịch sử cho những người con đất Việt đã đặt vận mệnh của đất nước lên trên tất cả.
Quá nửa đời người với biết bao đổi thay trên vùng quê hoa lửa. Những hố bom hóa ruộng cày, bờ bãi dọc sông cũng đã ngút ngàn xanh nhờ bàn tay chắt chiu của những người con Đại Lộc. Từ hạt phù sa trong lũ của dòng sông Vu Gia, rêu cỏ đã kịp phủ xanh nền đá, thay vào đó là những ngôi nhà san sát, cây trái cứ thế mọc lên, ươm mầm cho khát vọng hồi sinh. Tuyến đường ĐH 610, nối từ thị trấn Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) lên Ái Nghĩa chạy nối lên xã Đại Quang, huyện Đại Lộc đã được nâng cấp và mở rộng phần nào được bù đắp cho mảnh đất này.
Đền tưởng niệm Trường An là một trong những công trình lịch sử văn hóa lớn nhất trên địa bàn huyện Đại Lộc. Với tiềm năng du lịch, những năm qua, chính quyền huyện Đại Lộc đã có chủ trương phát huy lợi thế của các di tích trong huyện mà đền tưởng niệm Trường An là điểm nhấn, qua đó, trở thành điểm đến lý tưởng, hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước theo hướng du lịch tâm linh mà huyện Đại Lộc đang hướng đến. Đền tưởng niệm Trường An còn là “địa chỉ đỏ”, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Nguyễn Văn Sơn