Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:17 GMT+7

Mùa xuân thắm đượm nghĩa tình trên vùng biên giới Việt-Lào

Biên phòng - Sau hành trình dài với những đoạn đường quanh co, khúc khuỷu, vượt gần hai trăm cây số trong giá rét, chúng tôi đã đến được với vùng biên giới Việt-Lào, nơi đồng bào vùng sâu, vùng xa đang phấn khởi chuẩn bị đón một cái Tết no ấm, đủ đầy.

vui-xuan-don-tet-voi-ba-con-dan-ban
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai cùng vui xuân, đón Tết với dân bản. Ảnh: Xuân Thế

Thắm đượm tình quân - dân

Đi dọc các bản làng, ở nơi đâu chúng tôi cũng bắt gặp sắc xuân vùng cao đang rộn rã. Hôm chúng tôi đến, ngôi nhà sàn nhỏ của bà Hồ Thị Oi, bản Ka Tiêng, xã Hướng Việt (Hướng Hóa) đã rộn ràng đón BĐBP đến thăm, tặng quà, chúc Tết. Bà Oi cho biết: “Bản làng hôm nay đã thực sự đổi thay, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và BĐBP, người dân đã triển khai nhiều mô hình sản xuất hiệu quả làm cho cuộc sống được cải thiện hơn. Nhà nào cũng đón Tết no đủ, yên vui”.

Anh Hồ Viên, bản Ka Tiêng cho biết thêm: “Tết đến gần, dân bản ai cũng phấn khởi. Gia đình tôi đến nay đã cơ bản chuẩn bị xong mọi thứ để sẵn sàng đón Tết, nếp trồng từ trên nương, lợn, gà sẵn dưới sàn nhà. Còn hàng Tết, bây giờ bánh kẹo, mứt, hạt dưa... được đưa lên vùng cao rất sớm với các chương trình bình ổn giá nên rất thuận lợi cho người dân mua sắm”.

Rời Hướng Việt, chúng tôi đến xã Hướng Phùng. Gặp chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Phùng Hồ Văn Khưn cho biết, năm nay, người dân ăn Tết tươm tất hơn vì sắn, lúa được mùa, bán được giá. Những gia đình chính sách, các hộ gặp khó khăn, chính quyền địa phương đã trao quà Tết kịp thời để mọi người đều có điều kiện đón Tết. Trên mỗi nẻo đường dẫn vào các bản làng, nơi đâu chúng tôi cũng bắt gặp không khí khẩn trương đón Tết của bà con dân bản, thanh niên dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh đường sá; phụ nữ tập trung từng nhóm chuẩn bị nếp, lá giang gói bánh cúng tổ tiên, còn người già, trẻ em thì xúng xính trong những bộ áo mới với nụ cười rạng rỡ.

Để người dân yên tâm vui xuân, đón Tết, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, BĐBP đóng quân trên địa bàn cũng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tích cực. Trung tá Nguyễn Quang Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Bai cho biết: “Đơn vị đã xây dựng kế hoạch trực Tết và tổ chức đón Tết cho người dân trên địa bàn; phân công các cán bộ, chiến sĩ về địa bàn để cùng đón Tết với bà con và mời bà con đến đồn ăn Tết. Đồng thời, tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát trong dịp trước, trong và sau Tết; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc không sử dụng vật liệu nổ, pháo nổ trái phép. Ngoài ra, đồn cũng vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ, tặng quà cho các gia đình chính sách, các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các gia đình tích cực tham gia tự quản đường biên, cột mốc và các thôn bản do đơn vị đỡ đầu với hàng ngàn suất quà trị giá hàng trăm triệu đồng”.

Theo Đại tá Hồ Ngọc Hoàng, Phó Chính ủy BĐBP Quảng Trị, để chuẩn bị cho bà con được vui xuân, đón Tết, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trên hai tuyến biên giới phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khảo sát các gia đình có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, ốm đau đột xuất để kịp thời tham mưu cho các cấp hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, tuyệt đối không để ai bị thiếu đói trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã huy động và trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân trên hai tuyến biên giới với 1.130 suất quà, trị giá 444,9 triệu đồng, cử 40 tổ/123 đồng chí về ăn Tết cùng với bà con dân bản và mời hơn 700 người dân trên hai tuyến biên giới đến các đồn Biên phòng ăn Tết cùng cán bộ, chiến sĩ.

Vẹn nguyên tình hữu nghị Việt - Lào

10 năm theo chồng sang Việt Nam là cũng chừng ấy thời gian chị Hồ Thị Phon, ở bản A Viên, huyện Sepon, tỉnh Savannakhet (Lào) được đón Tết đầm ấm với nhà chồng. Chị Phon cho biết: “Tết Nguyên đán ở Việt Nam rất vui, ngoài việc gia đình đoàn tụ, mọi người còn đi thăm bà con, bạn bè để chúc tết. Đã từ lâu, tôi đã xem Tết cổ truyền của Việt Nam như chính cái Tết của dân tộc mình. Năm nay, sắn trên rẫy được mùa, lúa nước cũng bội thu, cuộc sống ấm no nên gia đình tôi chuẩn bị Tết từ rất sớm, trong nhà đã có bánh, kẹo, mứt, hạt dưa đầy đủ. Từ ngày 27 Tết, vợ chồng tôi nghỉ lên rẫy, bắt đầu gói bánh, nấu xôi, mổ heo ăn tết”.

Nằm sát biên giới với nhau, bà con các xã vùng biên giới hai nước Việt - Lào luôn đoàn kết, gắn bó, chia sẻ với nhau trong cuộc sống. Mỗi dịp Tết đến, người dân hai bên biên giới thường xuyên qua lại thăm hỏi, chúc Tết nhau, từ đó gắn kết hơn tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc.

Theo chân những chiến sĩ Biên phòng, chúng tôi được chứng kiến không khí nhộn nhịp, vui tươi chào đón Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam tại bản Mày, huyện Sepon, tỉnh Savannakhet (Lào). Như mọi năm, mỗi dịp tết đến, anh Hồ Văn Nam ở bản Mày lại chuẩn bị bánh kẹo, rượu và xôi nếp rồi mời bà con họ hàng cùng những người bạn Việt Nam từ bên kia biên giới sang ăn Tết.

Tiếp chuyện chúng tôi, anh Nam cho biết: “Hòa chung không khí đón Tết của người Việt, tại bản Mày cũng tổ chức vui xuân, đón Tết cùng với người dân Việt Nam. Qua đó, chúng tôi muốn sẻ chia, góp vui cùng bà con người Việt trong những ngày đầu năm mới và mong muốn tình hữu nghị Việt - Lào ngày càng được thắt chặt, đoàn kết, giữ vững và phát huy mối quan hệ thân tộc, dòng tộc hai bên biên giới; giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.

Từ năm 2005, Đề án “Kết nghĩa dân cư hai bên biên giới” được triển khai thực hiện. Đến nay, đã có 24 cặp bản đối diện trên toàn tuyến biên giới giữa tỉnh Quảng Trị với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào) đã tổ chức kết nghĩa. Từ thực hiện các nội dung cam kết trong hoạt động kết nghĩa bản - bản, đồn - trạm Biên phòng đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về pháp luật biên giới của hai nhà nước.

Thông qua bản ghi nhớ kết nghĩa của từng cặp bản và cam kết của các hộ dân mỗi bản, các thôn bản kết nghĩa đã giúp nhau bằng nhiều việc làm hết sức cụ thể như trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn cách phòng trừ dịch bệnh, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện thông thoáng cho việc lưu thông sản phẩm trở thành hàng hóa trao đổi trên thị trường.

Nhân các ngày lễ, Tết truyền thống của hai nước và các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc hai bên, chính quyền và người dân thôn, bản kết nghĩa đều tổ chức đến thăm hỏi, chúc mừng lẫn nhau. Các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục, thể thao giữa các bản thường xuyên được tổ chức, góp phần giới thiệu, giữ gìn bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc.

Ngày cuối năm, khi mùa xuân đang tràn ngập khắp nẻo biên cương, hơi ấm của tình quân dân, tình hữu nghị giữa hai dân tộc nơi biên giới càng thêm gắn bó. Thêm một mùa xuân ấm no, hạnh phúc lại đến với mỗi bản làng, trong mỗi nếp nhà ở vùng biên cương Tổ quốc sắc xanh của người chiến sĩ Biên phòng đang hòa mình cùng bà con dân bản để cùng nhau bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Xuân Thế

Bình luận

ZALO