Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 29/05/2023 10:16 GMT+7

Mùa xuân của Siu Hly

Biên phòng - Đã hơn 14 năm trôi qua, câu chuyện của chúng tôi giữa bạt ngàn những vạt cúc quỳ đang mùa nở rộ xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc, khi cô bé mồ côi Siu Hly đã tròn 18 tuổi và thực sự trưởng thành. Trước đó, sau chuyến vượt biên định mệnh cách đây hơn một thập kỷ, em đã mất đi tất cả những người thân yêu nhất trong gia đình và được nuôi dưỡng trong vòng tay yêu thương của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ia O, BĐBP Gia Lai.

l9ra_14b
Cán bộ Đồn BP Ia O và cô trò trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Ia Grai tại lễ đón bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia của trường. Ảnh: Ngọc Khánh

Làng Cúc, xã Ia O năm 2004…, vì nhẹ dạ cả tin nghe kẻ xấu xúi giục, một số hộ gia đình dân tộc Gia Rai đã vượt biên sang Campuchia. Những chuyến đi bằng thuyền nan đầy nguy hiểm vượt sông Pô Cô trong đêm, đã có người may mắn thoát nạn, nhưng cũng có những gia đình phải chịu cảnh thương đau. Đó là câu chuyện của gia đình bé Siu Hly. Cả nhà em, gồm 3 thế hệ cùng dắt díu nhau lên thuyền để đi tìm miền đất hứa, nhưng cuối cùng phải bỏ mạng giữa dòng sông Pô Cô đen thẳm. Vậy là, chỉ trong chớp mắt, tất cả những người thân yêu nhất trong gia đình gồm ông bà nội, ngoại, bố mẹ và đứa em gái bé bỏng chưa đầy năm đã vĩnh viễn ra đi. Chỉ còn lại một mình Siu Hly lúc đó mới 4 tuổi may mắn thoát chết.

Cho đến giờ, những người biết câu chuyện này vẫn chưa hết bàng hoàng và thường tự hỏi, không biết cuộc đời của một cô bé mới 4 tuổi khi ấy sẽ ra sao, nếu không có buổi tuần tra làm nhiệm vụ trong đêm của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ia O. Nghe các anh kể lại thì bé Siu Hly bị trôi rồi mắc kẹt tại một phiến đá, sự sống chỉ còn trong gang tấc. Vậy là bé được các chú bộ đội quân hàm xanh nhận về nuôi, trở thành một thành viên "nhí" của đơn vị.

Nhiều năm trôi qua, những người lính đồng hành cùng với bé trong những ngày đầu gian nan ấy đã lần lượt chuyển công tác. Chúng tôi tìm đến gặp Thiếu úy Siu Nhin, nhân viên Đội Vận động quần chúng, người được phân công trực tiếp chăm sóc bé Siu Hly. Theo trí nhớ của Thiếu úy Nhin, Siu Hly hồi ấy bé xíu, rụt rè, cứ nhìn thấy các chú là sợ sệt, chúi vào một góc. Bé không bao giờ nói chuyện với ai, cứ lẳng lặng một mình, biếng ăn, thậm chí ốm cũng không chịu uống thuốc.

Chuyến đi định mệnh ấy cứ luôn ám ảnh trong suy nghĩ của cô bé Siu Hly. Chuyện trong quá khứ lúc nào cũng ùa về một cách rành rẽ, kể cả kỷ niệm cuối cùng của bé với bố là trận đòn đau vì nghịch ngợm. Cuộc sống của bé vẫn chỉ mới như ngày hôm qua. Để rồi, nỗi đau thương quá lớn ấy cứ đeo bám bé suốt thời gian dài. Nuôi nấng, chăm sóc một cô bé trong hoàn cảnh như vậy đối với những người lính trẻ đã là câu trả lời đầy đủ nhất cho những gian nan, những tình cảm vô bờ bến của các anh trước số phận bất hạnh.

Thiếu úy Siu Nhin cũng như những cán bộ khác đã từng chăm sóc bé hiểu rằng, Siu Hly không thể có được sự trưởng thành như hôm nay nếu không có tình thương, sự tận tâm của các cô giáo. Bởi khi 10 tuổi, Siu Hly mới học lớp 1, cho tới tận năm lớp 6, cô bé vẫn là một học sinh được quan tâm đặc biệt, không chỉ về văn hóa mà cả tinh thần. Em được một cô giáo y tế học đường chăm sóc về sức khỏe; một cô giáo trực trường mỗi tối kèm cặp bài vở, gần gũi, động viên; bạn bè được phân công rủ bé đi chơi…

Cô Nguyễn Thị Bé, Phó Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Ia Grai, cũng là cô giáo chủ nhiệm đầu tiên của Siu Hly cho chúng tôi biết: "Thời gian đầu, bé học yếu, tự kỷ, trầm cảm, không nói năng với ai. Bây giờ, Siu Hly đã học lớp 9, đã hòa nhập được với các bạn bè, tham gia tích cực vào các hoạt động của trường, lớp. Em được học võ, học đàn, tham gia lao động tăng gia sản xuất cùng bạn bè". Đối với những người luôn bên cạnh, chứng kiến từng bước đi của em thì đó là sự tiến bộ vượt bậc, một nỗ lực lớn không của riêng ai. Sự trưởng thành của em là niềm vui cho biết bao người. 

0xus_14a
Xuân này, cô bé mồ côi Siu Hly đã tròn 18 tuổi. Ảnh: Ngọc Khánh

Hai năm gần đây, khi Siu Hly đã đủ khôn lớn, em được đơn vị cho về nhà để chăm sóc bà cố năm nay đã gần 90 tuổi. Chiều Chủ nhật nào cũng vậy, các chú BĐBP chạy xe hơn 5km đến nhà đón em rồi bắt xe khách cho em lên trường. Trải qua bao nhiêu năm làm con nuôi của đồn BP là từng ấy năm cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ia O đều đặn quyên góp hỗ trợ em 900.000 đồng/tháng để giúp đỡ em ăn học, mua quần áo, sách vở; đồng thời đóng vai những "ông bố" tham gia họp phụ huynh ở lớp, ở trường... Tình yêu thương của những người lính quân hàm xanh làm Siu Hly vô cùng hạnh phúc. Em luôn nhớ về quá khứ, về những kỷ niệm không thể nào quên. Nhớ nhất là khi còn nhỏ, một lần em ốm nặng được các chú nấu cháo cho ăn, hay những lúc em muốn bỏ học được các chú gần gũi, săn sóc, động viên, dỗ dành cho đi mua sắm.

Mới đây, khi đã trở nên gần gũi, tin tưởng, Siu Hly có gọi điện tâm sự với tôi rằng, em đang rất buồn và không biết làm thế nào, vì có một hôm em nghỉ học không có lý do nên bị cô giáo và các chú phật lòng. Em cảm thấy rất áy náy vì đã để mọi người phải lo lắng cho mình. Vậy là, cô bé Siu Hly đã trưởng thành, bởi từ trong suy nghĩ của em đã biết trân trọng và biết ơn những tình cảm yêu thương của mọi người dành cho mình.

Mong rằng, bài viết này sẽ như một món quà nhỏ mang đến em đầy ắp những hình ảnh của biên cương, của màu xanh áo lính, những sắc màu đã, đang và sẽ luôn đồng hành, luôn bên em trên mỗi bước đường đời với niềm tin vững chắc, em sẽ trở thành một công dân tốt để không phụ tấm lòng của những người đã cho em cuộc đời mới.

Câu chuyện về cô bé Siu Hly - con nuôi của Đồn BP Ia O khiến chúng ta càng tin vào những điều tốt đẹp luôn còn hiện hữu. Tin rằng, cuộc sống luôn cần lắm những tấm lòng như thế.

Ngọc Khánh

Bình luận

ZALO