Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:50 GMT+7

Mùa vàng nơi “làng lúa” Ia Mơ

Biên phòng - Ngày cuối năm, trong sắc vàng chín rộ màu lúa, đất rừng biên giới Ia Mơ dường như hối hả, vội vàng hơn. Suốt 4 tháng ròng rã bám đồng, giờ là lúc những chủ nhân “làng lúa” tính toán lãi lời chuẩn bị cho mùa vụ sang năm. Sự tính toán của nông dân “thời đại 4.0”, sản xuất lúa gạo theo kiểu hàng hóa khác xa với những lo toan thời kỳ cây lúa còn cheo leo bám chặt trên sườn núi. Ngày xưa người Ia Mơ phải tần tảo “làm thế nào cho đủ ăn”, còn hôm nay đã có nhiều sự lựa chọn “ăn thế nào cho thật ngon, mặc ra sao cho thật đẹp, thật ấm”…

Mùa thu hoạch trên cánh đồng lúa nước Ia Mơ. Ảnh: Thái Kim Nga

1. Rất bận rộn trong mùa thu hoạch nhưng chỉ một cuộc gọi của Đại úy Rơ Ô Thuy, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Mơ, BĐBP Gia Lai, hai “phú hộ” lúa nước của làng Klả, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông (Gia Lai) là bà Rơ Mah Pinh và ông Rơ Châm Kơk đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện chuyên sâu về cây lúa nước. Trong mấy năm gần đây, “cặp đôi” này luôn trong tốp đầu cả về diện tích, năng suất và sản lượng lúa nước của xã biên giới Ia Mơ.

Bà Rơ Mah Pinh là người đầu tiên sở hữu hơn 4ha đất ruộng, năm nay thu được gần 400 bao lúa (năng suất bình quân 5 tấn/ha). Còn gia đình ông Rơ Châm Kơk ít hơn, nhưng cũng ngót nghét chục tấn. Với sản lượng lúa lớn như vậy, người nông dân Ia Mơ giờ đây phải tính toán kỹ lưỡng các khâu từ làm đất, xuống giống, chăm bón, thu hoạch, phơi phóng và cả “đầu ra” cho sản phẩm của mình. Sản xuất hàng hóa chứ nào phải kiểu tự cung tự cấp như ngày xưa, hạt lúa làm ra đâu chỉ đáp ứng số lượng mà còn phải bảo đảm chất lượng để bán sao cho được giá.

“Mình vừa ra chỗ mấy đại lý về. Giá lúa tươi ngày hôm nay đã nhích lên một tý, được năm ngàn sáu rồi (5.600 đồng/kg). Năm nay do các nơi mất mùa nên lúa ở đây làm ra, vừa bán nhanh lại vừa được giá. Nông dân Ia Mơ cũng đỡ khổ...”- Bà Rơ Mah Pinh chia sẻ. Nghe người phụ nữ Jrai nói tiếng Kinh chưa sõi, quả thật tôi rất ngạc nhiên bởi sự tươi mới trong tư duy kinh tế của các chủ nhân vùng biên giới.

Đại úy Rơ Ô Thuy cho biết thêm, vào mùa thu hoạch, bà Rơ Mah Pinh không chỉ lo bám đồng mà thường xuyên cập nhật thông tin về giá cả để tránh tình trạng bị thương lái ép giá. Người phụ nữ 60 tuổi này thường tiếp cận các đại lý thu mua, các nơi công cộng tập trung đông người để chuyện trò hỏi han. Đi nhiều, biết nhiều vừa phục vụ việc tiêu thụ sản phẩm, lại tiếp cận nhanh với các loại giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao hơn để từ đó về phổ biến cho bà con trong làng, trong xã làm theo. Việc làm này là hết sức cần thiết, bởi với tổng sản lượng hàng ngàn tấn lúa mỗi năm, nếu chênh lệnh dù chỉ vài trăm đồng thôi sẽ gây thiệt hại cho người nông dân Ia Mơ số tiền rất lớn.

Tuy nhiên, nếu tính toán kỹ lưỡng như thế tại sao các “phú hộ” lúa nước của làng Klả phải bán lúa tươi, trong khi ai cũng biết nếu phơi khô sẽ được giá hơn? “Năm tới nhà mình sẽ làm sân phơi để chủ động hơn trong khâu thu hoạch, lại không bị ép giá. Cả làng Klả có hơn 170ha lúa nước nhưng chưa nhà nào làm được cái sân phơi đúng nghĩa cả” - Ông Rơ Châm Kơk tiếp lời. Thì ra là vậy, sản xuất nông nghiệp khi chưa được “khép kín” các công đoạn thì chưa thể nói là phát triển. Và, thực tế cho thấy, nếu so sánh với các vùng trồng lúa trọng điểm khác thì nông dân Ia Mơ vẫn còn một khoảng cách về năng suất, nhưng được như thế này đã là thành tựu lớn, bởi họ chỉ mới vừa “xuống núi” ngày hôm qua...

2. Câu chuyện giữa người lính Biên phòng với hai “phú hộ” của làng Klả đưa tôi về với thời điểm gần một thập kỷ trước, ngày Đồn Biên phòng Ia Mơ xây dụng mô hình trình diễn trồng lúa nước ở đội công tác địa bàn. Có lẽ chính các nhân chứng đang ngồi đây cũng không dám tin “cuộc cách mạng” đưa bà con xuống đồng của những người lính Biên phòng lại có đoạn kết có hậu đến như vậy.

“Thấy ma Chiên (Đại úy Rơ Ô Thuy) và anh em ở đồn Biên phòng dùng máy cày đất trồng lúa mình không tin là nó làm được. Cày sâu, cuốc kỹ bằng tay như người làng mình còn chưa có ăn thì làm sao bảo bà con mình làm theo được. Nhưng mà, BĐBP làm được. Cả nhà mình người cuốc người cào, quần quật suốt nửa tháng trời mới chọc tỉa xong 2ha, trong khi đó, một mình ma Chiên chỉ làm chưa hết một buổi. Vậy là, bà con làm theo. Chỗ nào chưa biết thì hỏi BĐBP. Một năm, hai năm rồi ai cũng biết làm lúa nước cả”- Bà Rơ Mah Pinh bồi hồi nhớ lại.

Cán bộ đội công tác địa bàn, Đồn Biên phòng Ia Mơ trao đổi kỹ thuật trồng cây điều với nông dân. Ảnh: Thái Kim Nga

“Thật ra, niềm tin của người Ia Mơ dành cho BĐBP đến từ cách đây hơn 20 năm về trước, khi bộ đội đưa giống điều lên hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc. Cây điều phát triển tốt không chỉ giúp cho nhiều gia đình thoát nghèo, mà còn hình thành tư duy sản xuất hàng hóa trong cộng đồng người dân vùng biên giới, để đến hôm nay cây lúa trở thành loại cây hàng hóa chủ lực”.

Nghe ông Rơ Châm Kơk nói chuyện, tôi nhìn sang gương mặt rạng ngời của Đại úy Rơ Ô Thuy để cảm nhận niềm hạnh phúc của người lính Biên phòng. “Cuộc cách mạng” đưa bà con xuống đồng của Đồn Biên phòng Ia Mơ không hề đơn giản, ở đó có sự gian nan, bền bỉ, có tình yêu thương vô bờ bến của những người lính bám trụ nơi đất làng. Suốt một chặng đường rất dài họ vẫn ở đó dìu dắt người nông dân biên giới đi từ không đến có, từ sự lệ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên đến việc làm chủ các công đoạn kỹ thuật để có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa “thời đại 4.0”.

Chiều cuối năm. Đứng bên chiếc cầu treo Ia Mơ “nối nhịp” giữa đường biên giới với các “cột mốc sống”, nhìn bóng dáng người lính Biên phòng lẫn vào những khu dân cư, tôi bỗng thấy xao lòng trước vẻ đẹp của làng lúa sau một mùa vàng bội thu. Hạt lúa đã tạo nên mùa vàng, ngập tràn trong tiếng nói cười của các chủ nhân vùng biên giới Ia Mơ. Và, mùa vàng ấy cũng chính là “khúc vĩ thanh” làm ấm lòng người chiến sĩ Biên phòng trong buổi chiều cuối năm trời trở lạnh.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO