Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:19 GMT+7

Mưa to kéo dài, nhiều địa bàn ở miền Trung bị chia cắt, BĐBP đang tích cực giúp dân ứng phó

Biên phòng - Do mưa to liên tục kéo dài, nhiều địa phương ở các tỉnh miền Trung xảy ra lũ cục bộ, sạt lở đất đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân. BĐBP các tỉnh đã điều động lực lượng, phương tiện cùng lực lượng chức năng sát cánh cùng nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế gia cố đê biển bị triều cường làm sạt lở. Ảnh: Ngọc Bình

Trên địa bàn huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam mưa lớn diễn ra suốt hai ngày qua khiến cho hệ thống đường sá, cầu cống vừa mới khắc phục tạm thời (do trận lũ năm 2020) tiếp tục bị hư hỏng. Tại một số điểm khu dân cư của Tây Giang có nhiều vị trí đang có nguy cơ sạt lở cao. Nhiều tuyến đường bị chia cắt bởi dòng lũ, lực lượng quân sự, BĐBP và chính quyền địa phương đang tích cực giúp dân di dời tài sản, đồ đạc và sơ tán đến nơi an toàn; đồng thời tổ chức cắm biển bảng tuyên truyền không cho người dân qua lại những khu vực nguy hiểm.

Theo báo cáo sơ bộ, hiện có khoảng 21 ngôi nhà của người dân tại các xã A Xan, Bha Lêê, A Vương của huyện Tây Giang bị lũ tràn vào nhà. Toàn bộ tài sản đã được đưa đến chỗ cao ráo và người dân cũng được sơ tán đến nơi an toàn.

Tại huyện Nam Trà My, đến thời điểm hiện tại mưa lớn vẫn đang diễn ra phức tạp, chưa có dấu hiệu suy giảm. Nước sông suối dâng cao, chảy mạnh. Hiện 147/605 khẩu hộ có nguy cơ sạt lở được sơ tán về vị trí an toàn. Mưa lớn khiến quốc lộ 40B từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My đoạn ngầm Sông Trường và Nước Oa nước lớn ngập sâu, chia cắt giao thông. Tuyến ĐH 5 (đi về Trà Vân - Trà Vinh) bị sạt lở nặng tại điểm gần UBND xã Trà Vinh chưa lưu thông được.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, do triều cường kết hợp với mưa lớn, sóng to nên đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển thuộc thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục hộ dân trong khu vực. Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã điều động cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An và Hải đội Biên phòng 2 cùng hơn 300 người dân dùng các vật liệu và sử dụng hơn 8.000 bao cát để gia cố khẩn cấp khu vực sạt lở.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, BĐBP Thừa Thiên Huế di dời dân đến nơi an toàn. Ảnh: Ngọc Bình

Ước tính, khu vực sạt lở của bờ biển thôn Tân An dài khoảng 200 m, ăn sâu vào 10m. Nếu triều cường tiếp tục dâng cao, mưa lớn và sóng đánh mạnh thì mức độ sạt lở sẽ nghiêm trọng hơn.

Cùng ngày cán bộ, chiến sĩ Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân phối hợp với chính quyền địa phương xã Hồng Thủy, huyện A Lưới di dời 36 hộ/98 khẩu có nguy cơ bị sạt lở đất đến điểm trường mầm non xã tránh trú.

Tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, mực nước sông Đakrông, sông Ba Lòng lên nhanh làm ngập lụt các cầu tràn, ngầm tràn Tà Rụt - A Vao, đường vào trung tâm xã A Vao; tràn Ba Lòng xã Ba Lòng, tràn thôn A Rồng Trên, xã A Ngo (quốc lộ 15D) mực nước ngập sâu từ 0,5 đến 2m gây chia cắt đường vào trung tâm xã Ba Nang, A Vao, Ba Lòng và các thôn Ly Tôn, xã Tà Long; thôn Gia Giã, xã Hường Hiệp; khu tái định cư Húc Nghì, xã Húc Nghì.

Thượng tá Bùi Văn Hưng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ba Nang, BĐBP Quảng Trị cho biết, đơn vị đã triển khai 6 tổ với 25 cán bộ, chiến sĩ bám địa bàn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức chốt chặn; đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác với thiên tai, không đi lại những khu vực đập tràn khi nước nước lũ dâng cao, không đánh bắt cá trên các sông, suối để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Đơn vị cũng đã vận động và giúp các hộ dân sinh sống ven sông, suối, vùng thấp trũng có nguy cơ bị lũ quét, lũ ống đến vị trí an toàn.

Hiện tại, thôn Trại Cá (xã Tà Long) có 46 hộ với 192 nhân khẩu ở khu vực trũng thấp có nguy cơ bị lũ quét đã được đơn vị và các lực lượng phối hợp di dời đến khu vực an toàn. Theo thông kê ban đầu, trên địa bàn huyện Đakrông có 1 người mất tích do lũ.

Cụ thể, lúc 18 giờ 30 phút ngày 16-10, anh Hồ Văn Diên (sinh năm 2001) ở huyện Hướng Hóa đi bộ qua đập tràn thôn Ly Tôn, xã Tà Long, không may bị trượt chân đã bị nước lũ cuốn trôi mất tích. Hiện, Đồn Biên phòng Ba Nang đang phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương tích cực tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Tại Quảng Bình, mưa to cũng bắt đầu từ chiều tối 16-10. Hiện các sông ở vùng nam Quảng Bình cũng vượt báo động 1, mưa lớn đã làm ngập lụt nhiều đoạn đường, cô lập một số địa phương… Các đồn Biên phòng của BĐBP Quảng Bình đã cử lực lượng, điều động phương tiện hỗ trợ nhân dân ứng phó với mưa lũ.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP Quảng Bình hỗ trợ nhân dân di dời tài sản lên cao. Ảnh: Nguyễn Nam

Lúc 10 giờ, ngày 17-10, đò của ông Hoàng Tuấn Anh (sinh năm 1992 ở thôn Liên Xuân, xã Trường Sơn, huyện Lệ Thủy) bị chìm trong quá trình di chuyển. Nhận được tin báo Đồn Biên phòng Làng Mô đã cử 5 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương, bà con nhân dân tham gia kịp thời cứu nạn và đã đưa được ông Anh vào bờ an toàn đồng thời cố định phương tiện chờ lũ rút sẽ trục vớt.

Tại các điểm có nguy cơ ngập lụt, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, sáng nay Đồn Biên phòng Làng Ho đã vận động và giúp đỡ 9 hộ/54 khẩu ở bản Mít Cát, Ho Rum, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đến vị trí an toàn. Cũng do trời mưa khuất tầm nhìn, tại km 110+300 địa bàn xã Hoá Thanh, huyện Minh Hóa đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng giữa 2 xe ô tô. Đồn Biên phòng Ra Mai đã cử lực lượng phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông bảo vệ hiện trường và xử lý, giải tỏa giao thông.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo dõi và thông báo tình hình mưa lũ đến từng hộ gia đình, đồng thời nắm chắc tình hình nhân dân; triển khai lực lượng, phương tiện kịp thời hỗ trợ nhân dân ứng phó với mưa lũ; kịp thời di dời những gia đình có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn, không để dân đói, rét; tổ chức canh gác, cảnh báo các điểm ngập lụt, sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Nhiều tuyến đường trên biên giới tỉnh Quảng Bình bị sạt lở, hư hỏng nặng. Ảnh: Nguyễn Nam
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô di chuyển tài sản của nhân dân đến vị trí an toàn. Ảnh: Nguyễn Nam
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho, BĐBP Quảng Bình vận động nhân dân sơ tán khỏi vị trí nguy hiểm. Ảnh: Công Hiền

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, mưa lớn kéo dài nhiều giờ cộng với việc xả tràn các hồ chứa khiến nhiều tuyến đường ở thị xã Kỳ Anh, huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà, huyện Kỳ Anh bị ngập, nước tràn vào nhà một số hộ dân.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, chính quyền các địa phương đã chủ động các phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đang thi công dang dở, đề phòng mưa lớn gây sạt lở, làm ách tắc giao thông; cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, vùng trũng thấp, vùng thường xuyên có hiện tượng sạt lở núi như phường Kỳ Thịnh, xã Kỳ Hoa, xã Kỳ Lợi...

Sạt lở đất nghiêm trọng ở nhiều nơi trên địa bàn biên giới tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thùy An

Tại Nghệ An do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8 và gió mùa Đông Bắc tăng cường đã gây mưa lớn, khiến nhiều tuyến đường miền núi bị sạt lở. BĐBP Nghệ An chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng triển khai các biện pháp ứng phó.

Viết Lam - CTV

Bình luận

ZALO