Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:11 GMT+7

Mùa sen trong tâm thức người Huế

Biên phòng - Mỗi năm vào mùa sen tháng 6, Huế lại tổ chức lễ hội sen cố đô như là một sản phẩm du lịch đặc trưng của mảnh đất đẫm sắc màu văn hóa này. Kỳ Festival nghề truyền thống 2019 song hành với kỳ nghỉ lễ diễn ra từ ngày 28-4 đến 2-5 có tới 400 ngàn khách du lịch tới Huế, nhưng số lượng khách lưu trú lâu dài ở Huế chỉ một phần nhỏ trong số này. Và như vậy, hành trình khơi dậy tiềm năng riêng của Huế vẫn còn tiếp diễn, trong đó, sắc màu hoa sen kiêu sa của kinh kỳ được chọn là điểm nhấn tiêu biểu.

0rxg_8c
Những người phụ nữ Huế bên sen hồ Tịnh Tâm. Ảnh: TTH

Theo thống kê, những năm gần đây, ngoài diện tích trồng sen cũ, số lượng các đầm, đìa lúa và hoa màu giá trị kinh tế thấp chuyển hướng sang trồng sen khá nhiều. Các đìa sen không tập trung một chỗ mà bao gồm các diện tích nhỏ, rải rác khắp các làng mạc, khu dân cư, đồng quê và đầm phá ven biển tạo cho cảnh sắc thanh bình của Huế lại càng êm đềm hơn khi bước vào mùa sen đẹp nhất trong năm. Văn hóa gốc của Huế thúc đẩy phát triển xã hội một cách toàn diện thông qua hình ảnh hoa sen. Sen đi vào thơ ca nhạc họa, vào không gian sống, tín ngưỡng, tâm linh, di tích vật thể và phi vật thể, ẩm thực và tiêu dùng. Sen tạo ra sản phẩm du lịch và cuối cùng, sen trở thành hàng hóa chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Thừa Thiên Huế. 

Festival nghề truyền thống Huế 2019 dành riêng một “không gian sen Huế” để trưng bày và giới thiệu sản phẩm có sử dụng hình ảnh hoa sen. Vải lụa dệt bằng tơ sen, sen khắc gỗ, dệt, pháp lam, thêu… Nghệ nhân sử dụng hoa sen và lá sen để chế tác thành nón sen, đồ thủ công mỹ nghệ, áo dài thêu sen, nâng hình ảnh hoa sen thành mã văn hóa Huế. Nét trầm màu của các di tích cổ làm nổi bật màu sen trắng và hồng xen với đài sen vàng và lá sen xanh già, đây cũng là hình ảnh mà các nhà thiết kế chọn làm chủ đề lễ hội, sân khấu, trưng bày. Sen hồ, bóng nước - mang hồn cốt của cố đô Huế, mang lại vẻ kiêu sa sang trọng của một lễ hội để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách trong nước và quốc tế. 

Bên hồ Tịnh Tâm đang nở rộ những đóa sen khai hạ, một nhóm phụ nữ tổ chức buổi tham quan, sinh hoạt ngoài trời và tập thể dục tại đây. Bà Nguyễn Thị Mai, một người Huế sinh ra trong một gia đình gốc Huế bên sông Ngự Hà đặc biệt gắn bó với sen hồ Tịnh Tâm, nói với tôi về nghề trồng sen, chăm sóc và chế biến những sản phẩm đặc trưng của sen Huế. Bà lấy dây cước xâu những hạt sen trắng bóc đã được sấy khô thành chuỗi như chuỗi hạt cườm rồi trao cho khách. Sản phẩm từ sen trước hết phải đẹp, món ăn từ đài sen, hạt sen cũng phải đẹp trước rồi phải ngon mới làm cho người ta mãi nhớ. 

Bà Mai ngậm ngùi nói: “Có thể hồ Tịnh Tâm còn mãi trong lòng người Huế trước hết vì dấu tích trầm sâu lịch sử văn hóa, sau vì sen hồ Tịnh Tâm luôn đẹp nhất, màu thắm nhất. Trận công thành Huế năm 1885 là cuộc tập kích của quân triều đình Huế do Tôn Thất Thuyết chỉ huy đánh Pháp. Và trong cơn binh lửa ấy, hàng ngàn người đã thiệt mạng khi băng qua hồ Tịnh Tâm và vượt qua thành nội.

Ngày 23 tháng 5 âm lịch trở thành ngày giỗ chung rất lớn của người Huế. Người Huế dâng hoa sen, cúng chè hạt sen và đốt trầm trong ngày đó, xung quanh khu vực đại nội. Người Huế sâu nặng nghĩa tình như sen Huế ngát hương. Tháng 5 âm lịch cũng là mùa sen nở rộ nhất, sen trên hồ Tịnh Tâm ở cữ đẹp nhất và bóng dáng của những năm binh lửa vẫn còn nguyên đó, thành quách xưa ngày một cũ kỹ nhưng hoa sen năm nào cũng mới”. 

Bà Mai hiền hậu và nhỏ nhắn như rất nhiều những bà má nghèo sinh sống cả đời mình quanh thành nội. Bà nói rất nhỏ, như tiếng gió mùa hè. Những nhà nghiên cứu Huế nói rằng người Huế dù xưa hay nay, cuộc sống gắn với kinh thành Huế, họ buông bỏ bớt cái tôi của mình, cầu kỳ nhưng thanh đạm, thói quen sinh hoạt khiêm nhường, nói nhỏ, nói khẽ, không làm kinh động đến ai và tránh cãi vã xung khắc. Từng người Huế đều là vốn quý về nếp sống văn hóa như thế. 

Khái niệm không gian sen Huế bao gồm cả mảnh đất - con người và tầng sâu văn hóa lịch sử ẩn sâu bên trong ý nghĩa một loại hoa. Nghệ nhân Văn Huệ làm hoa sen giấy Thanh Tiên cho hay, Ông giữ gìn nghề truyền thống làm hoa sen giấy, bây giờ trở thành một sản phẩm du lịch mà các nhà hàng khách sạn rất thích thú đặt hàng để trang trí nhằm mang lại nét đặc trưng phong cách Huế. Trước đây, chỉ những nhà nghèo ven đô ngoại thành không trồng được sen mới phải làm hoa sen giấy để trang trí nhà cửa đón tết và thờ cúng tổ tiên. Nay nghề làm hoa sen giấy mang nét tài hoa kinh kỳ và bàn tay khéo léo của dân gian, hoa sen giấy Thanh Tiên sống lại, trở thành đặc sản Huế. Ông nói, một loài hoa như sen, bậc trí nhân quân tử, vua chúa nhiều đời sùng bái, nhưng cũng giản dị đời thường như dân vạn đại vẫn sử dụng yêu quý. Chỉ có thể là hoa sen. 

Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO