Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:52 GMT+7

Mùa nước đuổi ở Cà Mau

Biên phòng - Cà Mau là tỉnh duy nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển khoảng 250km. Hình dáng của miền Đất Mũi hệt một mũi thuyền vươn ra khơi nên không thể tránh khỏi bên lở, bên bồi; mỗi mùa đổi gió Tây Nam thì các dòng hải lưu lại xung đột dữ đội, vặn trôi bờ. Thế nên, Cà Mau mới có một mùa gọi tên là “mùa nước đuổi” từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm khi người dân phải đối phó với tình trạng đất đai bị biển xâm thực.

Người dân đứng trên nền ngôi nhà cũ vừa bị sạt lở ở ấp Kinh Đào Đông. Ảnh: TTH

Nước đuổi sát chân giường

Chúng tôi bước vào trụ sở của UBND xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) cũng phải định thần một lúc mới thích nghi được với trạng thái “nghiêng”. Bởi trụ sở 2 tầng của xã sụt lún nghiêm trọng, phần sân trước bê tông phồng rộp như bánh tráng nướng khiến cả tòa nhà nghiêng hẳn sang một bên do nền đất yếu, triều cường tấn công. Ông Bùi Thanh Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi còn rất trẻ và tràn đầy năng lượng khi hào hứng chia sẻ với chúng tôi việc địa phương tiếp tục phát triển dự án công viên du lịch văn hóa Cà Mau trong năm nay và những năm tiếp theo. Tiến trình xây dựng nông thôn mới đã khiến rất nhiều vùng đất đổi thay tích cực trong đó có xã Đất Mũi. Tuy nhiên, cần phải thoát khỏi những ám ảnh về “mùa nước đuổi” hung hãn, phải biến Đất Mũi thành miền đất lành trước đã.

Ông Bùi Thanh Thương cho hay, xã Đất Mũi bị sạt lở chủ yếu ở phía các cửa sông thông ra biển, đặc biệt nghiêm trọng là cửa Vàm Xoáy - nơi tập trung rất đông dân cư. Trong tuần đầu tiên của tháng 6-2021, xã đã ghi nhận 39 vụ sạt lở đất. Xã chủ trương di dời tới 40 hộ dân sống bám 2 bên cửa biển, tới nay đã có 22 hộ nhận hỗ trợ và di dời. Một công đôi việc, xã còn muốn các hộ dân ở diện di dời khi lập làng mới cũng đồng thời xây dựng nhà ở, công trình, môi trường sống phù hợp với tiêu chí nông thôn mới và cũng chuyển đổi cơ cấu việc làm sang dịch vụ du lịch luôn. Tuy nhiên, đó chỉ là mong muốn, thực tế gian nan hơn rất nhiều.

Trong số liệu 5 năm trở lại đây, cửa Vàm Xoáy xói lở diễn biến rất khó lường, mỗi năm mất khoảng 80m đến 100m đất ven cửa biển. Một diện tích rừng ngập mặn lớn biến mất và đất đai nhà cửa nhiều hộ dân bị cuốn trôi. Biển lấn sâu vào đất liền và Cà Mau đã thống kê trong 10 năm qua, đã có 300ha đất rừng mất tích. Sở dĩ người dân gọi tên mùa nước đuổi là do họ cứ chạy dần khỏi những lớp sóng. Có gia đình chạy tới 3 lần, sóng nuốt mất nhà thì chạy lui vào trong, sang năm nữa lại lở mất thì lại cất nhà lùi vào trong nữa. Cứ thế, tình trạng cư trú lộn xộn, tùy tiện và hồn nhiên. Đồn Biên phòng Đất Mũi đóng quân trên địa bàn có trách nhiệm bảo vệ dân, bất cứ lúc nào có mưa bão thì cho dân trú tạm và có mặt kịp thời hỗ trợ bảo vệ tài sản, cưỡng chế các hộ dân di dời vào trong.

Có mặt tại ấp Kinh Đào Đông, xã Đất Mũi, chúng tôi bần thần nhìn tận mắt hàng cừ cột còn lại của công trình nhà dân ngập trong nước biển dâng ngay cái họng Vàm Xoáy. Gần ngay đó, nhà ở các hộ dân ở thế chênh vênh sát mép nước rất đáng sợ. Ông Thái Văn Thái hiện có căn nhà cặp sát bờ kinh chỉ tay ra cột đèn phía xa trong mênh mông nước nói vài năm trước bờ biển ở tít ngoài đó. Ông chạy nước 3 lần rồi, giờ lại sắp co giò chạy. Trên nền nhà ông, mỗi tháng 2 con nước lớn, mùa bão sóng biển dâng cao tới 1m. Hết mùa bão, gió sạt lở và nước đuổi này sẽ đến mùa nước triều dâng rất cao vào những tháng cuối năm, đỉnh điểm là tháng 10 và tháng 11 nữa.

Vững chân trên Đất Mũi

Đối chiếu với kế hoạch di dân sạt lở của UBND xã Đất Mũi thì các hộ dân này vẫn rất vướng thủ tục di dời. Đất chỗ họ dựng nhà ở đều sát biển và cả khu vực này hiện là đất Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nên không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vùng đệm của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có tổng diện tích hơn 8.000ha bao gồm cả các xã Đất Mũi, Viên An và Đất Mới của huyện Ngọc Hiển. Lâu nay, người dân ở ấp Kinh Đào Đông tại cửa Vàm Xoáy phần lớn là không có đất ở có sổ đỏ, nên nước đuổi cứ chạy dần. Có hộ dân tiết lộ họ chưa bao giờ phải nộp phí sử dụng đất cho nên việc di dời theo thủ tục hợp pháp trở nên phức tạp hơn nhiều.

Một trở ngại nữa và là điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là các hộ gia đình đang sống trước mũi tử thần khi một cơn sóng lớn có thể cuốn bay nền nhà họ ra giữa biển nhưng không có ý định rời đi. Cán bộ Đồn Biên phòng Đất Mũi cho chúng tôi biết, mỗi lần tới vận động bà con di dời, thì bà con chỉ hỏi xem khi nào địa phương sẽ khởi công xây kè chắn sóng qua đây, để họ còn trụ lại. Họ chỉ nghĩ có kè đồ sộ bao bọc quanh đây, cả khu vực này sẽ an toàn và họ được cấp quyền sử dụng đất để sinh sống, làm ăn lâu dài ven cửa Vàm Xoáy này.

Đường giao thông vào ấp Kinh Đào Đông sạt lún do biển lấn. Ảnh: TTH

Khi biết được thông tin kè bê tông đá lớn sẽ nối liền Vàm mũi Cà Mau qua Vàm Xoáy tới huyện phía trên là Năm Căn, bọc hết những chỗ ven bờ xói lở của Cà Mau cả bờ Đông và bờ Tây, người dân càng hy vọng được ở lại. Mặc dù nơi tái định cư không xa nơi ở cũ và đất thổ cư mới chắc chắn thoát khỏi ám ảnh phập phồng biển trôi. Ông Bùi Thanh Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Mau khẳng định, mặc dù các tuyến đê kè kiên cố đã có cũng không hoàn toàn loại bỏ nguy cơ bão biển và sóng uy hiếp. Chưa kể, kè xây xong phải mất một thời gian để trồng lại rừng phòng hộ bảo vệ đê.

Như vậy, dù có kè hay không, phần ven cửa biển Vàm Xoáy chỗ ấp Kinh Đào Đông vẫn là vùng nguy hiểm. Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh Cà Mau đã nhiều lần ban bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến bảo vệ đê biển, cấp nguồn kinh phí để gia cố đê, bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân. Trong cả một vùng ven bờ dài tít tắp với rừng phòng hộ mỏng manh, có nhiều khu dân cư, trường học, trạm điện, đường giao thông, doanh trại Đồn Biên phòng Đất Mũi, trụ sở UBND xã Đất Mũi cũng đứng trước chiếc hàm đại dương chỉ chực há to mỗi mùa biển động nuốt gặm đất liền.

Địa phương đã bố trí một khu làng ngay bên ngoài cổng Khu du lịch Đất Mũi Cà Mau và gom các hộ dân ở các khu vực sạt lở vào đây. Người dân đã bắt đầu rục rịch chuyển nghề, bớt phụ thuộc những chuyến đi biển mà chuyển sang nuôi trồng, làm dịch vụ nhiều hơn. Tuy nhiên, làng tái định cư – làng du lịch như thế này không có nhiều. Việc bố trí quỹ đất công dành cho tái định cư vẫn là việc tính hàng thập kỷ, chưa kể kinh phí giải phóng mặt bằng đối với nền đất yếu như Đất Mũi đòi hỏi một nguồn lực rất lớn.

Trong lúc chờ ra đời các khu tái định cư mới có tính bền vững, ổn định lâu dài thì các khu dân cư cũ vẫn chắp vá, chạy nước đuổi. Vẫn còn những chỗ dân cư đông đúc ven sình lầy, tù đọng nước mặn, đường giao thông rộp lên khấp kha khấp khểnh. Hàng ngàn hộ dân vẫn đang ở tạm bợ và Cà Mau hiện đứng trước nhiều thảm họa phải đối phó, không chỉ sạt lở đất còn sụt lún, khô hạn, xâm nhập mặn.

Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO