Biên phòng - Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây ra hiện tượng mưa lũ, ngập lụt, hạn hán ở nhiều quốc gia trên thế giới, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan cùng những hoạt động của con người đã gây ra hiện tượng mưa lũ, ngập lụt, hạn hán ở nhiều quốc gia trên thế giới, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Mưa lớn gây lụt úng trên diện rộng ở thủ đô của Canada
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, một trận mưa lớn kéo dài do bão kèm mưa đá nhỏ đã quét qua thành phố thủ đô của Canada này ngày 10/8, gây ra cảnh lụt úng trên nhiều tuyến phố và làm hàng chục nghìn nhà bị mất điện ở một số khu vực.
Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada cho biết lượng mưa đo được tại trạm khí hậu thời tiết ở Ottawa vào khoảng 75,9mm trong khoảng 2 giờ và cảnh báo lượng nước mưa có thể lên tới 80-100mm tại một số khu vực của thủ đô.
Theo cơ quan này, cơn bão hiện nay vẫn còn đang rất mạnh và có khả năng tạo ra mưa lớn lên tới 125mm ở một số khu vực cho tới khi suy yếu hẳn.
Sở cảnh sát và Sở cứu hỏa Ottawa đã thông báo về việc đóng nhiều tuyến đường do lụt úng và để xử lý các phương tiện bị ngập nước bỏ lại trên đường.
Một số trung tâm thương mại đã phải đóng cửa tầng hầm do nước lụt tràn vào, trong khi lối vào của một nhà ga tàu điện cũng phải đóng cửa do bị nước mưa tràn từ trên mái ngấm xuống đường thang cuốn.
Cơ quan điện lực Ottawa cho biết có khoảng 24.000 khách hàng bị mất điện trong thời gian đỉnh điểm của cơn bão. Hiện vẫn còn nhiều hộ gia đình chưa được trở lại sinh hoạt bình thường do mất điện.
Theo báo cáo của Cơ quan dịch vụ an toàn công cộng của thành phố, không có thương tích nào được ghi nhận do cơn bão gây ra. Hiện cũng chưa ghi nhận được những tác động đáng kể nào đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng của thành phố. Hệ thống nước sạch và nước thải vẫn hoạt động bình thường.
Cơ quan này cảnh báo người dân thận trọng khi hoạt động xung quanh khu vực sông hồ do lượng nước ở trên sông Rideau chảy qua Ottawa đang dâng lên nhanh.
Kỷ lục về lượng nước mưa lớn nhất tại Ottawa từng được ghi nhận vào ngày 10/6/2004, với lượng nước khoảng 67mm trong một giờ.
Na Uy tiếp tục sơ tán hàng nghìn người khỏi vùng lũ
Ngày 10/8, trong bối cảnh Na Uy tiếp tục đối mặt với các đợt lũ lụt do mưa lớn khiến nước sông dâng cao tràn bờ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, giới chức sở tại đã tiến hành thêm các đợt sơ tán cư dân nhằm đảm bảo an toàn.
Các quan chức cho biết tính đến nay, hơn 4.000 người đã được di dời an toàn khỏi nơi ở tại miền Nam Na Uy. Gần 50% trong số này là cư dân thị trấn Hoenefoss, cách thủ đô Oslo khoảng 40km về phía Tây Bắc.
Cùng ngày, các tuyến đường chính đều đã phải đóng cửa trong khi dịch vụ tàu hỏa ngưng trệ tại phần lớn khu vực miền Nam Na Uy dù mưa đã ngớt.
Theo nhà chức trách, tình trạng ngập lụt sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới do nước lũ chảy về các vùng ven biển có địa hình thấp hơn.
Viện Khí tượng Na Uy (NMI) cho biết, khác với thông thường khi hầu hết các cơn mưa bắt nguồn từ phía Tây, hình thái thời tiết gây mưa mới nhất xuất phát từ phía Đông do hai rãnh áp thấp gặp nhau và mạnh lên khi di chuyển về phía Bắc Âu.
Theo NMI, dữ liệu thống kê cho thấy lượng mưa tại Na Uy đã tăng khoảng 18% trong 100 năm qua, đặc biệt gia tăng mạnh nhất trong 30-40 năm trở lại đây.
Đầu tuần này, khu vực Bắc Âu đã hứng chịu gió mạnh, mưa dữ dội và sạt lở đất. Nhiều đường dây điện bị đứt, giao thông công cộng ngưng trệ.
Ngày 9/8, đã xảy ra vụ vỡ đập thủy điện Braskereidfoss do mưa lớn. Đầu tuần này, một đoàn tàu trật bánh tại nước láng giềng Thụy Điển khi một kè đường sắt bị nước lũ cuốn trôi.
Giám đốc nghiên cứu Jana Sillmann tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Quốc tế có trụ sở ở Oslo, cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan, như mưa xối xả trong tuần này, sẽ xảy ra thường xuyên hơn khi Trái Đất ấm lên, do độ ẩm trong không khí sẽ cao hơn.
Bà Sillmann nhấn mạnh thêm rằng nhiều quốc gia trên thế giới năm nay cũng đang phải hứng chịu nắng nóng gay gắt và lũ lụt do hiện tượng thời tiết El Nino.
Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu nào xác định liệu hiện tượng này có phải là nguyên nhân gây ra các đợt thiên tai mới nhất ảnh hưởng đến người dân Na Uy hay không.
Hàn Quốc: Một người thiệt mạng do bão Khanun
Theo hãng tin Yonhap, một người đã thiệt mạng và một người mất tích ở thành phố Daegu (Tây Nam Hàn Quốc) do mưa lớn và gió mạnh trong bão Khanun.
Nhà chức trách cho biết bão cũng gây lụt lội, lở đất và làm hư hại nặng nhiều cơ sở hạ tầng trên cả nước sau khi đổ bộ vào vùng bờ biển Đông Nam sáng 10/8.
Người thiệt mạng là nam giới, 67 tuổi, ở Daegu, trong khi người mất tích là một nam giới ngồi xe lăn bị rơi vào dòng nước lũ cũng ở thành phố này khoảng 13h45 cùng ngày.
Tại tỉnh Gyeongsang ở Đông Nam Hàn Quốc, khoảng 20 người đã được cứu sau khi mắc kẹt trên những con đường ngập nước, trong ô tô và trong nhà ở.
Tại huyện Buyeo ở miền Trung, một phụ nữ 30 tuổi đã được đưa đến bệnh viện sau khi bị cây đổ vào người khi đang lưu thông trên đường.
Bão cũng làm 355 chuyến bay tại 14 sân bay, 161 chuyến tàu cao tốc KTX và 251 tuyến đường sắt thông thường phải hủy, đóng cửa 490 tuyến đường, 166 vùng bờ biển và 178 đường biển cũng như 21 công viên quốc gia.
Tính đến trưa 10/8, có tổng cộng 1.579 trường học các cấp phải nghỉ hoặc chuyển sang học trực tuyến do bão, trong khi 10.641 người phải đi sơ tán.
Cục Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết đến khoảng 22h00 (giờ địa phương), bão đã di chuyển về phía Tây-Tây Bắc với vận tốc 21km/h, cách Seoul 30km về phía Đông-Đông Bắc.
Gió mạnh nhất lên tới 72 km/h với sức gió ở vùng tâm bão là 990 hectopascal. Bão đã suy yếu đáng kể sau khi đổ bộ và dự báo sẽ đi qua khu vực biên giới liên Triều trong đêm và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào 9h00 sáng 11/8 khi ở vị trí cách thủ đô Bình Nhưỡng 30km về phía Nam.
Tuy nhiên, KMA cho biết khu vực miền Trung Hàn Quốc sẽ vẫn chịu ảnh hưởng của bão cho đến sáng 11/8, và dự báo có mưa lớn ở khu vực thủ đô và tỉnh Gangwon, miền Đông.
Bão Khanun nhiều khả năng là cơn bão hoành hành ở Hàn Quốc trong thời gian dài nhất, khoảng 15 tiếng.
Đầm phá ở Tây Ban Nha “kêu cứu” vì hạn hán
Đầm phá lớn nhất của công viên quốc gia Donana, miền Nam Tây Ban Nha, đã bị khô hạn hoàn toàn do hạn hán kéo dài và việc khai thác quá mức các tầng chứa nước. Đây là mùa Hè thứ hai liên tiếp đầm phá này rơi vào tình trạng như vậy.
Trong một thông báo, Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha ngày 10/8 cho biết tình trạng nói trên chưa bao giờ xảy ra tại đầm phá Donana kể từ khi cơ quan này bắt đầu thu thập dữ liệu về khu vực này cách đây 50 năm.
Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình hạn hán hiện nay, đe dọa bảo tồn đa dạng sinh học tại đầm phá này, chẳng hạn như các loài rùa và cá chình.
Theo các nhà nghiên cứu, trong 2 năm qua, đầm phá Donana ghi nhận lượng mưa thấp nhất trong vòng một thập kỷ, trong khi nhiệt độ trung bình hằng năm cũng ở mức cao nhất từng được ghi nhận là 18,53 độ C.
Ngoài mối đe dọa bởi hạn hán và nền nhiệt cao, đầm phá Donana cũng chịu ảnh hưởng bởi mô hình trồng cây trong nhà kính với một hệ thống đường ống phức tạp để lấy nước tưới từ các giếng khoan bất hợp pháp.
Trong khi đó, chính quyền khu vực Andalusia lại hợp thức hóa những hoạt động tưới tiêu bổ sung, lấy nguồn nước xunh quanh đầm phá Donana, làm dấy lên sự phản đối của các nhà bảo vệ môi trường.
Công viên quốc gia Donana nằm trong diện bảo vệ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). UNESCO coi công viên này là khu bảo tồn sinh quyển quan trọng, đồng thời cũng là điểm thu hút khách du lịch.
Công viên có một hệ sinh thái đa dạng và là nơi cư trú của nhiều loại động vật hoang dã, trong đó có những loại có nguy cơ tuyệt chủng như loài linh miêu Iberia và đại bàng hoàng đế Tây Ban Nha.
Theo TTXVN