Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Mùa Kate an lành

Biên phòng - Năm nay, người Chăm theo đạo Bà la môn ở Ninh Thuận không tổ chức lễ hội Kate thường niên để tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. Lễ hội này thường được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 10-10 kèm theo nhiều hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đặc sắc. Tuy nhiên, mặc dù chỉ tổ chức nghi lễ quy mô gia đình và không tập trung đông người, người Chăm vẫn giữ những nguyên tắc riêng, giữ gìn truyền thống văn hóa và duy trì sự kết nối tinh thần với cộng đồng.

Cụm tháp Hòa Lai với giá trị kiến trúc, khảo cổ đặc sắc đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: TTH

Nằm ngay bên cạnh quốc lộ 1, đoạn qua huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận có tồn tại một cụm tháp Chăm gồm 3 tháp tên gọi là tháp Hòa Lai. Tên này được đặt theo phong cách kiến trúc của cụm tháp, cho thấy niên đại xây dựng và sự phân chia rất rõ từng thời kỳ lịch sử của hệ thống các tháp Chăm trải dọc miền Trung. Tuy nhiên, cụm tháp này khác hẳn với các tháp Chăm còn lại là không bao giờ được người Chăm lui tới, thờ cúng, chăm sóc. Khi chúng tôi hỏi thăm dân trong vùng, sống cạnh khu tháp nổi bật và rất đẹp này, họ nói người Chăm không thừa nhận và thờ cúng cụm tháp này, vì nó chỉ là phế tích.

Người Chăm bỏ rơi cụm tháp này trong tín ngưỡng, tôn giáo của mình vì nhiều lý do, trong đó, có nguyên nhân cụm tháp đã từng bị tiếm quyền sở hữu trong loạn lạc. Về sau, trong từng thời kỳ lịch sử phát triển của vùng cư trú Chăm Bà la môn Ninh Thuận, cụm Tháp Hòa Lai được tu sửa, phục hồi, người Chăm trong vùng được tự do tín ngưỡng và sinh hoạt tôn giáo như tất cả các dân tộc khác.

Tuy nhiên, tháp Hòa Lai chỉ có giá trị khảo cổ, nghiên cứu, mỹ thuật kiến trúc chứ không còn là một cơ sở sinh hoạt tôn giáo. Như vậy, người Chăm rất cẩn thận và gìn giữ tính nhất thống trong tín ngưỡng của mình, bên cạnh đó, tôn giáo cũng đóng vai trò rất quan trọng trong nâng đỡ tâm hồn, cuộc sống của họ.

Lễ hội Kate của Ninh Thuận là nghi lễ đầy màu sắc tôn giáo thường niên được tổ chức ở các tháp cổ. Trong đó, tháp Po Klong Garai là cụm tháp lớn nằm ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm của tỉnh Ninh Thuận có quy mô lớn nhất. Nơi đây là một khu vực rộng lớn vẫn còn tồn tại nhiều công trình tháp cổ hàng ngàn năm do người Chăm xây dựng trong lịch sử để thờ cúng thần linh. Thường thì chỉ các vị vua và giới tăng lữ quý tộc dân tộc Chăm mới được tham gia xây dựng những ngôi tháp linh thiêng này để phục vụ tôn giáo của họ.

Lễ hội Kate cũng giống như nhiều lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc khác. Tức là cũng gồm 2 phần lễ và hội. Phần lễ dành để người dân dâng cúng lễ vật lên các thần linh, lễ tắm tượng, cúng tế, cầu an. Phần hội là phần người dân chờ đợi vì sẽ là lúc tổ chức ca hát, nhảy múa các vũ điệu, bài ca truyền thống, tổ chức ẩm thực truyền thống và mua bán đồ thủ công mĩ nghệ do chính tay họ làm.

Người Chăm ở Ninh Thuận hiện còn giữ được 2 làng nghề thủ công lâu đời là làng dệt Mỹ Nghiệp và làng gốm Bàu Trúc. 2 làng này nằm cùng trên một lưu vực sông ở địa phận xã Phước Dân, huyện Ninh Phước vốn là vùng đất cổ tập trung đông dân cư người Chăm sinh sống trong lịch sử.

Phương thức làm gốm thủ công bằng cách đi vòng quanh trục xoay và đốt gốm bằng củi lộ thiên là cách làm gốm cổ xưa của vùng Đông Nam Á. Đó cũng là yếu tố để gốm Bàu Trúc trở nên nổi tiếng và rất nhiều bạn bè quốc tế tìm tới đây. Tỉnh Ninh Thuận hiện có nhiều phương pháp kích cầu du lịch bằng phát triển làng nghề, giữ mãi cái xưa cũ của gốm, tránh bị cơn lốc hiện đại hóa như các làng gốm khác khi vào vòng xoáy khai thác du lịch.

Những năm trước, vào kỳ lễ hội Kate, rất nhiều nghệ nhân làm gốm và dệt thổ cẩm đã được mời tới khu vực diễn ra ngày hội, chân núi dưới cụm tháp Po Klong Giarai. Họ trình diễn làm gốm chỉ bằng tay gia công đất sét, hoàn toàn không có một chút nào cơ khí hóa. Tương tự như vậy, thổ cẩm Chăm được dệt lên bằng vật liệu tự nhiên, thao tác cổ xưa như đã từng tồn tại hằng trăm năm. Tất cả tạo nên màu sắc của lễ hội Kate rất khác biệt, đẫm màu sử thi và huyền thoại. Mặc dù đời sống du lịch đóng băng nhiều tháng qua, nhưng quan sát đời sống của đồng bào Chăm Ninh Thuận cho thấy họ vẫn lao động và sinh sống trong an hòa, chậm rãi.

Để chào đón tuần lễ Kate, các gia đình chuẩn bị cúng tế tại gia, gác lại các hoạt động du lịch dịch vụ, nhưng vẫn làm bánh cúng, làm các đồ thờ tự và đọc các bài kinh cầu. Các lớp truyền dạy ca cổ, múa truyền thống và làm đồ gốm tạm gác lại, nhưng các nghệ nhân vẫn lặng lẽ làm nghề của họ để giữ lửa truyền thống, chờ cơ hội truyền dạy cho con cháu. Giữ liên lạc trong nhóm các cơ sở sản xuất gốm Bàu Trúc mỹ nghệ trang trí lưu hành trong nước và xuất khẩu, chị Thị Nguyên, một nghệ nhân trẻ cho hay, chị và các lao động trong lò gốm vẫn giữ nhịp độ sản xuất vừa phải. Khi địa phương ban hành nguyên tắc chống dịch thì chia nhau về từng gia đình để tiếp tục sản xuất, bán hàng phục vụ cho lễ hội Kate, khi người dân có nhu cầu tăng lên về đồ gốm thờ cúng. Làng nghề chủ yếu là lao động nữ, lại làm riêng lẻ không theo dây chuyện nên việc sản xuất tương đối dễ dàng.

Một mùa Kate an toàn, bình yên, nâng ý thức chống dịch lên cao nhất, đó là công đóng góp không nhỏ của đồng bào Chăm.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO