Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:21 GMT+7

Mùa học chữ Khmer ở phum, sóc Kiên Giang

Biên phòng - Hằng năm, cứ đến dịp hè, các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống như huyện Giang Thành, Hòn Đất, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao và thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang lại rộn ràng với các lớp dạy chữ Khmer cho học sinh là con em đồng bào trong phum, sóc. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa trong việc bảo tồn, phát huy ngôn ngữ, văn hóa dân tộc, đồng thời, giúp các em vùng nông thôn có những không gian sinh hoạt lành mạnh và thiết thực.

y0c8_8a
Lớp học chữ Khmer tại chùa Tà Bết do các sư của chùa đứng lớp. Ảnh: Phương Nghi

Ông Lý Minh Thắng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Gò Quao cho biết: “Dịp hè năm nay, toàn huyện có 13 chùa Khmer tổ chức dạy chữ Khmer với 62 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5, có 1.368 học sinh theo học, giáo viên của lớp là các vị sư, là cha, người uy tín trong đồng bào dân tộc thông thạo tiếng Khmer. Dù là lớp học được tổ chức trong thời gian nghỉ hè, thông thường chỉ kéo dài khoảng 2 – 3 tháng nhưng năm nào cũng thu hút rất đông con em đồng bào đến học. Thông qua các lớp học, con em đồng bào dân tộc Khmer, nhất là trẻ em vùng nông thôn, vùng biên giới vừa hiểu biết tiếng mẹ đẻ, vừa được giáo dục đạo đức và lối sống, có không gian sinh hoạt lành mạnh, bổ ích trong dịp hè”.

Hơn tháng nay, cứ mỗi buổi chiều, chùa Thanh Gia, xã Định Hòa, huyện Gò Quao lại tiếp nhận hơn 80 em học sinh với 6 lớp (dạy bắt đầu từ 14 giờ đến 17 giờ) đến học bài. Ngoài con em người Khmer cũng có một số con em người Kinh theo học. Điều này càng khẳng định tiếng nói, chữ viết, văn hóa truyền thống dân tộc Khmer đang được thế hệ trẻ phát huy và giữ gìn.

Hòa thượng Trần Nhiếp, Trụ trì chùa Thanh Gia cho biết: “Chùa đã duy trì việc dạy chữ mấy chục năm nay. Mỗi năm, chuẩn bị bước vào mùa hè, nhà chùa đều chuẩn bị mọi thứ đón học sinh đến học ngôn ngữ mẹ đẻ. Ý thức được việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết truyền thống của dân tộc nên cha mẹ học sinh khuyến khích con em đến chùa học chữ rất đông, không cần mất nhiều thời gian vận động, những em khó khăn được nhà chùa hỗ trợ tập, viết. Lớp học chỉ kéo dài trong thời gian ngắn vào dịp nghỉ hè nên không ảnh hưởng đến việc học tập ở trường, giúp các em vừa biết chữ quốc ngữ, vừa biết chữ Khmer”.

Một tháng nay, ngày nào cũng vậy, xen lẫn với không gian thanh tịnh trong chùa là những âm thanh vang lên bởi phát âm, đánh vần của các học sinh lớp học chữ Khmer. Em Danh Na Vy, học sinh lớp học chữ Khmer tại đây cho biết: “5 năm nay, năm nào nghỉ hè em cũng đến chùa học chữ Khmer. Buổi sáng, em phụ cha mẹ làm công việc nhà, còn buổi chiều thì đến chùa học, nhờ vậy mà đến nay, khả năng nói và viết chữ Khmer của em đã chuẩn cũng như biết thêm về giáo lý đạo Phật. Đến chùa học, em còn quen biết nhiều bạn bè, được vui chơi thoải mái”.

Điểm chùa Cỏ Khía Cũ, ấp Hòa Lễ, xã Thới Quản, huyện Gò Quao là nơi quen thuộc để con em đồng bào trong ấp tập trung về đây học chữ Khmer vào mỗi dịp hè. Và với ông Danh Nghe, chùa Cỏ Khía Cũ cũng như ngôi nhà thứ 2 nơi ông không chỉ gắn bó tham gia sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn là nơi ông được gặp gỡ truyền dạy chữ viết Khmer cho con em đồng bào những năm qua. Những đứa trẻ đến học cũng là con cháu ở lối xóm rất thân quen với ông. 

Ông Danh Nghe tâm sự: “Tôi bắt đầu giảng dạy chữ Khmer từ năm 1999. Do biết ngôn ngữ Khmer nên tôi phối hợp với nhà chùa dạy cho mấy đứa nhỏ ở ấp rồi thấy gắn bó, yêu thích công việc này. Dù không được hỗ trợ gì, hè nào tôi cũng giảng dạy. Lúc đầu, việc dạy chữ Khmer gặp nhiều khó khăn như cơ sở vật chất, đường sá đi lại khó khăn, bây giờ thì cải thiện nhiều rồi. Mình giúp con em đồng bào mình không quên tiếng nói, chữ viết của dân tộc, biết về văn hóa của đồng bào để giữ gìn và phát triển hơn nữa, sau này lớn lên còn có thể sử dụng vào việc học tập, công tác đóng góp cho xã hội”.

Đại đức Danh Pu, Trụ trì chùa Tà Bết, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành cho biết: “Hiện nay, bà con phật tử, con em rất quan tâm học chữ Khmer. Mặc dù việc dạy tiếng Khmer cũng còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi cố gắng khắc phục duy trì lớp dạy nhằm truyền đạt, bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình”.

Mùa dạy chữ Khmer ở phum, sóc Kiên Giang luôn nhận được sự ủng hộ từ chính quyền địa phương và đồng bào phật tử từ tinh thần, vật chất, kinh phí đóng góp sửa chữa các lớp học, mua sắm trang thiết bị giảng dạy, tặng tập, viết, cặp sách cho học sinh. Đây được xem là việc làm có ý nghĩa thiết thực của các nhà chùa, nhằm góp phần bảo tồn và duy trì ngôn ngữ, chữ viết truyền thống của dân tộc Khmer.

Phương Nghi

Bình luận

ZALO