Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 08/12/2023 04:07 GMT+7

Mùa Hè đáng nhớ của “chiến sĩ nhí” Hồ Văn Vân

Biên phòng - Những ngày Hè, vào những lúc rảnh rỗi, Hồ Văn Vân - con nuôi của Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị theo chỉ huy đơn vị đến thăm các bố, các chú Biên phòng ở chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, “chiến sĩ nhí” người Vân Kiều này đang có quãng thời gian trải nghiệm thực tế sau những “tiết học biên giới” ở trường.

Những lúc rảnh rỗi, Hồ Văn Vân lên chốt phòng, chống dịch Covid-19 thăm các bố, các chú Biên phòng. Ảnh: Trúc Hà

Thêm một mái nhà

Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu phụ Tà Rùng, Đồn Biên phòng Hướng Lập nằm cuối bản Ka Tiêng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa và chỉ cách đường biên giới (tiếp giáp với huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet, Lào) khoảng 500m. Đón chúng tôi không chỉ có những người lính Biên phòng mà còn một cậu bé, nhìn qua cũng có thể đoán là người Vân Kiều bởi nước da đặc trưng.

Sau khi phụ giúp Thiếu tá Hoàng Văn Tất nhân viên trạm kiểm soát rót nước mời khách, cậu bé Hồ Văn Vân lễ phép nói: “Con xin phép bố về dưới bản ạ”. Đợi bóng cậu bé khuất dần, Thiếu tá Hồ Văn Tất mới giới thiệu: “Đó là cháu Hồ Văn Vân, con nuôi của đơn vị. Cháu ở với chúng tôi được gần 2 năm rồi. Có cháu, cuộc sống bộ đội bao năm xa nhà cũng có không khí gia đình hơn”. Trò chuyện hồi lâu, chúng tôi nhận ra, đó không chỉ là việc nuôi một đứa trẻ mà là cả câu chuyện đầy nhân văn của những người lính Biên phòng ở nơi biên viễn này.

Hơn 10 năm trước, chị Hồ Thị Chai (ở bản Ka Tiêng) rơi vào cảnh góa bụa khi chồng đột ngột qua đời để lại chị một mình và đàn con thơ với nguồn sống trông chờ vào đám nương nhỏ. Với hoàn cảnh như vậy thì ai cũng có thể hình dung ra được cuộc sống của mẹ con chị Chai khó khăn như thế nào. Năm 2019, Đồn Biên phòng Hướng Lập nhận con trai út của chị là Hồ Văn Vân làm con nuôi và đưa về đơn vị nuôi dưỡng. Thực tâm, chị Chai không muốn xa con bởi khi lên 1 tuổi Vân đã mất cha, giờ nhà có nghèo đói thì cũng muốn con trong vòng tay của mình.

Thiếu tá Nguyễn Duy Thánh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập đã nói với chị Chai: “Đơn vị nhận nuôi nhưng sẽ để cháu sống với cán bộ ở Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu phụ Tà Rùng. Khi nào nhớ chị có thể đến thăm”. Thiếu tá Hoàng Văn Tuất động viên thêm: “Chị cứ yên tâm, chúng tôi nhận cháu làm con thì sẽ có trách nhiệm với cháu”. Thế là từ đấy, cậu bé mồ côi có những người cha và có thêm một điểm tựa vững chãi.

Thiếu tá Hoàng Văn Tất quê ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình nhưng nhiều năm gắn bó với biên giới Hướng Hóa bởi vậy mà tiếng Vân Kiều đã trở thành ngôn ngữ thứ 2 của anh. Và cũng vì lý do đó mà anh được giao phụ trách chính trong việc chăm sóc, dạy bảo con nuôi Hồ Văn Vân. Cuộc sống những ngày đầu ở Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu phụ Tà Rùng của cậu con nuôi bớt bỡ ngỡ nhờ sự hướng dẫn, bảo ban của Thiết tá Hoàng Văn Tất. Có lần, anh kiểm tra bài mới biết kiến thức của Vân bị hổng nhiều chỗ. Để giúp con nuôi, anh lại ngồi vào bàn học cùng con. Cán bộ, chiến sĩ trong trạm cũng luân phiên nhau giúp cậu con nuôi học bài. Dưới sự chỉ bảo của những người cha nuôi, Hồ Văn Vân từ một học sinh trung bình trở thành học sinh khá.

Những ngày Hè ý nghĩa

Sau tết cổ truyền Bun Pi May năm 2021 của Lào, nước bạn liên tục phát hiện các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Đồn Biên phòng Hướng Lập duy trì 7 chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19. Cán bộ, chiến sĩ gác 24/24 giờ nhằm ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, không để dịch lây lan qua biên giới. Xã Hướng Lập và xã Hướng Việt được xác định không phải là trọng điểm về hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, tuy nhiên, mối quan hệ thân tộc của nhân dân hai bên biên giới đặt ra thách thức mới cho việc phòng, chống dịch Covid-19.

Đã hơn 1 năm kể từ ngày Chính phủ Lào tạm dừng hoạt động xuất, nhập cảnh giữa hai nước để phòng, chống dịch Covid-19, người dân ở các bản Lào giáp biên gặp rất nhiều khó khăn do không sang được Việt Nam mua nhu yếu phẩm. Từ đầu năm 2021 đến nay, Đồn Biên phòng Hướng Lập đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc người dân qua biên giới để trao đổi hàng hóa. Thấy các bố, các chú vất vả, trắng đêm tuần tra biên giới, Hồ Vân Vân chỉ ước mình có thể giúp được việc gì đó cho mọi người.

Ngôi nhà mới của của Hồ Văn Vân ở Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu phụ Tà Rùng Ảnh: Duy Thánh

Một lần, Thiếu tá Hoàng Văn Tất nói với Vân rằng: “Giờ thi xong rồi, không phải đến lớp nữa, lúc nào muốn, con cứ về nhà mẹ ở Ka Tiêng, thấy có ai đi xa về hoặc thấy ai không ở bản nhiều ngày thì nói lại với bố và các chú nhé!”. Vậy là, hằng ngày, Vân về nhà mẹ ở Ka Tiêng. Sau khi giúp mẹ làm những việc vặt, Vân lại đi quanh bản chơi với bạn bè. Gọi là đi chơi nhưng Vân không quên lời bố Tất dặn, thế nên em biết được anh Hồ Văn Khánh, sinh viên Trường Cao đẳng Luật Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình); anh Hồ Văn Nhi, sinh viên Đại học Huế và chị Hồ Thị Xê đi làm công nhân ở tỉnh An Giang mới về nhà. Qua thông tin Vân cung cấp, cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu phụ Tà Rùng đã đến nhà anh Khánh, anh Nhi và chị Xê đề nghị khai báo y tế, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Vì việc này mà Hồ Văn Vân được chỉ huy đơn vị khen thưởng.

Ở với các bố, các chú Biên phòng, những lúc rảnh rỗi, Vân thường chủ động cắm sẵn nồi cơm, phụ nhặt rau, rửa bát hay quét dọn để các bố, các chú có thêm thời gian nghỉ ngơi sau những đêm trắng làm nhiệm vụ trên biên giới. Hỏi về “nhiệm vụ mới” của mình, Hồ Văn Vân cười: “Từ ngày được nhận làm con nuôi, mọi người luôn coi cháu là một thành viên trong đồn Biên phòng. Được các bố, các chú lo cho từ việc ăn uống đến việc học hành, cháu biết ơn lắm. Cháu rất vui khi được các bố, các chú tin tưởng, giao cho giúp những việc phù hợp với sức mình”.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO