Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 03/12/2023 03:00 GMT+7

Mùa hè an toàn cho trẻ miền núi

Biên phòng - Thào Đức Minh, 10 tuổi, một bé trai người dân tộc Mông vào kỳ nghỉ hè được cha mẹ cho về ở cùng ông nội ở thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang để học thổi khèn Mông. Đây là phương án bảo vệ con cái của người miền núi nhằm 2 mục đích: Vừa cho trẻ kế thừa văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa bảo vệ trẻ khỏi những ảnh hưởng xấu từ những mặt trái của hoạt động du lịch trong vùng. Môi trường gia đình hiện nay đang được xem là an toàn nhất cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ cư trú tại các khu vực đang nằm trong quy hoạch xúc tiến du lịch của địa phương.

u5p6_12a
Em Thào Đức Minh thạo thổi khèn Mông do ông nội truyền dạy. Ảnh: Thụy Văn

Nguy cơ trẻ nhỏ bị lạm dụng sức lao động, lạm dụng tình dục và bị phá vỡ không gian sống đã được cảnh báo thường xuyên tại các địa phương đang trong quá trình quy hoạch xúc tiến thương mại và du lịch cho các lợi ích kinh tế. Về cơ bản, các khu vực sở hữu tiềm năng kinh tế du lịch, người dân giàu lên nhờ dịch vụ thì trẻ em cũng được chăm sóc tốt hơn. Nhưng đi cùng với đó là ảnh hưởng nguy hại từ môi trường phát triển một cách thiếu kiểm soát và hậu họa từ mặt trái của kinh tế thị trường.

Thực tế cho thấy, phần lớn các khu dân cư chưa theo kịp tiến độ của sự phát triển, nền dân trí và văn hóa thấp, thiếu thông tin và thiếu giáo dục kỹ năng... đều gặp phải thực trạng này. Điều đáng nói là để chờ một giải pháp có quy mô và triệt để ở cấp vùng miền cho mục tiêu trẻ em an toàn trong các vùng du lịch thì phương án tối ưu nhất vẫn là bảo vệ trẻ nhỏ trong môi trường gia đình. Bởi trẻ vẫn lớn lên hằng ngày, trong khi hạ tầng cơ sở tại các địa phương còn nhiều bất cập và để có một giải pháp đồng bộ hiệu quả cho trẻ thì môi trường sống tự nhiên, lành mạnh không mâu thuẫn với lợi ích kinh tế là gần như không thể.

Ông Ly Chứ Sùng, 75 tuổi, là ông nội của em Thào Đức Minh, hiện ở thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là cho biết, trong những tháng mùa hè, ông thường trông giữ các cháu nội, ngoại, vừa dạy chúng thổi khèn, nhảy múa các điệu nhảy của người Mông, vừa ngăn các cháu tự do tiếp xúc và bày những trò chơi nguy hiểm không có sự kiểm soát của người lớn. Kết quả là Thào Đức Minh đã biết thổi khèn, biết múa những điệu dân vũ và được sung vào trong đội văn nghệ của nhà trường, đồng thời tham gia biểu diễn văn nghệ vào những dịp có liên hoan nghệ thuật dân gian ở địa phương.

Lũng Cẩm là thôn văn hóa du lịch nổi tiếng của cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có căn nhà cổ đặc sắc truyền thống của người Mông được chọn để làm bối cảnh cho một bộ phim điện ảnh nổi tiếng. Điểm du lịch này hiện nay có rất đông khách tham quan, có nhiều gia đình trong thôn làm du lịch theo mô hình homestay (dịch vụ cho khách du lịch ở lại nhà mình).

Tuy nhiên, cùng với tác động từ du lịch khiến diện mạo của thôn bản thay đổi, được đầu tư khang trang hơn, du khách đông đúc và giao tiếp nhiều hơn thì trẻ nhỏ lại càng có nguy cơ cuốn vào các hoạt động du lịch và tiềm ẩn nhiều mặt trái của nó. Hầu như lúc nào ở đây cũng có trẻ nhỏ lẽo đẽo theo khách du lịch để bán hàng lưu niệm, xin kẹo, xin tiền, hoặc chỉ là hiếu kỳ. Có khi trẻ còn được người lớn sắm cho những chiếc quẩy tấy, hái hoa dại để vào rồi mời khách du lịch chụp ảnh thu tiền. Có thể thấy, ở các chợ phiên, khu vực cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng... có rất nhiều trẻ bán hàng cho khách du lịch, có trẻ bán mật ong, thảo dược, đồ lưu niệm... và đương nhiên đó không phải là nguồn thu nhập ổn định.

Đáng chú ý ở Sa Pa có nhiều trẻ em người dân tộc Mông bỏ học đi làm dịch vụ du lịch đã được phản ánh về thực trạng bị xâm hại. Khách quan mà nói, các khu du lịch thực sự bị bủa vây bởi tầng lớp lao động được cho là đánh vào lòng trắc ẩn của khách du lịch để kiếm tiền. Không có gia đình nào giàu lên bằng con đường này. Sự thật là họ đang đánh mất tuổi thơ của những đứa trẻ hồn nhiên, khiến cho một lớp thanh niên kế tiếp tiếp tục sa đà vào con đường kiếm tiền manh mún, thời vụ, thiếu tri thức thời đại để làm giàu thực sự từ tiềm năng du lịch của địa phương.

Để mùa hè của trẻ nhỏ thực sự là một học kỳ thú vị bên gia đình và người thân thì phương pháp của nhiều gia đình là để chúng hứng thú với một môn nghệ thuật có thể vừa học, vừa chơi, vừa miễn nhiễm với môi trường có nhiều nguy cơ mất an toàn xung quanh. Trong lúc trẻ nhỏ ở thành thị mất an toàn trên không gian mạng và đứng trước thời đại công nghệ số kiểm soát và chi phối đời sống thì trẻ em dân tộc thiểu số ở miền núi vẫn trong vòng kiềm tỏa của những nguy cơ không mới. Và giải pháp cũng mang tính truyền thống được lựa chọn: Giữ trẻ ở trong môi trường gia đình.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO