Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Mùa đót trên xã vùng cao Trà Kót

Biên phòng - Chúng tôi đến thôn 1, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam vào một ngày sau Tết Nhâm Dần 2022. Chiều về, dọc hai bên con đường dẫn về xã và ở những khoảnh sân nhà, đồng bào dân tộc Cor vùng cao nơi đây lại tất bật với công việc phơi cây đót tràn ngập hương hoa. Cây đót, “lộc của rừng” đã và đang đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con vùng cao Trà Kót.

Sau khi thu hoạch, đót được người dân đem phơi khô để bán cho thương lái (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Văn Sơn

Đang bận rộn với việc trở những vạt bông của cây đót giữa sân nhà cho kịp khô, bà Hồ Thị Huệ, 61 tuổi, ở làng Kót, thôn 1, xã Trà Kót cho biết: “Năm nào cũng vậy, hết Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, mọi người, mọi nhà đều đổ về các cánh rừng nằm dưới chân núi Răng Cưa, nơi có những khu rừng đót xanh ngút ngàn để thu hái lộc mà thiên nhiên ban tặng để kiếm thêm thu nhập”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời tiết huyện vùng cao Bắc Trà My đầu năm nay ít lạnh hơn, nắng hanh ấm lên, lúc đó, cây đót phát triển mạnh mẽ, nên bông đót bung được nhiều hoa tươi. Đây là loại cây mọc tự nhiên trong rừng, nơi địa vực đồng bào dân tộc Cor sinh sống, nhưng nó lại có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng.

Mùa trổ bông của cây đót thường vào dịp Tết Nguyên đán và kéo dài khoảng từ 30 đến 35 ngày. Bông đót nở rộ nhất là vào đầu mùa đến giữa tháng 2 thì cây cho bông mới đẹp. Đây cũng là lúc bà con đồng bào dân tộc Cor thôn 1, xã Trà Kót, sinh sống trên huyện vùng cao Bắc Trà My vào rừng khai thác “lộc rừng” ban tặng. Năm nay, bông của cây đót được giá nên bà con người Cor nơi đây ai cũng vui mừng.

Từ sáng sớm, anh Trần Văn Tám, thôn 1 đã dậy chuẩn bị hành trang lên đường gồm một cái rựa, tấm áo mưa, chai nước bỏ vào gùi, tranh thủ vào khu rừng hố Lạc, cách nhà anh khoảng 40 phút đi bộ, để hái đót. Anh nói: “Tôi đã đi hái đót được hơn chục năm nay. Bình quân một ngày, mỗi người đàn ông dân tộc Cor có thể bứt được từ 25-30kg bông đót tươi. Ai đi sớm và hái giỏi cũng được từ 35-40kg. Phụ nữ sức yếu thì bứt được từ 10-12kg đót tươi. Sau khi hái trên rừng về, bà con thường bán đót tươi, cũng không ít gia đình phơi đót khô rồi bán cho các thương lái dưới xuôi lên mua. Trong bình mỗi người dân thu về khoảng từ 100.000 - 250.000 đồng/ngày, năm nay bông đót có giá, nên thu nhập cũng cao hơn”.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Tám, công việc hái đót cũng không hề đơn giản. Người ta phải trèo đèo, men theo những sườn núi dựng đứng, bất chấp hiểm nguy mới có thể hái được khoảng vài chục kg đót mỗi ngày.

Rảo bước đến các gia đình ở thôn 1, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp không khí nhộn nhịp và mùi thơm hoa đót. Em Huỳnh Thị Hoa, hiện đang học lớp 5, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trà Kót chia sẻ: “Những ngày nghỉ cuối tuần, em tranh thủ theo ba, mẹ lên núi khai thác đót. Việc chặt đót thường ở khu vực triền núi theo khe, suối, hay những chỗ nguy hiểm, nên chủ yếu là ba, mẹ hái, còn em hái những cây nhỏ thôi. Tuy vất vả, nhưng em rất vui vì đã phụ giúp gia đình kiếm được tiền để mua thêm quần áo, sách vở mới”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Khôi, một thương lái mua đót ở thị trấn Trà My cho biết: “Đót năm nay đa phần khá đẹp, nên giá mua dao động từ 5.000 đến 6.000 đồng/kg tươi, còn đót khô dao động từ 19.000 đến 20.000 đồng/kg. Điểm thu mua của gia đình tôi đặt ngay cửa rừng, nên rất thuận tiện cho bà con bán. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, chúng tôi đã thu mua được khoảng 1 tấn đót khô và khoảng 7 tấn đót tươi”.

Những ngày này, đót đã nở bung khắp núi rừng Trà Kót. Hái đót, thu hoạch bông đót đã trở thành một công việc mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con đồng bào dân tộc Cor nơi đây. Tuy nhiên, hiện nay, diện tích cây đót ngày càng bị thu hẹp, do bà con phát triển trồng rừng, trong đó, chủ yếu trồng cây keo lai, dẫn đến nguồn thu nhập từ khai thác cây đót của nhiều hộ gia đình bị giảm sút.

Thiết nghĩ, các cấp, ngành trong huyện Bắc Trà My cần quan tâm, có giải pháp phù hợp để đảm bảo hài hòa giữa việc phát triển cây lâm nghiệp dài ngày nói chung và cây đót nói riêng, để đồng bào dân tộc Cor nơi đây có thể sống dựa vào rừng mà không xâm hại đến rừng.

Nguyễn Văn Sơn

Bình luận

ZALO