Biên phòng - Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc ngày 2-9-1945 thường được biết đến với chức năng khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, đây còn là một trong những tiếng nói đại diện cho nhân loại sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945).

Tháng 8-1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang đi vào hồi kết. Thật may mắn cho nhân loại, chiến thắng cuối cùng đã không thuộc về phe phát xít. Trước đó, ở châu Âu, Đức Quốc xã đã gây chiến tranh với các nước tư bản đối địch ở châu Âu như Tiệp Khắc, Ba Lan, Romania, Nam Tư, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Na Uy, Anh, Pháp... Ở châu Á, phát xít Nhật gây chiến tranh ở Trung Quốc, ở Đông Nam Á để xây dựng “Đại Đông Á”, nhưng thực chất là muốn xây dựng một hệ thống thuộc địa của Nhật.
Thế giới sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đầy rẫy những mất mát, đau thương. Hậu quả để lại là hơn 70 quốc gia với 1,7 tỷ người đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc chiến; khoảng 60 triệu người chết, 90 triệu người tàn phế và nhiều làng mạc, thành phố bị phá hủy. Tổng thiệt hại về vật chất hơn 10 lần so với Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Trong đó, là nước đi đầu trong cuộc chiến đánh bại chủ nghĩa phát xít, Liên Xô thiệt hại đến 27 triệu người. Ngoài ra, 6 triệu người Do Thái đã bị nước Đức Quốc xã thảm sát.
Năm 1940, ở Đông Nam Á, Nhật Bản lợi dụng nước Pháp đầu hàng Đức Quốc xã nên đã tiến quân vào Đông Dương. Âm mưu của chúng là lợi dụng chính quyền thực dân Pháp ở đây làm tay sai cho chúng trong việc mở rộng vùng chiếm đóng. Đặc biệt, thảm cảnh mà quân đội Nhật gây cho Việt Nam khiến 2 triệu người dân chết đói là một minh chứng về sự tàn bạo của chủ nghĩa phát xít - đỉnh cao phản động của chủ nghĩa tư bản.
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “những lẽ phải không ai chối cãi được”. Đó là, “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, thực dân Pháp đến Việt Nam cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta trong 80 năm qua thực chất không khác gì tội ác của chủ nghĩa phát xít vì “hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Thế giới sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đề cao sự dân chủ tự do, nhưng thực dân Pháp trong 80 năm thì lại “tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”. Trong chế độ phát xít của Đức Quốc xã, những pháp luật dã man ra đời để phục vụ cho sự “thanh lọc chủng tộc”. Vậy mà, ở Việt Nam, hơn 80 năm, thực dân Pháp đã thi hành những “luật pháp dã man” để phục vụ sự “khai hóa”. Đức Quốc xã lập các trại tập trung đầy rẫy thì thực dân Pháp “lập ra nhà tù nhiều hơn trường học” tại Việt Nam. Đức Quốc xã cũng “ràng buộc dư luận” như thực dân Pháp thực thi tại Việt Nam.
Điều quan trọng nhất, nước Pháp trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã đầu hàng Đức Quốc xã và đi theo con đường phát xít hóa dưới thời Thống chế Philippe Pétain. “Chống Nga để bảo vệ nền văn minh” - thủ lĩnh đảng phát xít Bình dân Pháp, Jacques Doriot, đã bình luận như vậy về việc Đức Quốc xã xâm lược Liên Xô vào mùa hè năm 1941.
Do đó, nước Pháp sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai không có tiếng nói trong lực lượng Đồng minh. Thậm chí, Pháp còn không được giao nhiệm vụ giải giáp quân phát xít Nhật tại Đông Dương mà nhiệm vụ đó lại được giao cho Anh và Trung Quốc. Bởi vậy, trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam. Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
Quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là ước mơ ngàn đời của nhân loại. Cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã đẩy nhân loại vào đống tro tàn. Sau khi kết thúc tấn bi kịch này, nhân loại tiến bộ thế giới ước mong một tương lai tươi sáng hơn. Nhằm duy trì nền hòa bình mới lập lại trên thế giới, lực lượng Đồng minh đã thành lập Liên hợp quốc vào ngày 24-10-1945, tức là sau 2 tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập với những lời bất hủ về quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Do đó, có thể khẳng định rằng, bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc ngày 2-9-1945 là một văn kiện pháp lý có tầm quốc tế; là tiếng nói đại diện cho nhân loại tiến bộ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Phát biểu tại Hà Nội vào ngày 12-9-1973, trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, Chủ tịch Cuba Fidel Castro nhận xét về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp giải phóng xã hội là hai điểm then chốt trong học thuyết của Người”.
Tháng 3-1990, đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến sĩ M.Ahmed, Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.
Nguyễn Văn Toàn