Biên phòng - Năm 2014, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á đã giới thiệu đến công chúng triển lãm ảnh "Hoàng Sa - Trường Sa, Biển đảo Việt Nam" tại 3 thành phố lớn: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội. Song hành với triển lãm, cuốn sách ảnh cùng tên của anh cũng được Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành với 1.200 bức ảnh được sắp xếp như một biên niên sử bằng hình ảnh về con người, địa lý, cảnh vật và các sự kiện liên quan về Hoàng Sa, Trường Sa, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
![]() |
Đại úy Nguyễn Văn Hưng, Thuyền trưởng tàu Cảnh sát Biển 8003 chúc mừng Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á (bên phải). |
Nội dung cuốn sách "Hoàng Sa - Trường Sa, Biển đảo Việt Nam" được chia làm 4 phần: Hoàng Sa, Trường Sa, Nhà giàn DK1 và đảo Lý Sơn. Phần chú thích ảnh được in bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ngay ở phần đầu, sách giới thiệu về nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu với những tấm bản đồ cổ quý giá thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà ông sưu tầm, lưu giữ trong suốt cuộc đời. Tiếp đó là phần giới thiệu TS Nguyễn Nhã, người dành cả cuộc đời nghiên cứu về 2 quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người đọc cũng có thể thấy hình ảnh 2 vị lãnh đạo cao cấp của đất nước hiện tại là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với những phát ngôn mạnh mẽ khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Với số lượng ảnh đồ sộ và lượng thông tin phong phú, cuốn sách còn mang đến cho độc giả những khoảnh khắc xúc động với cảnh giao lưu văn nghệ, chuẩn bị đón Tết trên đảo hay hình ảnh những người lính vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ngày đêm bám biển, bám đảo bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Những hình ảnh mà Nguyễn Á ghi được từ đất liền ra hải đảo, từ người lính đến các tầng lớp nhân dân, từ cảnh sinh hoạt đời thường đến hình ảnh lao động, huấn luyện, chiến đấu… đều toát lên tinh thần lạc quan, yêu nước, chí khí quật cường của dân tộc Việt Nam, khẳng định chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm trong trái tim mỗi người con Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa.
Xem cuốn sách, ta có thể cảm nhận được tình yêu đất nước, sự nhiệt huyết với nghề và cả sự dũng cảm của Nguyễn Á - "người đã dành cả tuổi xuân, quên cả yêu để dành tâm sức cho công việc gian khổ nhưng thú vị và có ý nghĩa" - như cách nói của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.
Để có được cuốn sách ảnh này, Nguyễn Á đã phải lao động vất vả trong 4 năm, đi ra Hoàng Sa - Trường Sa 5 lần trong bối cảnh khác nhau cùng với những nguy hiểm rình rập. Anh chia sẻ: "Tháng 4-2010, tôi ra biển lần đầu tiên trong chương trình "Chung tay thắp sáng nhà giàn" do báo Tuổi trẻ tổ chức. Ra biển lần đầu tiên tôi đã thích biển, mê biển và muốn làm cái gì đó cho biển. Tôi hình thành một ý tưởng trong đầu và đến bất cứ nơi nào, tôi cũng ghi lại những câu chuyện, giống như những cuốn sách trước đã làm".
Sau chuyến đi thứ nhất, Nguyễn Á tiếp tục đến với Hoàng Sa, Trường Sa bằng việc xin đi cùng với những đoàn công tác khác nhau. Với anh, mỗi lần ra biển, đảo của Tổ quốc là một cảm xúc tươi mới. Ban đầu chỉ là sở thích rất đỗi hồn nhiên, là tình yêu biển, sau là ý thức trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người cầm máy. "5 năm rồi, mỗi lần tôi ra đảo là mỗi lần cảm xúc khác nhau hoàn toàn. Khi đã xây dựng câu chuyện để làm cuốn sách hoặc triển lãm, tôi phải vạch ra cho mình một kế hoạch, cố gắng xin đi với những đoàn công tác khác nhau sẽ có những ý nghĩa khác nhau, cuốn sách sẽ có nhiều giá trị khác nhau" - Nguyễn Á tâm sự.
Một nguồn sử liệu quan trọng
Đó là đánh giá của Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam về tác phẩm "Hoàng Sa- Trường Sa, Biển đảo Việt Nam" của Nguyễn Á. Ông cho rằng: "Tập ảnh không chỉ là tài sản của cá nhân Nguyễn Á, mà còn là tài sản chung của xã hội. Đằng sau những tấm ảnh là giá trị về chủ quyền. Những ai đã từng ra Trường Sa mới thấy có được những bức ảnh này vất vả, cực nhọc đến chừng nào. Tôi mong cuốn sách ảnh này được lưu trữ để sử dụng lâu dài. Mong là các cơ quan Nhà nước, chính quyền tiếp nhận nó như một tư liệu giá trị đương đại và lâu dài. Mỗi sứ quán và cơ quan ngoại giao nên có một cuốn hoặc nhiều hơn để phục vụ công tác tuyên truyền".
Không chỉ Nhà sử học Dương Trung Quốc mà rất nhiều nhà nghiên cứu khác, những người có uy tín trong lĩnh vực văn học nghệ thuật đều dành tình cảm yêu qúy và trân trọng đối với cuốn sách đồ sộ này của Nguyễn Á. PGS.TS Đoàn Thị Tình từng nói: "Tôi chưa có may mắn đặt chân lên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Giờ đây được giở từng trang sách ngắm nhìn, chiêm nghiệm những bức ảnh, lòng tôi lại dâng đầy cảm xúc. Vào giai đoạn Biển Đông có diễn biến phức tạp, thì đây là một tư liệu, chứng tích bằng hình ảnh ghi lại một thời kỳ hiện đại trong lịch sử dân tộc, thể hiện cái tâm, cái tình và cả trí lực của tác giả. Thật đáng trân trọng".
Quay trở lại với việc thực hiện cuốn sách ảnh này, Nguyễn Á cho biết, anh hoàn toàn bỏ tiền túi và đi vay ngân hàng để làm cuốn sách này mà không nhận bất kỳ nguồn tài trợ của cá nhân hay tổ chức nào. Trong giai đoạn Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, anh đã xin ra Hoàng Sa 2 lần. Để có được những bức ảnh có ý nghĩa về Hoàng Sa, không chỉ tác nghiệp trên tàu của Cảnh sát Biển, của lực lượng Kiểm ngư, anh còn xin xuống tàu dân. Thậm chí anh còn đi thuyền thúng để ghi được những hình ảnh chân thực nhất về hoạt động của ngư dân, những tình cảm và quyết tâm khẳng định chủ quyền biển đảo của ngư dân.
Nguyễn Á cho hay: "Trong chuyến ra Hoàng Sa thứ nhất, tôi đi trên tàu Cảnh sát Biển và Kiểm ngư. Những bức ảnh trong chuyến đi đó chỉ nói lên được các câu chuyện về các kiểm ngư viên. Đó là lý do tôi xin Bộ Quốc phòng cho lên tàu Cảnh sát Biển 8003 đi tiếp đợt hai. Các đồng chí Cảnh sát Biển hỏi đùa rằng, tôi không sợ chết hay sao mà đi lắm thế. Tôi nghĩ, sinh mạng của mình là chuyện nhỏ so với tất cả những bức ảnh nói lên được hành động ngang ngược của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Thực sự là chỉ có mình tôi xin phép các đồng chí lãnh đạo cho xuống tàu dân. Tôi muốn nói, điều đầu tiên, ý nghĩa nhất của cuốn sách là tình cảm của ngư dân nước ta, những người khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Xuống thuyền thúng, ở khu vực biển có độ sâu 1.500m, lại có bão nữa nên tôi rất sợ mất dữ liệu. Tôi sao chép toàn bộ dữ liệu trước khi xuống tàu, để nếu mình có bị làm sao thì dữ liệu vẫn an toàn. Khi về tới TP Hồ Chí Minh, tôi mới cảm thấy hài lòng".
Bàn về giá trị tư tưởng của cuốn sách, PGS.TS Hồng Vinh khẳng định: "Cuốn sách gửi đến cho người đọc một thông điệp rất rõ ràng là với quân đội anh hùng, dân tộc Việt Nam anh hùng luôn khát khao hòa bình, nhưng không ảo tưởng về hòa bình và đang nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Nhất định chúng ta sẽ giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Cuốn sách là kho dự trữ quý của đất nước về đề tài chủ quyền lãnh thổ cần được quảng bá rộng rãi trong nước và quốc tế. Nhà nước nên ghi công xứng đáng đối với những cống hiến của Nguyễn Á". |
Nguyễn Á cùng ê-kíp 4 bạn là những người có nhiều kinh nghiệm về báo chí và làm sách đã thức đêm, làm việc cật lực hơn 1 tháng mới hoàn thành cuốn sách. Anh kể: "Những nội dung, chi tiết trong sách được làm rất kỹ càng. Từ việc sắp xếp ảnh đến việc viết lời bình, cách nói về Trung Quốc như thế nào cho vừa phải, không cay cú. Cả ê-kíp chúng tôi ráng hết sức để cuốn sách đạt chất lượng cao nhất. Được nhiều người ủng hộ tôi cảm thấy rất vui. Mong cuốn sách được lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Tôi cũng mong các nhà lãnh đạo quan tâm".
Khi xem cuốn sách của Nguyễn Á, PGS.TS Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật Trung ương nói: Tôi đánh giá cao giá trị tư tưởng nghệ thuật của cuốn sách bắt nguồn từ cái tâm, cái tình của Nguyễn Á. Cái tâm ở đây là tình yêu nước, trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người cầm máy ảnh như là một thứ vũ khí chiến đấu. Vì trách nhiệm của người nghệ sĩ, tác giả đã yêu đến tận cùng nghề nghiệp. Cái tài của tác giả là ở cách tiếp cận nhiều chiều, nhiều góc độ, ghi được nhiều hoạt động sinh động của nhiều lớp người khác nhau. Tất cả những gương mặt phản ánh trong tác phẩm này đều toát lên niềm lạc quan phơi phới, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc ta".