Biên phòng - Tối 13-4, giờ Washington (tức sáng 14-4, giờ Hà Nội), thủ đô Damascus của Syria đã rung chuyển bởi một loạt tên lửa được phóng từ các máy bay chiến đấu, tàu chiến của Mỹ và hai đồng minh Pháp, Anh. Quyết định “khai hỏa” nhằm đáp trả vụ tấn công “bằng vũ khí hóa học”, theo cáo buộc của Washington, mà không có sự chấp thuận của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (LHQ) được xem là một tiền lệ nguy hiểm, hành động thách thức mọi chuẩn mực quốc tế, đi ngược lại Hiến chương LHQ và xâm phạm các quyền của một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Lời đã nói ra và tên lửa đã được bắn đi
Đúng 21 giờ ngày 13-4, phát biểu tại Nhà trắng, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, Liên quân Mỹ-Anh-Pháp đã khởi động một chiến dịch tại Syria nhằm vào chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và nêu rõ vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma của nước này là "một hành động leo thang".
Cùng lúc đó, tại Paris và London, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Theresa May cũng tuyên bố không có sự lựa chọn nào khác ngoài sử dụng biện pháp quân sự đối với Syria.
Ngay sau những tuyên bố trên, không quân ba nước: Mỹ, Anh, Pháp đã tổ chức các đợt không kích. Trong vòng một giờ oanh tạc, các máy bay và tàu chiến của ba nước trên đã phóng hơn 100 quả tên lửa hành trình, tên lửa không đối đất vào các căn cứ cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự của Syria.
Tuy nhiên, vụ tấn công không gây thương vong đáng kể (3 người bị thương), hiệu quả không kích nhằm vào các mục tiêu mà Mỹ tuyên bố là cơ sở chế tạo vũ khí hóa học, các cơ sở quân sự là không cao khi lực lượng phòng không Syria đã đánh chặn được tới 71 trong tổng số 103 tên lửa được phóng đi.
Bộ Ngoại giao Syria ngay lập tức lên án các cuộc không kích của phương Tây vào nước này là "hành động hiếu chiến tàn bạo và dã man". “Các cuộc tấn công của Liên quân Anh, Pháp, Mỹ sẽ không ảnh hưởng tới quyết tâm của quân đội Syria trong cuộc chiến chống phiến quân và giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ từ tay lực lượng khủng bố”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh.

Nga, đồng minh thân cận của Syria, cũng lập tức lên án vụ tấn công trên. Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, vụ tấn công là hành động vi phạm Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế; một hành vi thù địch nhằm vào một nhà nước có chủ quyền và Nga kịch liệt án hành động này.
Trong phát biểu ngay sau cuộc tấn công của liên quân Mỹ-Anh-Pháp nhằm vào Syria, Tổng thư ký LHQ A.Guterres đã ra tuyên bố nhấn mạnh: “Hiến chương LHQ đã nêu rõ rằng, các quốc gia có nghĩa vụ phải tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế nói chung, đặc biệt là khi xử lý các vấn đề hòa bình và an ninh”.
Ông cũng hối thúc tất cả các quốc gia thành viên thể hiện sự kiềm chế trong những hoàn cảnh nguy hiểm này, đồng thời tránh bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang tình hình và làm tồi tệ hơn nữa tình cảnh khốn khổ của người dân Syria. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới cũng bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Syria, kêu gọi thúc đẩy các nỗ lực nhằm mang lại hòa bình cho Syria.
Những toan tính đằng sau hành động răn đe
Có thể nói vụ tấn công của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria ngày 14-4 cũng không quá bất ngờ bởi Tổng thống Trump đã liên tục đưa ra những lời đe dọa về hành động quân sự ngay sau khi có thông tin đầu tiên về "nghi án" sử dụng vũ khí hóa học tại Syria mà phương Tây khăng khăng đổ cho quân đội chính phủ Syria dù chưa có bằng chứng cụ thể, còn Damascus liên tục bác bỏ và yêu cầu điều tra quốc tế.
Điều đáng nói rằng, hành động quân sự do Mỹ dẫn đầu tại Syria vừa qua lại không có sự cho phép của HĐBA LHQ. Đây không phải lần đầu tiên Mỹ và đồng minh “bỏ qua” HĐBA LHQ khi mở chiến dịch tấn công một quốc gia có chủ quyền. Chiến dịch của Mỹ và NATO không kích Nam Tư tháng 3-1999, hay cuộc tấn công Iraq năm 2003 do Mỹ và Anh phát động, là những ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, cùng với diễn biến và những thiệt hại gây ra sau đợt tấn công cho thấy mục tiêu chính của hành động quân sự này là thể hiện sức mạnh mang tính chính trị và "răn đe" nhiều hơn. Tổng thống Donald Trump tuyên bố rất mạnh miệng nhưng hành động tấn công có vẻ đã được lên kế hoạch và tính toán cẩn thận để thiệt hại không quá lớn.
Rõ ràng, Mỹ và Anh cùng Pháp không muốn một hành động quân sự quá lớn có thể tạo ra một khúc rẽ nguy hiểm cho tình hình tại Syria, qua đó cũng là tạo thêm cớ để những “người chơi chính” vốn đã hiện diện tại đây là Nga và Iran nhập cuộc.

Thế nhưng, những toan tính của Mỹ và đồng minh đã một lần nữa đặt tình hình khu vực Trung Đông, vốn đã nóng bỏng với một loạt các cuộc xung đột và mâu thuẫn chưa có lời giải, vào một mối đe doạ thực sự khác, nhất là nguy cơ xung đột leo thang vượt khỏi tầm kiểm soát thành một cuộc chiến khu vực.
Hơn thế nữa, vụ tấn công đang tạo ra một tiền lệ nguy hiểm mà nếu không được kiên quyết ngăn chặn, các mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế sẽ nhanh chóng bị biến thành “cái cớ” cho những toan tính lợi ích cá nhân.
Lịch sử đã chứng minh hậu quả nguy hiểm từ chính sách can thiệp quân sự của các nước phương Tây tạo ra quãng thời gian bất ổn tại khu vực Trung Đông, từ Iraq đến Syria. Cuộc chiến tại Iraq năm 2003 và không kích Libya năm 2011 đều thất bại trong việc đảm bảo hòa bình, thay vào đó gây bất ổn hơn nữa tại Trung Đông khiến hàng triệu dân thường thương vong hoặc phải di tản.
Mỹ và các đồng minh châu Âu, trong đó có Pháp và Anh, đều đã phải trả giá đắt cho hành động quân sự tại Trung Đông. Các cuộc tấn công quân sự do Mỹ dẫn đầu chỉ mang đến sự tàn phá và thù hận, biến khu vực này thành điểm nóng của sự trỗi dậy chủ nghĩa khủng bố và cuối cùng tình trạng đó cũng sẽ lan đến chính các nước phương Tây.
Do vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là phải tìm ra giải pháp chính trị nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực leo thang, tránh để khủng hoảng Syria biến thành cuộc đối đầu khu vực với những hậu quả khôn lường đối với Trung Đông và thậm chí toàn thế giới.
Ngọc Oanh