Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 11:46 GMT+7

Một số hoạt động tiêu biểu của BĐBP trong tham gia phong trào học tập suốt đời ở khu vực biên giới

Biên phòng - Những năm qua, khu vực biên giới (KVBG) được Đảng, Nhà nước và các địa phương quan tâm đầu tư phát triển về nhiều mặt, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, KVBG còn những khó khăn, bất cập so với các địa bàn khác như cơ sở hạ tầng về giáo dục còn thiếu thốn; trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ còn cao; còn nhiều cháu bỏ học sớm hoặc trong độ tuổi nhưng không đến trường… Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP đã chủ động phối hợp với ngành giáo dục triển khai nhiều hoạt động, góp phần thúc đẩy phong trào học tập ở KVBG từng bước được nâng lên.

Cán bộ Đồn Biên phòng Bản Máy, BĐBP Hà Giang hướng dẫn con nuôi của đơn vị học bài. Ảnh: Quang Long

Ở cấp Trung ương, ngay từ năm 1992, Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký chương trình phối hợp thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ trên địa bàn các xã biên giới, vùng cao, hải đảo. Đến nay, tại các địa phương đã mở hàng nghìn lớp học xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, lớp học tình thương cho hàng chục nghìn học viên.

Những năm gần đây, Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, như: Năm 2018, tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chương trình: “Đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập” ở địa bàn biên giới, hải đảo giai đoạn 2018-2025; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tuyên dương các “Thầy giáo quân hàm xanh - Nâng bước em tới trường” tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục; vận động các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tặng học bổng, vật chất, sách vở... cho các cháu học sinh (năm 2020, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam tặng 350 chiếc xe đạp và nhiều suất học bổng, đồ dùng học tập có giá trị khác cho các cháu là con nuôi đồn Biên phòng). Dịp khai giảng năm học 2018 và 2020 đúng vào đợt mưa, lũ ở các tỉnh Tây Bắc và khu vực miền Trung, các đồn Biên phòng đã tổ chức cho các cháu trú, tránh tại đơn vị...

Đặc biệt, Bộ Tư lệnh BĐBP đang triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng”, hằng năm, nhận đỡ đầu gần 3.000 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn (trong đó có gần 200 cháu học sinh nước bạn Lào và Campuchia) với mức hỗ trợ mỗi cháu 500.000 đồng/tháng; các đồn Biên phòng nhận nuôi 355 cháu, tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu có nơi ăn, ở, học tập để vươn lên.

Đến nay, đã có nhiều cháu đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học; tỷ lệ các cháu học hết lớp 12 và kết quả học tập của các cháu từng năm tăng lên. Vào dịp Hè, các đơn vị BĐBP đã phối hợp với các địa phương, các tổ chức đoàn thể tổ chức học kỳ quân đội cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn (nhất là các cháu được BĐBP nhận đỡ đầu, nuôi dạy) với những tên gọi như: “Mầm xanh biên cương”, “Ươm mầm bảo vệ biên cương”...

Chương trình trên là một trong những việc làm ý nghĩa của BĐBP nói riêng, “Bộ đội Cụ Hồ” nói chung, góp phần tuyên truyền, vận động bằng nhiều việc cụ thể, thiết thực, hiệu quả để nhân dân tin yêu, tham gia cùng lực lượng vũ trang trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia nói riêng.

Chương trình được đánh giá là có ý nghĩa chính trị - xã hội rất nhân văn, sâu sắc và hiệu quả, nhằm giúp đỡ, động viên kịp thời cho trẻ em KVBG, biển, đảo có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, có nghị lực phấn đấu tốt trong học tập, rèn luyện để sau này trở thành người có ích cho quê hương, đất nước. Chương trình được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương biên giới quan tâm, ghi nhận, đánh giá cao, nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Ở địa phương, BĐBP các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện chương trình phối hợp với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; cán bộ, chiến sĩ thường xuyên bám, nắm địa bàn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương và ngành giáo dục tuyên truyền, vận động trẻ em trong độ tuổi đến trường, học sinh bỏ học trở lại trường... Đặc biệt, BĐBP các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Quảng Trị, Quảng Nam, Gia Lai, Đồng Tháp, Cà Mau... tổ chức bếp ăn tình thương, cử cán bộ trực tiếp đưa, đón các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để các cháu được đến trường.

Nước ta có đường biên giới trên đất liền dài trên 5.032km, bờ biển dài 3.260km; KVBG gồm 1.084 xã, phường, thị trấn với 233 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc 44 tỉnh, thành phố; dân số khoảng 9,8 triệu người (dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15%) với 51 dân tộc và 6 tôn giáo chính.

Một số đơn vị triển khai mô hình “Tay kéo Biên phòng”, thành lập từ 1 đế 2 tổ đến trường cắt tóc và hướng dẫn học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân, phối hợp xây dựng, tu sửa trường học, hỗ trợ trang bị, thiết bị dạy học cho các nhà trường, từng bước kiên cố hóa trường học, xóa bỏ các phòng học tranh, tre, nhà tạm; thường xuyên vận động các nguồn tài trợ, hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường học, giúp đỡ các em học sinh.

Như vậy, với sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ BĐBP nói chung, những thầy giáo mang quân hàm xanh nói riêng đã góp một phần công sức đối với phong trào khuyến học, khuyến tài, lan truyền tinh thần và phong trào học tập suốt đời để nâng cao mặt bằng dân trí ở KVBG. Đồng thời, là chỗ dựa vững chắc cho các thầy, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện thuận lợi nhất phục vụ sự nghiệp trồng người, cùng ngành giáo dục cả nước đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, chống tái mù chữ và phổ cập giáo dục ở cả 3 cấp học. Đồng thời, mang lại hiệu quả tích cực về mặt xã hội, góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao ý thức quốc gia, quốc giới cho đồng bào các dân tộc; thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên địa bàn biên giới, hải đảo.

Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP

Bình luận

ZALO