Biên phòng - Tháng 3 năm 1962, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) tổ chức Hội nghị chiến sĩ thi đua lần thứ nhất. Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện với Hội nghị. Sau khi huấn thị những điều quan trọng, Bác tặng cho cán bộ, chiến sĩ câu thơ: “Non xanh nước biếc trùng trùng/Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao/Núi cao sự nghiệp càng cao/Biển sâu, chí khí ta so vào càng sâu/Thi đua ta quyết giật cờ đầu...”.
Xuân Liễu và tất cả những người trong cuộc mới thấy hết được tính khái quát đến chắt lọc về chức năng, nhiệm vụ của mình, thể hiện qua những câu thơ của Bác. Riêng với anh, một chiến sĩ trẻ, mấy câu thơ ấy cứ âm vang mãi trong tâm hồn và anh mơ ước trong đời sẽ làm được một việc gì đó trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ để biểu đạt nhận thức, tiếp thu của mình, góp phần chuyển tải tới người đọc, người nghe cũng cảm nhận sâu sắc cái âm hưởng của hồn thơ lãnh tụ mà trong đó hòa quyện hiện thực với chất lãng mạn, vừa có thép, có lửa, rất giàu hình tượng mà cũng đầy sự cổ vũ khí phách hào hùng.
Có thể nói, đó là một trong những điều đáng quý nhất trong hành trang của người chiến sĩ trẻ Xuân Liễu. Chính nó đã thôi thúc anh, khích lệ anh nỗ lực phấn đấu để làm nên hàng loạt tác phẩm nhiếp ảnh quí giá về BĐBP - những đồng đội thân yêu của anh. Xuân Liễu có cái may mắn là công tác tại Cục Chính trị, Công an Nhân dân Vũ trang từ năm 1959, nên được đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ, từ đất liền đến biên cương, từ bờ biển đến hải đảo.
Tháng 5/1980, anh về nhận công tác tại A19, Tổng cục I (Bộ Nội vụ). Tại nơi công tác mới, Xuân Liễu bắt đầu tham gia công tác văn nghệ với vai trò khi là người phụ trách công tác tuyên truyền bằng phim đèn chiếu, vừa chụp ảnh, vừa viết kịch bản, đọc thuyết minh phục vụ ở các vùng sâu, vùng xa; khi thì phụ trách công tác điện ảnh, viết báo...
Ở đâu và bao giờ anh cũng đón nhận những “khoảnh khắc” trong đời sống chiến đấu của quân và dân ta để đưa vào nhiếp ảnh và thơ. Càng đi, càng yêu Tổ quốc vô cùng, càng kính trọng những con người anh hùng có tên và không tên, lòng anh càng dạt dào cảm xúc. Nhờ những cảm xúc ấy mà anh đã ghi lại được những khoảnh khắc đáng trân trọng - những khoảng khắc rung động theo hồn thơ của Bác. Không thể kể hết tên những bức ảnh ấy, những khoảng khắc ấy. Bởi vì, những năm tháng ở BĐBP là cả một quãng đời sôi động, giàu nhiệt huyết nhất của anh, đó là “nơi sinh ra tầm nhìn”, “nơi hun đúc tình yêu” của anh.
Có tầm nhìn ấy, có tình yêu ấy, mới có những khoảng khắc trở thành tác phẩm nghệ thuật của anh. Chính anh cũng nhận thấy: “Tôi trở thành nghệ sĩ chính là nhờ những ngày “lênh đênh” qua vùng biên giới và hải đảo. Không có những ngày tháng ấy, chắc chắn tôi không có những tác phẩm được mọi người biết đến”.
Đến lượt chúng ta, những công chúng yêu nghệ thuật, được xem ảnh của anh càng cảm phục sức đi, sức phấn đấu, sức tôi luyện của anh qua những năm tháng ấy. Chúng ta biết ơn và ghi nhận những thành tựu nghệ thuật của anh qua hàng loạt tác phẩm về đất nước, về con người, nhưng trước hết và trên hết, theo tôi là về vùng biên cương, hải đảo.
Nói đến Xuân Liễu, dường như đã trở thành một biểu tượng, anh là nghệ sĩ của những vừng đất vùng trời ấy. Ngoài “đất nước tình người”, tác phẩm được giải thưởng ở Cộng hòa Dân chủ Dức năm 1980, anh còn có “Vượt qua cửa mở”, “Bảo vệ biên cương “Tổ quốc” (chụp ở biên giới Lào Cai ăm 1963 theo sự rung động từ câu thơ lãnh tụ), “Núi cao sự nghiệp càng cao”, “Phục kích trên núi tuyết” (chụp ở Đồng Văn, Hà Giang năm 1965), “Núi rừng hùng vĩ nơi biên cương Tổ quốc”, “Công an vũ trang biên phòng Lai Châu tập luyện truy kích địch (chụp năm 1964), “Bảo vệ hải đảo” chụp ở Quảng Ninh năm 1962, cũng theo hồn thơ của Bác: “Biển sâu chí khí ta so vào càng sâu”...
Có thể nào quên hình ảnh người chiến sĩ ở Đồn Vĩnh Linh hiên ngang bảo vệ lá cờ Tổ quốc ở giới tuyến quân sự tạm thời. Có thể nào quên những gương mặt trẻ trung với nụ cười lạc quan của các anh chiến sĩ biên phòng Hà Giang! Cũng có thể nào quên hình ảnh nữ dân quân trên vùng biển Quảng Bình hoặc các chiến sĩ Công an Vũ trang Thanh Hóa tuần tra, bảo vệ bờ biển quê hương... Tất cả đó đều là những hình ảnh đẹp, làm nên bài ca chiến đấu và chiến thắng của những người con ưu tú mà nhân dân ta mãi mãi tôn vinh, yêu mến. Họ là những anh hùng “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”, “đạp mặt trời nghiêng đỏ áo choàng”, những con người “đi về phía mặt trận/ Trĩu nặng tình nước non”...
Tình nước non... đấy chính là hành trang mà người chiến sĩ mang theo kể từ ngày bước vào đội ngũ. Xuân Liễu, trong thơ của mình, đã nhiều lần nói đến cái tình thiêng liêng ấy. Tình ấy từ đâu mà có? Hãy nghe anh giải bày: “Lời hát ru của mẹ/Đi mãi suốt đời con/Nặng sâu tình mẫu từ/Hóa thành tình nước non”.
Về lời ru của mẹ, anh còn thể hiện trong nhiều bài thơ khác, như “Nghĩ về mẹ”, rằng “Những lời ru của mẹ/Đi suốt cuộc đời người...”, và từ trong sâu thẳm tâm hồn, anh khẳng định “Lời ru như phép lạ/ Chắp cánh bay diệu kỳ...”.
Phải chăng, tiếng ru của mẹ là cái gốc để nuôi dưỡng tâm hồn chiến sĩ, cũng như dòng sữa mẹ để nuôi lớn cơ thể anh? Mẹ và Tổ quốc, hai mà một, trong tâm hồn anh, trong ý thức anh, có một sức mạnh thật kỳ diệu, giúp anh vượt qua mọi gian lao thử thách trong chiến đấu và cả trong cuộc đời thường. Nó cũng là gốc của những tình yêu khác: với con, cháu, với người yêu, với vợ; với đồng đội, nó giúp anh rung động trước mọi cảnh vật của Tổ quốc, từ chiếc ao làng, chiếc hồ ven đô, những cánh đồng bạt ngàn song lúa, những bông hoa cau, hoa quỳnh, cả cây vông già, cây bàng mùa đông, rồi mái ngói rêu phong, tiếng chuông chùa, tiếng gà gáy, cánh diều tuổi thơ, làn quan họ, tiếng gọi đò, cánh chim én bay, những vùng quê “đầy gió, đầy nắng, đầy tình người”...
Vâng, tất cả đó đều là hành trang của Xuân Liễu, người chiến sĩ, người nghệ sĩ, chứ “không chỉ là âm vang, không chỉ là hoài niệm mơ màng”.
Xem ảnh và đọc thơ Xuân Liễu, ta nghe rất rõ nhịp đập của trái tim anh. Khi mùa Xuân về. Khi đi qua nghĩa trang. Khi mùa Đông đến. Khi đến Lạng Sơn - “một khoảng trời như thực như mở”. Khi về Phú Quốc. Khi trở lại thăm quê cha đất tổ... Và đặc biệt, Hà Nội được anh ngợi ca với tất cả tâm hồn, da diết niềm yêu thương... Ở đâu và bao giờ, những gì anh thấy “cũng thành khúc hát để người đời tri âm”.
Có thể “tri âm” với anh về tất cả những gì anh sáng tác, nghĩ suy, trăn trở, hoài vọng, buồn vui... Tri âm và trân trọng cả tâm trạng của anh về số phận, đời người thế sự, về những gì xảy ra quanh anh, làm anh yêu, ghét, trân trọng, khinh bỉ, về cả vũ trụ, về thiên tai địch họa ở những phương trời xa. Tôi nghĩ rằng, xem ảnh và đọc thơ Xuân Liễu, ta càng hiểu anh - một tâm hồn vừa dịu dàng, đằm thắm vừa hiên ngang, mãnh liệt. Ta nhận từ anh tình yêu con người, tình yêu Tổ quốc.
Và như thế, ta cũng giàu có hơn về tâm hồn trong hành trang của chính mình.
Đại tá, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Liễu (1935-2022), quê quán tại Xuân Thủy, Nam Định. Năm 16 tuổi, anh xung phong vào bộ đội, đến năm 22 tuổi (năm 1957), anh được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Từ năm 1959, Xuân Liễu về công tác tại Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang) cho đến tháng 5/1980 thì công tác tại A19, Tổng cục I (Bộ Nội vụ).
Xuân Liễu bắt đầu tham gia công tác văn nghệ khi công tác tại Phòng Tuyên truyền văn nghệ, Phòng Điện ảnh, Phòng Điện ảnh Truyền hình, Phòng Dự án Điện ảnh, Xưởng Phim Công an nhân dân. Trong thời gian này, Xuân Liễu trải qua các chức vụ: Trưởng phòng Điện ảnh Truyền hình, Giám đốc xưởng phim Công an nhân dân... Khi nghỉ hưu, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Xuân Liễu đã tích cực tham gia công tác tại Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội với cương vị Phó Chủ tịch Hội và Giám đốc Quỹ hỗ trợ Văn học nghệ thuật Hà Nội.
Dịch giả Trần Đương