Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:02 GMT+7

Một mốc son chói lọi trong lịch sử lập hiến nước nhà

Biên phòng - Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, đã ở vào một tình thế “thù trong, giặc ngoài”. Vận mệnh đất nước đang đứng trước nguy cơ mất, còn, “ngàn cân treo sợi tóc”. Với trí tuệ uyên bác, tầm nhìn xa, trông rộng và tư tưởng lấy dân làm gốc, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: Một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là phải xây dựng cho được một bản Hiến pháp.

Quốc hội khóa I họp tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), thảo luận và thông qua Hiến pháp năm 1946, ngày 2-3-1946. Ảnh: TTXVN

Người chỉ rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”.

Cũng trong phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương việc thực hiện Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội, để sớm ban hành Hiến pháp, nhằm xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ nhân dân kiểu mới trên một cơ sở pháp lý vững chắc; xác lập và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi người dân Việt Nam; tăng cường đoàn kết dân tộc để củng cố và giữ vững nền độc lập. Người đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống... Lời đề nghị này của Người được xem là có ý nghĩa như một tuyên bố lập hiến của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thực hiện lời tuyên bố lập hiến đó, ngày 8-9-1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 14/SL quy định trong thời gian 2 tháng, kể từ ngày ký Sắc lệnh này sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thay mặt toàn dân để ấn định cho nước Việt Nam dân chủ cộng hòa một Hiến pháp. Ngày 20-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34/SL về thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm có 7 thành viên, do Người làm Trưởng ban. Đây được xem là bước chuẩn bị nội dung quan trọng cho sự ra đời của bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 10-11-1945, Chính phủ Lâm thời ra Thông cáo về việc công bố dự thảo Hiến pháp để toàn dân thảo luận góp ý (kèm theo Bản dự án Hiến pháp gồm 9 chương, 71 điều), mong muốn cho tất cả nhân dân Việt Nam được đọc và góp ý để sau đó, Ủy ban dự thảo Hiến pháp sẽ tập trung các đề nghị sửa đổi và ý kiến của nhân dân rồi trình lên Toàn quốc Đại hội bàn luận.

Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành công tốt đẹp. Ngày 2-3-1946, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I. Quốc hội đã bầu ra Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, bầu ra Ban Thường trực Quốc hội để góp ý phê bình và giám sát hoạt động của Chính phủ và lập Ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội gồm 11 thành viên. Ban có nhiệm vụ dự thảo bản Hiến pháp.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I (từ ngày 28-10 đến ngày 9-11-1946), bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là cải tổ Chính phủ (bãi nhiệm Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, thành lập Chính phủ mới), Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để thảo luận và thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới. Cũng cần nói thêm rằng, dự thảo Hiến pháp này được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Dự thảo được hình thành trên cơ sở chỉnh sửa lại bản dự án Hiến pháp do Tiểu ban Hiến pháp kỳ họp thứ nhất khởi thảo trên cơ sở dự án Hiến pháp của Chính phủ đưa ra, có đối chiếu với bản dự thảo của Ủy ban Cứu quốc và tập hợp những kiến nghị phong phú của toàn dân, cũng như tham khảo kinh nghiệm Hiến pháp của các nước. Ngày 9-11-1946, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với 240 đại biểu nhất trí trên tổng số 242 đại biểu có mặt.

Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử lập hiến nước nhà. Nội dung Hiến pháp hết sức ngắn gọn, súc tích, chỉ có 3.385 từ, gồm Lời nói đầu và 70 điều được phân bố trong 7 chương: Chương I (Chính thể), Chương II (Nghĩa vụ và quyền lợi công dân), Chương III (Nghị viện nhân dân), Chương IV (Chính phủ), Chương V (Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính), Chương VI (Cơ quan tư pháp), Chương VII (Sửa đổi Hiến pháp). Hiến pháp năm 1946 đã điều chỉnh các quan hệ xã hội của nước ta một cách hợp lý và rõ ràng, đặc biệt là trong vấn đề tổ chức quyền lực và tổ chức bộ máy nhà nước phù hợp với bối cảnh và điều kiện lúc đó. Tuy Hiến pháp năm 1946 phần nào đã bị giới hạn về phạm vi và về độ chi tiết hóa, nhưng Hiến pháp năm 1946 vẫn được đánh giá là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, mẫu mực trên nhiều phương diện, cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến. Những nguyên tắc cơ bản ghi nhận trong Hiến pháp vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục được ghi nhận, kế thừa và phát triển trong các bản Hiến pháp tiếp theo, phù hợp với ý nguyện của toàn dân Việt Nam, phù hợp với từng giai đoạn phát triển và sự vận hành của bộ máy Nhà nước Việt Nam sau này.

Hiến pháp năm 1946 đã để lại nhiều ý nghĩa thời đại sâu sắc. Đó là, đã khẳng định đường lối đại đoàn kết, thống nhất ý chí toàn dân tộc; công nhận và bảo đảm quyền hợp pháp của công dân; khẳng định các quyền bình đẳng về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa, bình đẳng trước pháp luật; khẳng định các quyền tự do, tín ngưỡng; khẳng định các quyền về kinh tế; các quyền về xã hội... Với Hiến pháp năm 1946, quyền của người dân Việt Nam có một bước tiến nhảy vọt khi người dân từ địa vị bóc lột, nay đã thực sự làm chủ cuộc đời mình với tư cách công dân của một nước độc lập, tự do, dân chủ. Hiến pháp năm 1946 đã đề ra nguyên tắc cho việc tổ chức bộ máy nhà nước, phân định rõ các quyền: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp.

Theo đó, quyền lập pháp được trao cho Quốc hội - cơ quan cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; quyền hành pháp thuộc về Chính phủ và tòa án nắm quyền tư pháp. Đồng thời, Hiến pháp cũng phân quyền rất rõ và hợp lý cho chính quyền địa phương... Theo Hiến pháp năm 1946, chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân, người dân là người làm chủ đất nước. Nhân dân chính là người làm ra Hiến pháp nên có quyền phúc quyết bản Hiến pháp của mình; nhân dân có quyền bỏ phiếu thể hiện ý chí của mình trong những trường hợp liên quan đến vận mệnh quốc gia... Người dân Việt Nam đã thực sự được công nhận những quyền cơ bản của con người và chuyển sang vị thế làm chủ đất nước.

Ra đời trong bối cảnh hơn 1 năm sau khi nước nhà giành được độc lập, Hiến pháp năm 1946 - Đạo luật cơ bản đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mới với chính thể Dân chủ Cộng hòa được soạn thảo và thông qua với sự cố gắng của các nhà thảo hiến, của bộ máy chính quyền nhà nước dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng Hiến pháp năm 1946 mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử lập hiến nước nhà, nó hội tụ đầy đủ các yếu tố của một bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ, mẫu mực trên nhiều phương diện, cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến. Những nguyên tắc ghi nhận trong Hiến pháp vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện rõ tư tưởng tiến bộ về pháp quyền và để lại cho hôm nay những bài học cần phải tiếp tục nghiên cứu, phát huy.

Bảo Châu

Bình luận

ZALO