Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:09 GMT+7

Một hồn thơ xứ Mường

Biên phòng - Là người con quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, thế nhưng, nhà thơ Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình lại bén duyên với xứ Mường đã hơn 40 năm nay. Ông từng chia sẻ, ông luôn lắng nghe, tìm hiểu cái hay, cái đẹp vừa hiển hiện, vừa trầm tích của Hòa Bình và khi cần thì vốn văn hóa (trải nghiệm) sẽ được huy động vào sáng tác của mình.

Nhà thư Lê Va (thứ nhất từ trái sang) cùng đồng bào dân tộc Mường trong một chuyến công tác tại tỉnh Hòa Bình (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhà thơ Lê Va xuất thân là một chiến sĩ Công an nhân dân, ông từng lần lượt trải qua các chức vụ, như: Phó Trưởng Công an huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình, Phó Trưởng phòng Công tác chính trị rồi trước khi về hưu giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Hậu cần (Công an tỉnh Hòa Bình) với quân hàm Đại tá. Là người Kinh, lại là người đứng đầu Hội Văn học nghệ thuật ở vùng đất đa văn hóa, nhiều lễ hội của trung tâm không gian văn hóa Mường, nhiều người sẽ nghĩ đó là một thử thách lớn với ông. Tuy nhiên, ông lại không nghĩ vậy. Ông đã rất thấm thía với tâm sự của học giả người Pháp Pierre Grossi khi kết thúc tác phẩm “Tỉnh Mường Hòa Bình” xuất bản lần đầu năm 1926 bằng Pháp ngữ: “Tôi yêu mến tỉnh Mường và dân chúng ở đó, tôi lấy làm tự hào khi nghĩ rằng họ đã đối xử tốt với tôi. Cho nên, kết luận của tôi là: để xây dựng tỉnh Hòa Bình thì phải biết yêu tỉnh Hòa Bình!”.

Và cứ như thế, nhà thơ quê lụa nhận mình cũng là người yêu Hòa Bình từ bao giờ không hay. “Nhiều người hỏi tôi về những thứ mà tôi đã viết về Hòa Bình, tôi chỉ có thể giải thích ngắn gọn, đó là do cái duyên. Duyên mang tôi đến với Hòa Bình và mảnh đất này bỏ nhiều thứ vào trong tôi. Nếu không phải cái duyên thì sao bao người đến đây, họ hiểu Hòa Bình trước tôi, có trong tay tư liệu trước tôi... nhưng lại chỉ đến tôi, tôi mới viết về điều đó. Tôi cảm giác mình luôn như chùm ăng-ten thường trực 24/24 giờ để đón lấy những tin tức Hòa Bình và đặt những tin tức ấy vào đúng vị trí của nó, nhất là những chỗ còn đang trống vắng” - nhà thơ Lê Va chia sẻ.

Nhớ khi vừa chân ướt, chân ráo đến Hòa Bình, những người cùng trang lứa với ông, có người khóc vì khó khăn, viết thư về nhà than vãn đủ điều, riêng ông lại chỉ kể những điều hay của Hòa Bình. Ông bảo, ông làm việc này, lúc đó chưa phải vì tình yêu Hòa Bình, mà chỉ nghĩ đơn giản, nếu mình kể khổ thì gia đình thương, thương mà chẳng giúp được thì càng thêm lo. Và những cán bộ Công an cùng ông lên nhận công tác tại huyện vùng cao Đà Bắc ngày ấy, đến nay chỉ còn mình ông ở lại Hòa Bình. Và ông nghĩ, nếu không lên Hòa Bình, không ở lại Hòa Bình, thì ông dứt khoát không thể trở thành một nhà văn, nhà văn của đất Mường Hòa Bình được.

Nhà thơ Lê Va cũng đã vinh dự được giới thiệu tiểu sử, quá trình sáng tác, trích dẫn kèm phân tích mang tính giới thiệu 3 bài thơ trong Chương trình ngữ văn địa phương tỉnh Hòa Bình của Bộ Giáo dục và Đào tạo xuất bản năm 2010. Bài thứ nhất “Người vùng cao đón khách” là những trải nghiệm từ khi ông vừa đặt chân tới vùng núi cao Đà Bắc (năm 1977) mỗi khi đến với bà con. Từ những cử chỉ, tính cách, ánh mắt, nụ cười của người dân khi đón tiếp, tiễn ông... cứ thế ngấm vào ông và sau đó nhiều năm, bài thơ ra đời.

Trong tập “Các dạng bài tập làm văn và Cảm thụ thơ văn lớp 6” do Nhà xuất bản Giáo dục tái bản lần thứ hai, tác giả Cao Bích Xuân cũng đã đưa bài “Người vùng cao đón khách” (trang 80) của ông vào phân tích và hướng dẫn cảm thụ cho học sinh. Bài thứ hai là “Vẫn ngoài bàn tay”, được ông sáng tác trong thời gian công tác trong Trại tạm giam của Công an tỉnh khi Công trình Thủy điện Hòa Bình đang vào hồi cao điểm thi công: “Ba con đường lớn/ Nằm ở bàn tay/ Đường đời đi xuống/ Đường học đi ngang/ Đường tình chạy ngược...”. Bài thứ ba là “Tản bước sông đêm”, là những thủ thỉ tâm sự rồi muốn đưa ra thông điệp về các cạm bẫy trong cuộc đời của ông khi trong nhiều đêm đi bộ bên dòng Đà giang thơ mộng.

Ngoài viết lách, Lê Va còn có niềm đam mê với nhiếp ảnh và đã xuất bản tập sách ảnh “Bờ xưa” rất được quan tâm. Ông luôn quan niệm đây là lĩnh vực mình tuy có chạm vào, nhưng không phải sáng tác, chụp ảnh hay viết lý luận phê bình, mà cũng là sự phát hiện, phát hiện ngay trong tâm tư, tình cảm của mình chứ không phải bắt gặp, nghe, nhìn như những chi tiết nêu trên. Thác Bờ trên sông Đà là một con thác nổi tiếng “Đệ nhất thác”, nay đang nằm sâu dưới hàng trăm mét nước của hồ Thủy điện Hòa Bình. Ngày chưa đắp đập ngăn sông, ai cũng biết cảnh đẹp hiếm có này sẽ chìm ngập, nhưng từ khi biết nó sẽ chìm đến khi nó chìm hẳn phải cả chục năm, thế mà không cơ quan nào, văn nghệ sĩ nào nghĩ ra mà chụp ảnh lưu lại. Ngay đến cả ông cũng phải gần 40 năm sau mới nghĩ đến điều này và quyết tâm mò tìm “thác Bờ trên cạn”. Sau hơn 3 năm lọ mọ khắp nơi, ông đã xuất bản tập ảnh vô cùng ý nghĩa này.

Trên cương vị Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, nhà thơ Lê Va trăn trở, hội viên trẻ của Hội đã ít, người “trong huyết quản của họ là văn hóa Mường” càng hiếm, hiện giờ đếm không qua nổi số ngón tay trên một bàn tay. Thông qua các cuộc thi, nhất là cuộc thi “cây bút tuổi hồng”, Báo Văn nghệ Hòa Bình, rồi qua kênh các hội viên, thỉnh thoảng có xuất hiện một vài gương mặt trẻ, nhưng chưa kịp tính chuyện “chăm bẵm” thì họ đã vắng bóng.

“Nói riêng người trẻ để tâm sáng tác về dân tộc Mường thật khó. Thiết nghĩ, trước hết, họ phải là người Mường, sinh ra, lớn lên tại một Mường còn đậm bản sắc, đó là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là họ phải có năng khiếu, dám từ bỏ nhiều đam mê khác của tuổi trẻ để dấn thân, quả quyết sống và viết... Từ trước tới nay, có những người không phải là người Mường viết về xứ Mường, đó là những người hiểu, yêu văn hóa và có duyên với xứ Mường. Tuy nhiên, họ nghiên cứu về văn hóa Mường nhiều hơn là sáng tác về Mường” - nhà thơ Lê Va chia sẻ.

Ngô Khiêm

Bình luận

ZALO