Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:47 GMT+7

Một Hội An khác trong mùa lũ

Biên phòng - Cứ vào độ cuối năm, khi hoàn lưu của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn ở miền Trung, phố cổ Hội An (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) lại chìm trong mênh mông biển nước. Những con đường biến thành sông, người dân phải dùng đò nhỏ làm phương tiện di chuyển. Nhưng, người Hội An không vì thế mà buồn rầu, trái lại vẫn đầy sự lạc quan và niềm tin yêu cuộc sống.

Vẻ đẹp của phố cổ Hội An những ngày ngập trong nước lũ. Ảnh: Phạm Phùng

Vẫn đẹp mê mẩn trong nước lũ

Nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn, có Cửa Đại giáp với biển, bởi vậy, khi mưa lớn, nước ở thượng nguồn đổ về gây lụt ở Hội An. Nhỏ thì nước lắp xắp, to thì lút mái nhà. Năm nay, sau cơn bão số 8, tỉnh Quảng Nam có mưa lớn trên diện rộng. Tích hợp với lượng mưa do áp thấp nhiệt đới, cơn bão số 5, 6 trước đó nên Hội An lại ngập trong biển nước.

Việc nhà bị ngập không còn là bất ngờ, bởi vậy, trước khi nước về lắp xắp trước cửa, đồ đạc đã được ông Nguyễn Văn Đức (ở đường Bạch Đằng, phố cổ Hội An) cùng các con dọn lên gác và hạ chiếc ghe nhỏ xuống. Việc đi lại của gia đình ông Đức cũng như nhiều người khác trong khu phố phụ thuộc vào những chiếc ghe.

Dòng nước lũ từ thượng nguồn đổ về đỏ au, luồn lách qua những con ngõ nhỏ, phố cổ Hội An bỗng mang một vẻ đẹp rất khác. Những ngày mưa lũ ở Hội An khiến cho không khí ở đây trở nên trầm mặc và nên thơ. Hội An vẫn đẹp theo cách riêng của mình, bởi vậy mà khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, ngày lũ về, người Hội An vẫn “sống khỏe” nhờ làm dịch vụ du lịch. Du khách thích thú với việc ngồi trên chiếc đò gỗ, người lái khua nhẹ mái chèo, bơi dọc theo các con phố ngắm nhìn những ngôi nhà mái cổ rêu phong. Quán cà phê, ăn uống vẫn mở, chỉ là bàn ghế được kê cao hơn. Khách vừa thưởng thức vừa khua chân dưới làn nước. Chút ẩm ướt và bất tiện mỗi khi mưa lũ đến cũng không làm phiền lòng người. Hội An vẫn dập dìu người đi trên phố.

Cô gái trẻ Nguyễn Mai Linh (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) cho biết: “Năm nào cũng vậy, khi biết tin lũ về gây ngập Hội An, em cùng bạn bè lại hẹn nhau đến đây. Năm nay, vì dịch Covid-19 nên lượng khách vắng hẳn. Tuy nhiên, khách vắng lại càng làm cho Hội An mang vẻ yên bình trong sự trầm mặc, cổ kính vốn có. Em tin rằng, ai đã đến Hội An ngày nước lũ sẽ không thể quên được vẻ đẹp khác lạ này”. Mỗi lần đến Hội An, Mai Linh và các bạn đều thuê thuyền dạo loanh quanh trong phố cổ, không ngại đứng dầm trong nước lũ để “checkin”, ghi lại khoảnh khắc của mình trong khuôn hình mái ngói rêu xanh hay trên lan can những ngôi nhà cổ mà theo cô gái trẻ này không dễ gì bắt gặp ở những nơi khác. Đến Hội An những ngày mưa lũ, phố lặng đi trong tiếng mưa tí tách, cảm giác thấm vào tận những thớ gỗ, mái ngói cả trăm năm tuổi. Người ta thấy Hội An trong mưa vừa lạ lùng và buồn nhưng vẫn cảm nhận được sự sang trọng của phố cổ trong mưa.

Thách thức phố cổ trước thiên tai

Có một thực tế là mỗi khi nước lũ về thì chính quyền và các chủ sở hữu di tích, nhà cổ ở Hội An lại mang nỗi lo là các công trình có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng trước tác động của thiên tai. Hiện nay, khu phố cổ Hội An có hơn 1.100 di tích, nhà cổ, trong đó, chủ yếu thuộc sở hữu tư nhân (là nhà ở và nhà thờ họ). Bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, thành phố Hội An dành hàng trăm tỷ đồng cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích đã xuống cấp. Bởi vậy mà di sản Hội An đã cơ bản vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp. Tuy nhiên, các di tích này xây dựng từ lâu lại đang chịu sự tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu như mưa bão, ngập lụt, nước biển dâng, xói lở với cường độ, tần suất ngày càng lớn đã đe dọa nghiêm trọng đến an toàn di tích.

Khi chưa có dịch Covid-19, vẫn có rất nhiều du khách đến Hội An ngày mưa lũ. Ảnh: Phạm Phùng

Lụt thường xảy ra sau khi bão tan, nước lũ từ thượng nguồn đổ về, nước biển dâng cao, rồi việc các nhà máy thủy điện xả lũ đồng loạt đã gây ảnh hưởng xấu đến các công trình di sản văn hóa. Mỗi lần xảy ra lũ lụt, ngôi nhà cổ 200 năm tuổi Tấn Ký (đường Nguyễn Thái Học, phố cổ Hội An) luôn nằm trong vùng ngập sâu nhất vì nằm sát sông Hoài. Người ta vẫn có thể thấy dấu tích của mực nước trong những năm lũ lớn vẫn in dấu trên tường nhà. Có đợt, ngôi nhà cổ Tấn Ký đã bị ngập tới nóc nhà trong suốt 3 ngày. Qua mỗi lần ngập sâu, chủ nhà lại phải làm hồ sơ xin được tu bổ ngôi nhà nhưng vẫn canh cánh nỗi lo việc hư hại và qua nhiều lần sửa chữa sẽ mất đi nét nguyên trạng vốn có của ngôi nhà.

Hằng năm, các cơ quan chức năng thành phố Hội An tiếp nhận hồ sơ xin phép sửa chữa di tích, trong đó, chủ yếu là nhà ở của dân. Tuy nhiên, việc sửa chữa, trùng tu gặp không ít trở ngại, nhất là vấn đề nguyên vật liệu truyền thống. Ngói âm dương vốn được làm từ đất sét nay khan hiếm phải trộn cát vào nên không đảm bảo chất lượng; vữa vôi truyền thống được thay bằng xi măng, cát, qua thời gian sẽ nứt khiến công trình bị thấm, dột; việc mua gỗ để tu bổ cũng trở nên khó hơn...

Đã từng có ý kiến đắp con đê bao quanh đô thị cổ Hội An, song giải pháp này khó khả thi vì liên quan kinh phí làm đập, rồi những tác động đến môi trường, ảnh hưởng đến vẻ đẹp thơ mộng của Hội An. Phố cổ Hội An là “di sản sống” có hơn 3.000 nhân khẩu sinh sống trong đó, bởi vậy, làm bất cứ cái gì, liên quan đến vấn đề bảo tồn cũng phải tính đến lợi ích của người dân.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO