Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:41 GMT+7

Một gia đình có 3 thế hệ là lính Biên phòng

Biên phòng - Nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) năm 1963, Đại tá Phan Thanh Long, nguyên Phó Chỉ huy trưởng về chính trị BĐBP Quảng Ngãi (từ năm 1989- 2001) đã trực tiếp tham gia chiến đấu, công tác trên 3 tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Campuchia. Trải qua gian khổ, hy sinh, nhưng ông vẫn động viên con trai và cháu nội nhập ngũ vào lực lượng BĐBP. Đến nay, lực lượng BĐBP tròn 60 tuổi, gia đình ông đã có 3 thế hệ gắn với đường biên, mốc giới và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

1v75_26a
Đại tá Phan Thanh Long xem tư liệu về chiến tranh biên giới và nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: Văn Tánh

Tình nguyện nhập ngũ từ bài thơ của Lưu Trùng Dương

Năm nay, Đai tá Phan Thanh Long đã tròn 76 tuổi. Lứa tuổi mà trí và lực đã cạn dần, không cho phép ông nhớ nhiều. Thế nhưng, khi nhắc đến 2 từ “Biên phòng” là ông nhớ như in những ký ức về biên giới, hải đảo mà mình đã từng kinh qua. Ngồi ngắm nghía những kỷ vật, ông lại bồi hồi nhớ về một thời gian nan và đầy tự hào của người chiến sĩ Biên phòng. Ông nói, mình là học sinh miền Nam ra Bắc học tập, nên không phải diện thực hiện nghĩa vụ quân sự, cứ lo học tập chờ ngày giải phóng trở về miền Nam xây dựng đất nước.

Thế nhưng, vào năm 1963, khi ông cùng bạn bè học môn văn học, cô giáo cho bình giảng bài thơ “Đáng sống bao nhiêu một ngày vì cách mạng” của nhà thơ Lưu Trùng Dương viết về người chiến sĩ CANDVT. Chính bài thơ đã làm ông quyết định nhập ngũ ngay trong đầu hè năm đó và nó cũng đi cùng ông cho đến suốt cuộc đời. Trở lại ký ức về đời binh nghiệp của mình, bằng giọng nói chậm rãi, cựu chiến binh Phan Thanh Long trải lòng: “Ít có người chiến sĩ Biên phòng nào lại được chiến đấu, công tác trên cả 3 tuyến biên giới như tôi. Tháng 12-1963, tôi được trên điều về công tác ở một đồn CANDVT ở miền Tây Nghệ An. Tại đây, tôi mới thực sự trải nghiệm về những gian khổ của người lính Biên phòng, nó khác biệt với những tháng ngày là học sinh, được ăn uống no đủ”. Như để minh chứng những khó khăn thời ấy, ông đọc đoạn thơ của nhà thơ Lưu Trùng Dương: “Những chiến sĩ Biên phòng/ Đứng chon von dưới trời cao biên giới/ Chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”.

Công tác ở miền Tây Nghệ An gần một năm thì ông được chọn đi học tại Trường Sĩ quan CANDVT (nay là Học viện Biên phòng). Tốt nghiệp ra trường, chàng sĩ quan trẻ Phan Thanh Long nhận công tác ở biên giới tỉnh Quảng Ninh. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong khi mọi người về phục vụ quê hương thì ông Long vào biên giới tỉnh Long An chiến đấu chống quân Pôn Pốt. Xuôi ngược, vào Nam, ra Bắc, đến năm 1989, ông mới chính thức được điều động về BĐBP Quảng Ngãi, với chức danh là Phó Chỉ huy trưởng về chính trị.

Gần 40 năm gắn bó với lực lượng BĐBP, người cán bộ chính trị đi qua 2 cuộc chiến tranh luôn giữ vững phẩm chất của người quân nhân cách mạng, nỗ lực cống hiến cho đến ngày rời quân ngũ. Chuyện trò với tôi, Đại tá Phan Thanh Long cho biết: “Lúc mới về nghỉ hưu, anh Hoàng Xuân Lương ở Nghệ An có lòng mời tôi về thăm đồn cũ ở Quỳ Châu. Hay gần đây, anh Phan Văn Út, ở Long An gọi điện thoại, trách tôi rời khỏi Long An là đi luôn, không trở lại Mộc Hóa thăm Đồn Biên phòng Long Khốt, nơi tôi đã từng chiến đấu chống quân Pol Pot bảo vệ biên giới. Anh Út bảo tôi cố gắng về với anh em một chuyến”. Nói xong, đôi mắt vị Đại tá một thời chinh chiến trên biên giới ngân ngấn lệ. Giây phút xúc động đi qua, ông tiếp tục bộc bạch: “Anh em họ mời nhiều và nhiệt tình lắm, vậy mà cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thực hiện được chuyến đi nào bởi tuổi già, sức yếu, đi lại khó khăn”.

Chung một lý tưởng, niềm tin cống hiến

Thời còn công tác, Đại tá Phan Thanh Long động viên con mình cố gắng giữ gìn và phát huy truyền thống gia đình. Ông nói với con, bố đã từng công tác ở nhiều tuyến biên giới của cả nước. Khổ cực, gian nan cũng nhiều, nhưng cái được là tình thương yêu của bà con các dân tộc trên khu vực biên giới. Với bố, họ là anh em ruột thịt, con cố gắng học hành rồi nối nghiệp bố bám đường biên, mốc giới, chung sống với bà con bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Vâng lời bố, năm 1990, khi mới vừa tròn 18 tuổi, Phan Quang Hải, con trai ông Long viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào BĐBP.

Hơn 28 năm học tập, công tác trong lực lượng, anh được cấp trên phong quân hàm Thượng tá và giữ chức Chính trị viên ở đồn Biên phòng Sa Huỳnh Anh hùng của BĐBP Quảng Ngãi. Công tác ở một đồn Biên phòng có bề dày truyền thống, anh luôn nỗ lực cống hiến để xứng đáng với các thế hệ cha anh đi trước. Là cán bộ chính trị, Phan Quang Hải gần gũi, động viên cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, phấn đấu xây dựng đơn vị ngày một đi lên. Anh nói: Ông bà xưa có câu: “Đầu xuôi thì đuôi lọt”, làm người chỉ huy phải sống trung thực, làm việc hết mình để mọi người tôn trọng, noi gương. Thật vậy, khi được hỏi về người chính trị viên đơn vị, Thiếu tá Phạm Ngọc Quang, cán bộ trinh sát Đồn Biên phòng Sa Huỳnh cho hay: “Anh ấy sống chân thành, giúp đỡ nhiều người trong công tác cũng như trong cuộc sống, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị”.

ig3j_26b
Đại tá Phan Thanh Long cùng con trai, Thượng tá Phan Quang Hải thăm cháu là Phan Trung Hiếu đang công tác tại Đồn Biên phòng Đức Minh. Ảnh: Văn Tánh

Tiếp nối thế hệ ông, cha, con trai Phan Quang Hải là Phan Trung Hiếu cũng lên đường nhập ngũ vào BĐBP Quảng Ngãi và được cấp trên điều động về công tác ở Đồn Biên phòng Đức Minh. Hôm gặp Thượng tá Phan Quang Hải, tôi hỏi anh sao không xin cho cháu về cùng đồn để cha con có nhau. Anh nói với tôi: “Mình sinh con, nhưng phần lớn thời gian nó ở với ông nội, cha con ít gần nhau nên tính khí nó cũng khác so với bạn bè cùng trang lứa. Khi con nhập ngũ, tôi cũng định xin cấp trên cho về đơn vị mình, để thay ông già dạy dỗ cháu. Nghĩ là vậy, song sợ nó ỷ lại không phấn đấu, rồi sau này khó khăn cho cháu. Với lại, đơn vị nào cũng vậy thôi, là chỉ huy ai cũng giáo dục cho chiến sĩ mình điều hay, lẽ phải chứ không ai dạy cái hư. Có khó khăn, rèn luyện thì mới trưởng thành được”. Tuy nhiên, anh không phải lo nhiều, vì con trai anh luôn lấy tấm gương của ông, cha mình để rèn luyện, phấn đấu. Ở đơn vị ngoài nhiệm vụ “anh nuôi”, Hiếu còn xung phong tham gia tuần tra bảo vệ an ninh trật tự cho nhân dân.

Ba thế hệ quân nhân, 3 người trong một gia đình đều chung một lý tưởng, niềm tin cống hiến cho Tổ quốc. Dù ở cương vị công tác nào, họ cũng đều tuyệt đối trung thành với Tổ quốc với nhân dân và có những đóng góp quan trọng, góp phần xây dựng lực lượng BĐBP Quảng Ngãi.

Lực lượng BĐBP vừa tròn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Trên những nẻo đường biên cương của Tổ quốc mà người lính quân hàm xanh đi qua, luôn có dấu chân của những người trong trong gia đình Đại tá Phan Thanh Long. Họ đã đóng góp một phần công sức của mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới mà BĐBP là lực lượng chuyên trách, nòng cốt.

Văn Tánh

Bình luận

ZALO