Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:51 GMT+7

Một dòng sông Y Phương

Biên phòng - Những năm gần đây, chúng ta đã có các cây bút trẻ tài năng của các dân tộc thiểu số và khẳng định được tên tuổi như: Bùi Thị Tuyết Mai, Nông Quang Khiêm, Nie Thanh Mai, Lý Hữu Lương, Lục Mạnh Cường, Triệu Hoàng Giang… Để lớp trẻ có được thành công đó, phải kể đến sự động viên, khích lệ và dìu dắt của thế hệ đi trước, những cây bút gạo cội, đi đầu trong việc đặt nền móng cho phong trào sáng tác ở các địa phương như: Nông Quốc Chấn, Lò Ngân Sủn, Mai Liễu, Mã A Lềnh, Y Phương… Trong số đó, Y Phương là một nhà thơ thật đặc biệt, từ phong cách sáng tác đến những kỉ niệm của đời thường.

Nhà thơ Y Phương (phải) và tác giả Bùi Việt Phương (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Ngô Khiêm

Vào một đêm tháng Giêng, tôi bất ngờ khi được tin nhà thơ Y Phương đã đột ngột qua đời trên trang Facebook của nhà thơ Trần Hùng. Một điều mà đến giờ, người viết vẫn không thể nào tin nổi, bởi sức sống của những trang viết vẫn như dòng nhựa đang chuyển động trong cây lá của mùa Xuân này. Tôi chưa một lần được đến Cao Bằng, nhưng miền đất này với tôi là những gì tha thiết nhất qua thơ Y Phương: “Ơi cái làng của mẹ sinh con/ Có ngôi nhà xây bằng đá hộc/ Có con đường trâu bò vàng đen đi kìn kịt/ Có niềm vui lúa chín tràn trề/ Có tình yêu tan thành tiếng thác” (Tên làng).

Gốc gác, cội nguồn của một thi nhân vốn đơn giản, mộc mạc mà thiêng liêng như thế. Nhà thơ Y Phương có tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước. Ông sinh năm 1948 ở làng Hiếu Lễ, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, cùng bạn bè đồng trang lứa, ông nhập ngũ năm 1968, sau đó đã theo học Trường Điện ảnh Việt Nam. Những bài thơ như: Bếp nhà trời, Dáng một con sông... đã đưa ông đến với thi ca từ năm 1973. Năm 1981, ông chuyển sang ngành Văn hóa ở Cao Bằng, tiếp tục học khóa II (1982-1986) Trường Viết văn Nguyễn Du. Nhà thơ Y Phương từng trải qua các cương vị: Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI. Ông vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2007.

Có một tầm vóc thi ca như thế, nhưng ở ngoài đời, những người hàng xóm ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc chỉ biết đến một người đàn ông cao lớn, hào hoa và giản dị như bao người cán bộ khác. Với những người bạn văn thì có một Y Phương tài hoa, uyên bác và hết sức khiêm tốn, cầu thị. Khác với nhiều cây bút dân tộc thiểu số, nhà thơ của “gió Phủ Trùng” chọn cách viết rất đại chúng, rất đơn giản để chuyển tải một thông điệp văn hóa dân tộc mình. Bản sắc với ông nằm ở cách tư duy nhiều hơn là câu chữ.

Lối viết giản dị, nhưng không đơn điệu cứ thế đưa Y Phương đến với người đọc ở mọi lứa tuổi và cung bậc cảm xúc trên hành trình của những: Nói với con (Trường ca, 1980); Người núi Hoa (1982); Tiếng hát tháng Giêng (1986); Lửa hồng một góc (1987); Lời chúc (1991); Đàn then (1996); Thơ Y Phương (2002)... Dù đi tới đâu, dù nghe được điều gì thì ông đều nghĩ cho người làng mình, thương người dân của mình: “Anh rước tượng Puskin về ở nhà mình/ Cho em và các con được thấy hàng ngày” (Tượng Puskin)... Nét tiêu biểu nhất trong thơ ông là tình yêu quê hương và gia đình: Ông yêu từ cái tên làng, sắc áo chàm, mùa hoa, tiếng hát dân ca... đến từng bước chân con tập đi, ngày con tới lớp... và đương nhiên không thể thiếu hình ảnh người vợ thủy chung, tảo tần: Em hiền lành/ Em chậm chạp/ Em đội chum rượu đến với anh/ Người con gái có bàn chân to khỏe/ Đạp qua bao nhiêu đau khổ/ Đến với anh/ Em đã nở cho anh một cô nàng đa cảm nữa (Em - cơn mưa rào - ngọn lửa).

Đằng sau tất cả những tình cảm ấy, Y Phương còn là nhà thơ với tình yêu Tổ quốc và nền hòa bình mà chính ông từng là một người cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Đã từng là người dân giữ đất, đã từng là người lính cầm súng, ông chỉ cần 3 câu thơ đủ viết nên một Tổ quốc thiêng liêng mà gần gũi: Ai cũng như con Tằm/ Nhả tơ cho dân tộc mình/ Tổ quốc Việt Nam vàng ươm (Tổ quốc).

Với ông, mùa Xuân đẹp nhất cũng là mùa xuân giữ gìn biên cương Tổ quốc, thể hiện lòng yêu nước, yêu nền hòa bình và sự bình yên của quê hương: Mùa Xuân này mẹ cho tháng Giêng/ anh em ra chiến hào/ chiến hào mới đào/ đất bừng máu đỏ/ hướng súng ngược chiều gió... (Tiếng hát tháng Giêng).

Trong những năm tháng cuối đời, sau khi nghỉ công tác ở Cơ quan thường trực Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ không chọn cách an nhàn mà bước vào những thử thách mới. Tôi biết, ông còn dành thời gian theo học chữ Hán, học thư pháp, ông thường được mời nói chuyện về thơ cho các trại sáng tác và các lớp bồi dưỡng sáng tác. Ngoài thơ và trường ca, chúng ta còn có một Y Phương của thể tản văn với lối viết nhẩn nha, điềm tĩnh mà vẫn sâu sắc, đằm thắm. Một lần, ông gửi cho tôi bài tản văn có tên “Sông bơi quanh núi”, bài viết có đoạn như thế này: “Tôi lại nhớ đến các con sông quê hương Trùng Khánh gắn bó với tuổi thơ một thời. Con sông nào cũng nhỏ bé, nhút nhát và hiền lành. Nhưng rất ít người biết vẻ đẹp nguyên sơ của nó. Ban đêm, sông trườn mình như con trăn khổng lồ dưới ánh trăng óng ánh vẩy bạc. Còn ban ngày, sông nhởn nhơ chảy trôi giữa các triền núi đá vôi. Trên bờ sông là những nản đá tai mèo xùm xòa lá hoa. Bên trong lùm lá hoa có nhiều đôi vượn ca vít đang chú chí làm tình. Sông đi qua “vương quốc” êm đềm và lãng mạn như thế thì làm sao mà nổi nóng giận dữ được”.

Không ngờ, đó là lần cuối cùng tôi nhận được trang viết của ông. Dường như cuộc đời nhà thơ cũng lặng lẽ như một dòng sông nhỏ, cứ thế mải miết rồi xa khuất lúc nào không hay, để lại sự nuối tiếc khôn nguôi. Nhưng chính dòng sông ấy đã để lại bao “phù sa” màu mỡ cho văn chương Việt Nam tự bao giờ.

Bùi Việt Phương

Bình luận

ZALO