Biên phòng - Bước ngoặt lớn nhất xảy ra trong cuộc đời binh nghiệp của đạo diễn điện ảnh Phùng Bá Gia là năm 1959, ông chuyển nghề từ một sĩ quan trinh sát sang làm phóng viên nhiếp ảnh. Cuối năm 1959, cơ quan Cục Chính trị Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) đang xúc tiến hoàn chỉnh bộ máy tổ chức, cần thành lập một tổ phóng viên nhiếp ảnh nhưng chưa tìm ra nhân sự. Có ai đó phát hiện Trung úy Phùng Bá Gia, cán bộ Cục Trinh sát có năng khiếu chụp ảnh nghiệp vụ. Vậy là trinh sát viên Phùng Bá Gia được bố trí làm Tổ trưởng Tổ nhiếp ảnh, thuộc Phòng Tuyên huấn.
![]() |
Tuần tra. Ảnh: T.L |
Ngay từ thời tổ chức mới sơ khai, lãnh đạo Cục Chính trị, tiêu biểu là Cục trưởng Nguyễn Ngọc Châu đã ôm ấp một ý tưởng tốt đẹp và một kế hoạch lâu dài về việc xây dựng một đội ngũ văn nghệ sĩ phục vụ đắc lực cho công tác Đảng, công tác chính trị. Năm 1962, nhân dịp Bộ Văn hóa mở trường Điện ảnh, Cục đã cử Tổ trưởng nhiếp ảnh Phùng Bá Gia tham gia khóa I. Tác phẩm tốt nghiệp của Phùng Bá Gia là bộ phim tài liệu “Trên thao trường” được chiếu trên màn ảnh nhỏ đã giới thiệu hoạt động của lực lượng CANDVT một cách xuất sắc và được đông đảo khán giả khen ngợi.
Ngay sau khi khóa I trường Điện ảnh bế mạc, qua “cầu nối” của nghệ sĩ Phùng Bá Gia, Cục Chính trị CANDVT và trường Điện ảnh Việt Nam đã liên kết sản xuất bộ phim truyện “Trên vĩ tuyến 17”. Tham gia Đoàn làm phim có thành phần cán bộ CANDVT là nhà quay phim Phùng Bá Gia, Phó Chủ nhiệm Lê Tín, diễn viên Mai Ngọc Căn và tôi được cử làm cố vấn.
Những ngày tác nghiệp ở Cửa Tùng, cùng làm việc với nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Lâm Tới, Trần Phương, Nguyễn Trọng Khôi, Lý Thái Bảo, Lưu Xuân Thư, nhà quay phim Phùng Bá Gia đã được tập thể quý mến bởi đức tính giản dị, trung thực, nhạy bén. Đặc biệt, trước một đối phương là cảnh sát ngụy chuyên gây sự, phá đám, Phùng Bá Gia đã mưu trí giấu máy quay phim sau tấm rèm ngụy trang trên một chiếc thuyền để thực hiện cảnh quay cảnh bọn cảnh sát ngụy rời bờ Nam sang bờ Bắc gác liên hiệp. Ngày 5-8-1964, khi Đoàn làm phim đang quay ở Cửa Hội (Nghệ An) thì xảy ra vụ máy bay Mỹ đến ném bom, bắn phá dọc sông Lam. Với đức tính dũng cảm, bình tĩnh của một người lính chiến đấu, Phùng Bá Gia đã điều hành việc phòng tránh chu đáo, cả đoàn ai cũng khen.
![]() |
Phóng viên Đoàn Điện ảnh BP tác nghiệp tại nghĩa trang Đường 9, Quảng Trị. Ảnh: T.L |
Sau trận Hàm Rồng, khi vừa lành vết thương, nghệ sĩ Phùng Bá Gia dẫn một tổ biên kịch và quay phim vào tuyến lửa Quảng Bình. Đoàn lên đường đúng lúc đế quốc Mỹ lần đầu tiên ném bom B.52 xuống miền Bắc, mục tiêu là Đồn BPCK Cha Lo. Trước khi đi, Phùng Bá Gia gợi ý với tôi: “Trận B.52 ở Cha Lo, Quảng Bình đáng được ghi tư liệu”. Trước sự gợi ý ấy, tôi đã bàn bạc với đạo diễn Nguyễn Tự mang máy quay lên Cha Lo. Kết quả của sự cộng tác giữa người biên kịch và nhà đạo diễn, quay phim đã cho ra đời bộ phim tài liệu “Trạm gác tiền tiêu”. Bộ phim được Bộ Văn hóa - Thông tin chọn đi dự Liên hoan phim tài liệu ở Lép-dích (CHDC Đức) và được trao giải thưởng Giô Rít I-ven.
Duyên nợ nghề nghiệp giữa tôi và đạo diễn Phùng Bá Gia chưa dừng lại ở đó. Năm 1970, hai năm sau khi có quyết định sáp nhập Đoàn chiếu bóng và tổ quay phim, thành lập Đoàn Điện ảnh CANDVT, tôi được bố trí làm Đoàn trưởng thay đồng chí Thái Phi. Một điều cực kỳ may mắn cho tôi trong công tác quản lý là bên cạnh đồng chí Đoàn phó phụ trách chiếu bóng Trần Thành Nam già dặn kinh nghiệm, còn có Đoàn phó phụ trách quay phim Phùng Bá Gia cực kỳ nhanh nhạy và vững tay nghề. Sự cộng tác trong công tác quản lý càng thúc đẩy sự cộng tác trong sáng tác điện ảnh. Chúng tôi cùng làm việc bên nhau trong ba bộ phim tài liệu: “Làm theo lời Bác”, “Chặng đường biên giới” và “Ngọn cờ Hiền Lương”.
Bộ phim “Ngọn cờ Hiền Lương” đã được tặng Bằng khen tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II. Năm 1971, sau khi tôi được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam, đồng chí Dương Minh Đẩu, Ủy viên Thường vụ Hội Điện ảnh Việt Nam nói với tôi: “Lời giới thiệu của đạo diễn Phùng Bá Gia có sức nặng với Ban chấp hành đấy. Tài năng tổ chức và sáng tác của đạo diễn Phùng Bá Gia nổi bật nhất trong chiến dịch Hè 1972 ở Quảng Trị. Ông đã dẫn một đoàn làm phim CANDVT theo chân chiến sĩ an ninh vũ trang vào chiến trường vượt qua bom đạn B.52 quay được những thước phim quý giá dựng lên bộ phim “Quê hương tôi giải phóng” và nhiều phim tài liệu khác. Giữa hai chúng tôi, hai người đồng hương càng có sự gắn bó mật thiết hơn. Chưa kể vợ đạo diễn Phùng Bá Gia, bà Lý Thị Ngọc Yến lại là cô giáo cấp I của ba đứa con tôi. Nói đến bà Yến là nói đến trụ đỡ công việc nhà tuyệt vời của một phụ nữ chăm lo vun bón cho sự nghiệp của chồng. Hai ông bà có cả thảy 7 mặt con, nhưng tôi dám chắc không mấy bận bà Yến vượt cạn, đạo diễn Phùng Bá Gia có mặt ở nhà để đỡ đần vợ con.
Là con chim đầu đàn xây dựng tổ nhiếp ảnh và là con chim đầu đàn xây dựng Đoàn Điện ảnh CANDVT (nay là BĐBP), Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú Phùng Bá Gia xứng đáng với sự mến mộ của cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các đồng nghiệp. Có thể dẫn lời Đại tá Nguyễn Văn Chức, nguyên Cục trưởng Cục Trinh sát BĐBP để đánh giá khái quát về đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Phùng Bá Gia: “Đó là một người nghệ sĩ sống giản dị, chan hòa với mọi người, nhạy bén trong sáng tác, lao tâm khổ tứ với nghề và vô cùng chung thủy với đồng đội”.