Biên phòng - Tôi sinh ra, lớn lên nơi một vùng quê trên đất Phú Yên, vậy nên từ nhỏ đã không lạ gì món bánh canh, thứ quà quê được bày bán ở mọi chợ quê - cả nơi những gánh hàng rong chạy ngược chạy xuôi, nhất là vào mùa gặt.

Bánh canh quê ngày ấy nấu khá là đơn giản: cứ hệt như một... nồi canh (thịt hoặc cá) nấu cùng những sợi bánh canh (làm từ bột gạo) tròn như chiếc đũa, to đùng! Bột từ sợi bánh tan một phần vào nước khiến bát bánh canh hóa sền sệt như hồ, ăn chưa chi đã phát ngán. Nhớ một lần được mẹ dắt đi ăn bánh canh mặn, tôi ăn xong lần đó là... cạch, không bao giờ đụng tới món bánh canh lần nữa. Đi đó đi đây, thi thoảng được mời bánh canh ngọt (nấu với đường), tôi còn đụng đũa, chứ bánh canh mặn thì không!
Đương nhiên ngày đó, Phú Yên chưa có bánh canh hẹ.
Lần đầu đi qua những hàng quán treo biển “bánh canh hẹ” là khi tôi đã bước vào độ tuổi trung niên. Tôi không để ý lắm, bởi từ lâu đã mặc định dị ứng với hai từ “bánh canh” rồi. Vậy nhưng, cũng tới lúc tôi được bạn bè mời đi... chiêu đãi. Từ chối không tiện, đành bước vô quán, bụng nghĩ: thôi, coi như bấm bụng chiều bạn, nhân thể tìm chút ký ức xưa cũng không thừa!
Nhìn tô bánh canh hẹ được mang ra, mặt nổi xanh um những hẹ, tôi hơi chờn, nhưng mùi khói thơm lừng bốc lên, thoảng qua mũi nghe có vẻ hấp dẫn. Cầm đũa gạt lớp hẹ xanh, bên dưới là chả cá vàng ươm, trứng cút long lanh và những sợi bánh canh trắng mượt mà nằm xếp lớp. Thử đưa lên miệng một muỗng nước: vị ngọt đậm đà, thơm phức hành tiêu quả không kém cạnh vị nước lèo của những hàng bún phở danh tiếng tôi từng được nếm qua. Quan trọng hơn, thứ nước lèo này được xử lý khá trong, không sền sệt bột hồ như món bánh canh từng ám ảnh tôi trong quá khứ!
Vị ngọt thân thiện kia khiến tôi được đà, mạnh dạn cầm đũa, muỗng xóc đều các món trong tô bánh canh nóng hổi, thơm lừng, gắp nhẩn nha thưởng thức từng miếng một. Ngon. Vẫn mơ hồ chút vị bánh canh quen thuộc, nhưng nó đã được nâng lên tầm cao - mà không, phải nói rất cao, rất khác - bởi vị, bởi hương từ những phụ gia trước kia chưa hề có như giá đỗ, nấm rơm, tương ớt và đặc biệt, với món gia vị chủ lực làm nên “thương hiệu” bánh canh: hẹ!
Hẹ được thái nhỏ, rải dày trên mặt tô bánh canh và còn sẵn sàng cho thêm nếu thực khách có nhu cầu! Đúng, món bánh canh hẹ chắc chắn sẽ không ngon nếu không được ăn kèm nhiều hẹ. Người không quen ăn hẹ có thể lần đầu hơi bị sốc, nhưng quen rồi thì... nghiền. Vị hẹ hăng, nồng cay, thơm kích thích vị giác, trung hòa bớt cái ngọt ngào ngậy béo của thịt cá, nước lèo. Ai ăn cay được có thể thêm vào tô chút tương ớt sẽ càng thêm hấp dẫn. Mùa đông, kêu tô bánh canh hẹ nóng cho hơi nhiều ớt, vừa ăn, vừa hít hà, mồ hôi túa dưới chân lông đảm bảo sẽ không còn thấy lạnh.
Thêm “điểm cộng” cho bánh canh hẹ đất Phú Yên là có giá rất mềm: chỉ 15, 20 ngàn một tô. Cá biệt có nơi dân dã bán “giá vỉa hè” 10 ngàn cũng có được tô bánh canh hẹ rẻ mà ngon. Vị, hương thơm mộc mạc mà nồng nàn khó lẫn, khó quên - như tình người dân đất Phú Yên vậy...
Y Nguyên