Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 06:14 GMT+7

Mòn mỏi chờ bảo hiểm tàu cá

Biên phòng - Chúng tôi gặp ngư dân Phạm Phú Thành, thôn Bình Tân, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam một cách rất tình cờ. Hôm đó trời nắng rát bỏng, anh Thành ngồi ngoài hiên nhà đọc báo bằng máy tính bảng, một hình ảnh hiếm gặp ở ngôi làng mà đàn ông quanh năm bám biển. Tôi nhớ mãi câu nói buồn rười rượi của anh: "Đang giữa mùa biển mà không có tàu để làm. Cuộc đời tôi chưa bao giờ rơi vào tình cảnh như bây giờ".

zv59_11b
Tàu của anh Thành bị đâm chìm khi đang hành nghề câu mực ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ảnh do các ngư dân cung cấp.

Đêm kinh hoàng

Anh Thành trở thành người thất nghiệp từ đầu tháng 5, khi phương tiện đánh cá duy nhất của gia đình bị tàu Trung Quốc đâm chìm trong lúc đang câu mực tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ánh mắt anh lộ rõ nỗi thất thần khi nhớ lại đêm kinh hoàng đó. "Chiều ngày 3-5, khi đang xác định vị trí thả neo để chuẩn bị thả thúng câu mực, tôi phát hiện một tàu lạ, màu xanh đậm cách khoảng 2 hải lý. Trước đây câu mực ở vùng biển này đã có lần bị tàu Trung Quốc vô cớ rượt đuổi, đe dọa nên tôi cho tàu chạy cách chiếc tàu kia khoảng 8 hải lý. Tôi thả thúng cho 31 thuyền viên câu mực và tắt máy thả trôi tàu. Trên tàu lúc này còn tôi và hai con trai. Khoảng 23 giờ, chúng tôi đang nằm nghỉ trên ca bin tàu thì bất ngờ bị tàu vỏ sắt trên mạn có chữ Trung Quốc đâm mạnh vào phần mũi rồi bỏ đi ngay sau đó".

Bị đâm bất ngờ, bố con anh Thành không kịp trở tay. Ở thời điểm sinh tử đó, anh chỉ kịp dùng máy ICOM thông báo cho

"Năm nào tôi cũng mua bảo hiểm cho tàu mất mấy chục triệu đồng. Khi tàu bị đâm chìm, tôi đã nộp giấy chứng nhận bảo hiểm, giấy đăng kiểm, sổ hành trình, bằng thuyền trưởng, máy chính, biên bản báo cáo thiệt hại… Hồ sơ giấy tờ tôi nộp đầy đủ đúng quy định của Nhà nước, nhưng phía bảo hiểm vẫn chưa có ý kiến trả lời. Tôi nóng ruột quá, mấy lần lên tận cơ quan bảo hiểm hỏi, nhưng họ vẫn bảo phải chờ. Tôi không biết phải chờ đến bao lâu nữa. Đang mùa làm ăn mà phải ngồi nhà ngóng ra biển, đây là nỗi khổ lớn nhất của người ngư dân"

 Anh Thành chia sẻ trong sự thất vọng.

các thuyền viên đang câu mực biết tàu đã bị tông chìm. Hơn nửa cuộc đời gắn bó với biển cả, nhiều lần đối mặt với thiên tai, hoạn nạn trên biển, từng thoát chết trở về sau siêu bão Chan Chu năm 2006, từng bị tàu Trung Quốc rượt đuổi nhiều lần và xịt vòi rồng vỡ hết kính, cháy máy ICOM không liên lạc được, nhưng chưa khi nào anh Thành có cảm giác hoảng sợ như lần này. Anh lo nhất là tính mạng của hai con trai anh.

"Đứa lớn 23 tuổi, đứa nhỏ mới 16 tuổi. Đây là lần thứ hai con trai út của tôi ra biển. Tàu chìm rất nhanh. Giàn phơi mực quá dày, 3 cha con tôi mắc kẹt trong tàu. Tôi rất sợ nhưng cố giữ bình tĩnh, động viên hai con dùng hết sức phá một lỗ ở giàn phơi để thoát ra. Cuối cùng 3 cha con tôi cũng thoát ra được. Trong khoảng lặng tối đen của biển cả, thời gian như dài vô tận, bất chợt chúng tôi nghĩ tới nhiều tình huống khác nhau. Chỉ có mấy chiếc can nhỏ, không có lương thực, không có nước uống, nếu bạn thuyền không quay về kịp, chúng tôi sẽ ra sao. Có lúc các con tôi lo lắng nghĩ đến cái chết giữa biển khơi. Tôi thương các con vô cùng vì chúng còn quá trẻ" - anh Thành nhớ lại.

Tới khoảng 4-5 giờ sáng, ngày 4-5, các bạn thuyền mới bơi thúng về vớt bố con anh Thành lên. Lúc này, 3 cha con anh mới dám chắc là mình còn sống. Tàu Qna 94998 TS của ông Phạm Phú Trung đang câu mực cách vị trí tàu anh Thành bị đâm chìm khoảng 8 hải lý, nhận được thông tin cầu cứu đã nhanh chóng thu thúng, tập trung thuyền viên, tổ chức cứu nạn. Đến 8 giờ, ngày 4-5, tàu ông Trung tới được vị trí tàu anh Thành bị nạn, đưa các thuyền viên lên tàu an toàn và chạy về bờ. Khoảng 2 giờ sáng, ngày 5-5, tàu SAR 412 của Trung tâm Phát hiện tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Khu vực 2 tiếp cận tàu ông Trung, chuyển các thuyền viên của tàu anh Thành lên tàu SAR đưa vào cảng Đà Nẵng.

Mong được ra biển từng ngày

Con tàu 750CV của anh Thành mới đóng được 4 năm. Con tàu trị giá hơn 3 tỉ đồng là sinh kế của cả gia đình anh và hơn 30 bạn thuyền khác. Ngư trường truyền thống của những ngư dân này là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chuyến đó, tàu anh Thành ra biển còn thiếu 2 ngày là đủ 2 tháng. "Tàu tôi câu được khoảng 30 tấn mực rồi. Tôi dự định làm thêm vài ngày nữa sẽ cho tàu về. Bạn thuyền ai cũng phấn khởi vì chuyến này câu được kha khá. Không ai ngờ…" - anh Thành bỏ lửng câu nói.

57a00d7d2e7fb6de27000a76
Anh Thành kể lại chuyến đi biển sinh tử cách đây gần 3 tháng.

Theo anh Thành, giá trị con tàu và những tài sản trên đó vào lúc tàu bị đâm chìm ước tính khoảng 6 tỉ đồng. Cả gia tài bị mất trắng chỉ trong một đêm khiến cuộc sống của gia đình anh bị đảo lộn. "Mặc dù nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội sau khi gặp nạn, nhưng cuộc sống bây giờ của gia đình tôi rất khó khăn. Bạn thuyền chung với tôi bao nhiêu năm nay mỗi người một nơi. Hai con trai tôi phải ra Đà Nẵng làm thuê ở quán cơm kiếm tiền giúp gia đình trang trải cuộc sống. Còn vợ chồng tôi chưa biết làm gì để trả khoản tiền nợ đóng tàu hơn 1 tỉ đồng, nói gì tới việc vay tiền đóng tàu mới. Tình cảnh này khiến chúng tôi lâm vào bế tắc, không biết xoay xở sao nữa" - vợ anh Thành giãi bày nỗi lòng.

Tia hy vọng duy nhất của vợ chồng anh Thành hiện giờ là được chi trả khoản tiền bảo hiểm tàu. Thế nhưng, đến nay đã gần 3 tháng trôi qua, anh vẫn chỉ nhận được câu trả lời duy nhất "phải chờ", dù hồ sơ đã nộp đủ.

Thực tế, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trong đó có chính sách bảo hiểm tàu cá. Nhưng những vướng mắc từ thực tiễn đang khiến cho nhiều ngư dân đã gặp rủi ro như anh Thành vẫn chưa hoặc chậm được bồi thường để vượt qua khó khăn.

Trước khi chia tay, anh Thành chia sẻ rằng: "Chúng tôi sống vì biển. Nước biển mặn mòi đã thấm vào trong máu thịt tôi rồi. Tôi chỉ muốn sớm được chi trả bảo hiểm để đóng tàu tiếp tục đi biển". Ước nguyện của người ngư dân can trường này là rất xứng đáng. Rất mong công ty bảo hiểm có những động thái tích cực hơn trong việc triển khai bồi thường cho anh Thành để anh có thể tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO