Biên phòng - Sau khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động gửi nhiều thư, điện văn đến Liên hợp quốc và nhiều Chính phủ trên thế giới, trong đó có người đứng đầu Chính phủ Pháp, Tổng thống Mỹ, Thống chế Tưởng Giới Thạch..., nêu rõ quan điểm của Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình và muốn lập quan hệ ngoại giao với các nước.

Ngăn chặn chiến tranh
Cuối năm 1945, Việt Nam vừa tuyên bố độc lập, có bao nhiêu việc cấp bách trong nước phải làm để xây dựng một Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Thế nhưng, Bác vẫn đặc biệt coi trọng việc tăng cường đoàn kết quốc tế, nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Người đã gửi thư, điện, công hàm ngoại giao đến nhân dân và Chính phủ nhiều nước trên thế giới, trước hết là gửi giai cấp công nhân và nhân dân tiến bộ Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi công điện đến người đứng đầu Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Pháp, tướng Đờ-gôn, bức điện viết: “Xin hân hạnh báo với Ngài, Chính phủ lâm thời Cộng hòa Việt Nam đã được thành lập sau khi Nhật Bản đầu hàng và Hoàng đế Bảo Đại thoái vị. Chính phủ chúng tôi gồm các thành viên cộng hòa của ba xứ Việt Nam với quyết tâm bảo vệ nền độc lập Việt Nam bằng mọi biện pháp, cam kết bảo đảm an ninh tính mạng và tài sản của người nước ngoài ở toàn cõi Việt Nam trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng. Chúng tôi phản đối việc quân đội Pháp xâm nhập lãnh thổ Việt Nam và đề nghị Ngài ban bố những chỉ thị hữu ích cho các lực lượng Pháp ở Viễn Đông để tránh những sự xảy ra đáng tiếc”.
Trong bối cảnh phức tạp của tình hình quốc tế và trong nước lúc bây giờ, những văn kiện ngoại giao gửi đi từ Hà Nội đã thể hiện sách lược ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt, khôn khéo của Bác Hồ, nhằm kêu gọi thiện chí hòa bình và ủng hộ đối với nền độc lập của Việt Nam, chống lại âm mưu gây chiến của thực dân Pháp hòng chiếm nước ta một lần nữa. Bác Hồ đã cảnh báo “để tránh những sự xảy ra đáng tiếc”, bởi dân tộc Việt Nam “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”.
Tư tưởng của Bác Hồ muốn Việt Nam hợp tác lâu dài và đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình của thế giới. Chính vì vậy, ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện văn đến Tổng thống Mỹ H.Tơ-ru-man: “Trước hết, xét đến tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế của Việt Nam, được hợp tác với những nền dân chủ khác trong việc tạo lập và củng cố nền hòa bình và phồn vinh trên thế giới... Từ ngày 19 - 8-1945, Chính phủ lâm thời trên thực tế đã là một Chính phủ độc lập về mọi phương diện”.
Bác Hồ đề nghị Tổng thống Mỹ đặt mọi quan hệ với Chính phủ lâm thời Việt Nam ngang hàng với Chính phủ Pháp và các quốc gia khác trên thế giới. “Với lập trường kiên định về nền dân chủ, Việt Nam có đủ điều kiện cử đại diện vào Ủy ban tư vấn (Ủy ban tư vấn đối với khu vực Viễn Đông). Chúng tôi tin chắc rằng tại Ủy ban này, Việt Nam có thể mang lại sự đóng góp có hiệu quả cho việc giải quyết các vấn đề tồn tại ở Viễn Đông. Trái lại, sự vắng mặt của Việt Nam sẽ gây ra tình trạng bất ổn định và đặc tính nhất thời cho những giải pháp đạt được bằng cách khác”.
Sách lược của Bác Hồ là nước Mỹ với tư cách là một cường quốc trên thế giới, Mỹ hãy ngăn chặn Pháp xâm lược trở lại Việt Nam, để dân tộc Việt Nam có cơ hội hưởng tự do và hạnh phúc. Điều đó cho thấy, Hồ Chí Minh đã tận dụng mọi cơ hội để nâng cao vị thế cho đất nước và tranh thủ mọi lực lượng bên ngoài để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh đối với Việt Nam.
Ngoại giao văn hóa
Với cái nhìn bao quát và một nhãn quan văn hóa khoan dung ngời sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm được những điểm tương đồng, những mẫu số chung mà mỗi một dân tộc cần hướng đến, đó là lòng nhân nghĩa, yêu chuộng tự do và khát vọng hòa bình, phát triển kinh tế, văn hóa... để gặp gỡ, đối thoại với các nhà ngoại giao quốc tế. Ngày 1-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Giêm Biếc-nơ: “Nhân danh Hội văn hóa Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác. Nguyện vọng tôi đang chuyển tới Ngài là nguyện vọng của tất cả các kỹ sư, luật sư, giáo sư Việt Nam, cũng như những đại biểu trí thức khác của chúng tôi mà tôi đã gặp”.
Tầm nhìn của Bác Hồ rất rộng và vượt thời gian. Dù một đất nước vừa mới tuyên bố độc lập, nhưng Người đã thiết lập ngoại giao văn hóa và muốn học tập thành tựu khoa học, tiến bộ của nhân loại. Tư tưởng chủ đạo của Bác là: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Vì lẽ đó, Bác đi theo kênh giao lưu văn hóa, để sau đó học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Một dân tộc muốn phát triển, phải có tri thức, có tiến bộ khoa học dẫn dắt. Mỹ, là nơi tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư của châu Âu từ rất lâu, nên đã hội tụ các tinh hoa của nhân loại. Chính vì vậy, Bác Hồ muốn gửi thanh niên Việt Nam sang Mỹ học tập, nghiên cứu về khoa học kỹ thuật. “Mong muốn tạo được mối quan hệ với dân Mỹ là người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại”.
Nhìn lại lịch sử phát triển của Việt Nam, từ chỗ một nước bị áp bức nô lệ, vừa tuyên bố độc lập, chưa có nước nào làm bạn rồi chủ động thiết lập quan hệ làm bạn với các nước, bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị..., đến nay, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc. Chúng ta đã đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và chuẩn bị tiếp nhiệm kỳ 2020-2021; là Chủ tịch ASEAN năm 1998 và 2010, tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp (Francophonie) lần thứ 7 năm 1997, Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 5 (ASEM 5) năm 2005. Nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2006 và 2017...
Hải Luận