Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:05 GMT+7

Mối tình đẹp ở bản làng biên giới

Biên phòng - Xung phong lên xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp ở biên giới, chàng trai trẻ miền xuôi đã “phải lòng”, kết duyên vợ chồng với thiếu nữ đồng bào dân tộc Mông bản địa. Giờ đây, họ đang sống bên nhau rất hạnh phúc, xây dựng mái ấm ở vùng đất biên cương. Đó là câu chuyện của chàng trai trẻ Nguyễn Đăng Hà, đội viên Tổng đội Thanh niên xung phong 9 với cô gái Xồng Y Xỳ, bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An.

gh69_12a
Gia đình anh Nguyễn Đăng Hà và chị Xồng Y Xỳ hạnh phúc bên nhau. Ảnh: Viết Lam  

Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, năm 2013, Tỉnh đoàn Nghệ An đã chọn Huồi Sơn để xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp (Tổng đội Thanh niên xung phong 9), với hi vọng, đây sẽ là vùng đất lành cho nhiều đoàn viên trẻ từ xuôi lên lập nghiệp và giúp đỡ nhân dân địa phương xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và gắn bó cùng BĐBP bảo vệ vững chắc biên giới.

Chàng trai trẻ Nguyễn Đăng Hà là một trong những người đặt chân đến Huồi Sơn sớm nhất. Nhiều người khá bất ngờ khi Nguyễn Đăng Hà, sinh năm 1991, ở vùng quê lúa Yên Thành đã tốt nghiệp Cao đẳng Y tế lại chọn vào lực lượng Thanh niên xung phong để lập nghiệp. Khi được hỏi, Hà chia sẻ, vào Thanh niên xung phong với mong muốn được khám phá, lập nghiệp ở những vùng đất mới của quê hương.

Với suy nghĩ đó, Hà nhanh chóng bắt nhịp với công việc, cuộc sống ở vùng đất biên giới. Hằng ngày, Hà cùng anh em trong cơ quan và thanh niên bản Huồi Sơn khai hoang đất đồi, trồng thử nghiệm cây chanh leo, nghệ, nuôi gà đen... Những ngày lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa cộng đồng cùng bà con, Hà đã gặp rồi thầm mến Xồng Y Xỳ, sinh năm 1991, cô gái địa phương.

Thế nhưng, với bản chất của người phụ nữ dân tộc Mông, Y Xỳ rất kín đáo, thường giữ khoảng cách với chàng thanh niên miền xuôi. Chỉ thấy rằng, cô gái trẻ thường rất vui khi giữ vai trò “phiên dịch” trong những buổi làm việc giữa đội viên Hà với dân bản. Thời gian và công việc như chất xúc tác để đôi bạn trẻ xích lại gần nhau hơn. Ngoài những việc chung được giao, họ dành thời gian ngồi bên nhau để tâm sự về gia đình, suy nghĩ của nhau.

Trong những câu chuyện, cả hai tìm thấy ở nhau nhiều điểm tương đồng và sự chia sẻ. Trong những ngày vui ở bản, họ luôn rối rít bên nhau như đôi chim rừng. Rồi đến giai đoạn, Hà cảm thấy “không yên” nếu một ngày không được gặp cô gái bản. Còn người ta thấy, nét mặt Y Xỳ cũng trở nên buồn bã trong những ngày Hà rời bản làng biên giới về xuôi thăm nhà. 

Như quy luật của tuổi trẻ, trong một đêm trăng sáng ở biên giới, Hà đã ngỏ lời yêu và được cô gái bản chấp nhận. Thế nhưng, thời gian sau đó mới thực sự là thử thách với đôi bạn trẻ. Gia đình Y Xỳ luôn sợ con gái mình khổ khi bị chàng trai lừa gạt rồi bỏ về xuôi. Bởi từ trước đến nay, chưa có cô gái nào trong bản lấy chồng là người dưới xuôi cả. Còn phía gia đình Hà thì ngăn can, vì cho rằng anh còn trẻ, quyết định như vậy là bồng bột, nhất thời.

Trong “sóng gió” của đôi bên gia đình, họ vẫn nắm chặt tay nhau làm tốt công việc của mình, quyết tâm thuyết phục mọi người. Những ngày đó, dù chưa dám theo chân người yêu về xuôi, nhưng mỗi lần Hà về quê, Y Xỳ đều chuẩn bị nếp rẫy, khoai sọ, bí xanh là những sản vật vùng cao gửi làm quà cho gia đình. Tình cảm chân thành của cô gái miền sơn cước đã dần được gia đình Hà chấp nhận. Họ đồng ý để hai bạn trẻ nên duyên vợ chồng.

Năm 2015, đám cưới giản dị của đôi bạn trẻ ở miền xuôi và vùng ngược được tổ chức đầm ấm ngay tại bản làng biên giới. Giờ đây, hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ đang được nhân lên khi họ đón chào sự ra đời của cậu con trai kháu khỉnh. Được sự giúp sức của đơn vị, gia đình hai bên, họ cũng đang dần hoàn thiện cho mình một căn nhà nhỏ xinh ở bản làng biên giới. Hạnh phúc của đôi bạn Kinh-Mông đã vượt qua giới hạn cá nhân để minh chứng cho sự hòa hợp, đoàn kết giữa các dân tộc anh em cùng xây dựng cuộc sống mới, cùng BĐBP bảo vệ vững chắc biên giới.

Viết Lam

Bình luận

ZALO