Biên phòng - Địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Phú Yên gồm 25 xã, phường với 136 thôn, khu phố với 82.729 hộ/292.394 nhân khẩu. Trên địa bàn có 4.127 phương tiện/20.640 lao động, thường xuyên hoạt động đánh bắt, khai thác thủy, hải sản trên biển, trong đó, có 326 tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ và một lượng lớn lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên về hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chỉ thị 01) trên địa bàn tỉnh.
- Thưa ông, trong những năm qua, tỉnh Phú Yên đã tiến hành thực hiện Chỉ thị 01 như thế nào?
- Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 01 về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch số 147/KH-UBND về triển khai thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Dưới sự lãnh đạo và quản lý, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo nhân dân, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới được tổ chức xây dựng, duy trì và có bước phát triển sâu rộng, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của khu vực biên giới biển. Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào từ tỉnh đến huyện được đổi mới, kiện toàn về tổ chức. Các đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND làm trưởng ban chỉ đạo. Lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt xây dựng phong trào được tăng cường, củng cố kiện toàn, hoạt động ngày một hiệu quả hơn.
Chúng tôi cũng thường xuyên củng cố, nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo để nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới biển, để từ đó, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các lực lượng và toàn dân, tạo ra phong trào sâu rộng trong khu vực biên giới biển và phối hợp cùng BĐBP Phú Yên bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới biển của tỉnh.
- Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc thực hiện Chỉ thị 01 trên địa bàn tỉnh?
- Tôi cho rằng, Chỉ thị 01 là bước phát triển mới, hoàn thiện và cụ thể hóa chủ trương của Đảng đối với các vấn đề có tính chiến lược về xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời, là cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành, các lực lượng, các địa phương tạo ra phong trào sâu rộng trên phạm vi cả nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, tập trung của cấp ủy, điều hành của chính quyền các địa phương.
Hiện nay, các địa phương ven biển của tỉnh Phú Yên đã thành lập 239 dòng họ tự quản về an ninh trật tự/1.729 thành viên, 117 Tổ sản xuất an toàn trên biển/1.092 thành viên, 81 Tổ tự quản an ninh trật tự/872 thành viên, 125 Tổ nuôi trồng thủy sản an toàn/2.096 thành viên, 4 bến, bãi an toàn/31 thành viên.
Trên địa bàn biên giới biển của tỉnh Phú Yên, kết quả thực hiện Chỉ thị 01 đã làm cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn nhận thức, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và sự thiêng liêng bất khả xâm phạm đối với chủ quyền biên giới quốc gia. Từ đó, nêu cao tinh thần cảnh giác, phát huy tốt vai trò trách nhiệm, tích cực, tự giác thực hiện phong trào và vận động người thân, gia đình, dòng họ, thôn, khu phố cùng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn biên giới biển của tỉnh.
Đồng thời củng cố, tăng cường đoàn kết, hiệp đồng với các lực lượng chức năng cùng xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới gắn với phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết tốt những nhiệm vụ trọng tâm và đột xuất của tỉnh. Trong đó có đóng góp quan trọng của BĐBP Phú Yên khi vừa làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới biển, vừa bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và đáp ứng yêu cầu phát triển về mọi mặt của địa phương trong giai đoạn mới.
- Trong thời gian qua, các lực lượng vũ trang đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng và hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển. Đề nghị ông chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?
- Trong những năm qua, BĐBP và Hải quân, Cảnh sát Biển đã có sự phối hợp hết sức chặt chẽ, hiệu quả để nắm tình hình hoạt động của các phương tiện và ngư dân trên biển không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Các lực lượng cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát thường xuyên trên các vùng biển trọng yếu để quản lý và kịp thời ngăn chặn các hoạt động vi phạm chủ quyền, an ninh vùng biển. Tích cực phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các đồng chí cũng đã chủ động phối hợp tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; coi việc cứu dân, giúp dân, bảo vệ dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim. Các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thực sự là chỗ dựa tin cậy, vững chắc để nhân dân và các lực lượng hoạt động trên biển yên tâm gắn bó, làm ăn lâu dài trên các vùng biển, đảo, nhất là các vùng biển xa.
Mặt khác, mỗi ngư dân làm ăn trên biển không chỉ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, mà còn đồng hành với các lực lượng trên biển, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Mỗi tàu cá là một “cột mốc sống”, mỗi ngư dân là một chiến sĩ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, còn các tổ, đội đoàn kết đánh bắt hải sản của ngư dân là những làng chài trên biển Việt Nam. Họ là tai mắt kịp thời cung cấp những thông tin quan trọng giúp cho các lực lượng nắm chắc tình hình, xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn biển, đảo của Tổ quốc.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Hữu Thao - Vân Anh (Thực hiện)