Biên phòng - Từ giữa tuần trước, mối quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thêm lần nữa “dậy sóng” với những lời cáo buộc thể hiện rõ thái độ không thiện chí. Sự việc khởi đầu từ chủ đề về Nga trong hội nghị cấp Ngoại trưởng của NATO với sự tham dự của các đối tác NATO.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá rằng, Nga đã gia tăng các hành động đàn áp ở trong nước và gây hấn ở nước ngoài, bất chấp mọi nỗ lực đối thoại của quốc tế. Diễn giải rõ hơn, ông Stoltenberg nêu, Nga hiện tăng cường quân sự ở Biển Baltic, Biển Đen; mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Tây Balkan, Trung Đông và Bắc Phi, từ Địa Trung Hải đến Bắc Cực;...
Ông Stoltenberg đồng thời nói rằng, Nga đang cố gắng gây bất ổn cho các nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ như Ukraine, Gruzia, Moldova - những quốc gia đang cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt hơn với phương Tây. Nga cũng can dự vào bất ổn tại Belarus. Thậm chí, Nga đang có những nỗ lực nhằm gây bất ổn phương Tây, vì vậy, mối đe dọa này buộc NATO phải xích lại gần nhau. Ông Stoltenberg khẳng định, liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới đang cho thấy sự nhất trí mạnh mẽ giữa các đồng minh và các đối tác. Mối quan hệ NATO - Nga hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Ngoại trưởng các nước trong khối NATO tuyên bố sẽ tiếp tục thích ứng khi đối mặt với các mối đe dọa gia tăng và mang tính hệ thống, đồng thời nhấn mạnh rằng, các hành động gây hấn của Nga tạo thành mối đe dọa đối với an ninh châu Âu và khu vực Đại Tây Dương. Trong tuyên bố chung, Ngoại trưởng các nước trong khối NATO còn chỉ rõ, chính quyền Nga và các chủ thể phi nhà nước của Nga đang thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, bao gồm việc mang tới các mối đe dọa hỗn hợp trên không gian mạng, sử dụng công nghệ mới độc hại, cũng như các mối đe dọa bất đối xứng khác.
Về quan hệ với Nga, Tổng Thư ký NATO khẳng định, cách tiếp cận song phương của NATO, kết hợp khả năng răn đe và phòng thủ mạnh mẽ cùng sự cởi mở đối thoại vẫn có giá trị. Những cáo buộc này được giới chuyên gia chính trị quốc tế khách quan nhìn nhận là rất gay gắt, thậm chí là có thể đưa hai bên tới sự đối đầu nghiêm trọng nếu bất kỳ bên nào thiếu kiềm chế.
Chính trường và dư luận Nga ngay lập tức cho thấy sự bất bình trước những cáo buộc từ phương Tây. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko đáp trả trước truyền thông quốc tế rằng, hội nghị của NATO cần phải nghiên cứu kỹ hơn trước khi đưa ra những kết luận vội vàng. Rõ ràng, NATO tiếp tục đi theo con đường đối đầu với Nga, cố gắng biện minh cho bản thân bằng cách cáo buộc Nga là mối đe dọa để định hình bản thân trong môi trường an ninh mới. Ông Grushko nêu rõ, những năm gần đây, phương Tây đưa ra những lý do mới để trấn an dư luận rằng, nỗ lực quân sự bổ sung ở phía Đông đáp ứng các lợi ích an ninh của mình. Do đó, Nga không thể xem xét một cách nghiêm túc những cáo buộc từ phương Tây.
Khi được truyền thông quốc tế đề nghị bình luận về các cáo buộc từ hội nghị của NATO, bà Maria Zakharova - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đáp trả bằng cách hối thúc NATO nên tập trung giải quyết các khó khăn của chính mình như tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, khủng hoảng, nhân quyền,...
Trước cáo buộc của NATO rằng, Nga không phản ứng tích cực với phương Tây, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga sẵn sàng tổ chức cuộc họp Nga-NATO với điều kiện đối thoại thực chất và bình đẳng nhưng đến nay, phương Tây vẫn chưa có hành động thiện chí.
Các nhà phân tích chiến lược của Nga đánh giá, việc NATO và EU khẳng định sẽ phối hợp chống lại Nga trên thực tế không thể tạo nên bất kỳ hiệu quả thiết thực nào, một phần là bởi hầu hết thành viên NATO đều là thành viên của EU.
Chuyên gia Timofey bordachev - Người đứng đầu Câu lạc bộ thảo luận Valdai (một tổ chức xã hội uy tín về phân tích chính trị tại Nga) nhìn nhận, sự phối hợp này của NATO và EU có thể liên quan đến các khoản đầu tư quân sự hoặc cơ sở hạ tầng của liên minh. Trong khi đó, việc coi Nga là mối đe dọa thực chất không làm giảm sự can thiệp của Mỹ vào chính sách đối ngoại của EU. Mặt khác, khả năng EU cắt đứt quan hệ với Nga sẽ không gây nên ảnh hưởng gì lớn, bởi người châu Âu thực chất không muốn làm điều này.
Thanh Trúc