Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:46 GMT+7

Mối quan hệ đoàn kết cán - binh trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Biên phòng - Chăm lo xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, trong đó có một vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đó là xây dựng và củng cố mối quan hệ đoàn kết cán - binh. Bởi lẽ, đây là vấn đề đặc biệt hệ trọng, phản ánh bản chất cách mạng, tính chất ưu việt, tính nhân văn cao cả của quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo. Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; mối quan hệ đoàn kết cán - binh là nhân tố tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội, đảm bảo cho quân đội ta không ngừng tiến bộ, trưởng thành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

84e5_5a
Bác Hồ thăm đơn vị bộ đội diễn tập (1957).Ảnh: Tư liệu

Mối quan hệ đoàn kết cán - binh không phải là bất biến và tự nhiên mà có, nó luôn vận động, biến đổi và phát triển phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của quân đội trong từng thời kỳ, nếu không được chăm lo củng cố sẽ bị suy giảm, biến chất. Vì vậy, củng cố mối quan hệ đoàn kết cán - binh là đòi hỏi khách quan, thường xuyên trong quá trình xây dựng và chiến đấu của quân đội. Đây là một trong những mối quan hệ rất cơ bản của quân đội ta, một thuộc tính bản chất của quân đội cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Mối quan hệ đó dựa trên sự thống nhất lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Mối quan hệ đoàn kết cán - binh được quy định trong hệ thống điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của quân đội, các quy chế, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị được cấp ủy, tổ chức Đảng, chỉ huy các cấp quán triệt, cụ thể hóa thành các quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện trong thực tế. Đây không chỉ là mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa chỉ huy và phục tùng, mà còn là mối quan hệ của tình đồng chí, đồng đội, mối quan hệ giữa các công dân cùng thực hiện nhiệm vụ trong quân đội; là mối quan hệ tình cảm anh em giữa các thế hệ quân nhân, tình cảm của khát vọng bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc, tự do hạnh phúc của nhân dân, của đất nước. Những mối quan hệ đó đan cài vào nhau, tác động, thúc đẩy lẫn nhau, tạo nên mối quan hệ đoàn kết cán - binh gắn bó keo sơn.

Bản chất mối quan hệ đoàn kết cán - binh là bình đẳng về chính trị giữa cán bộ và chiến sĩ, được tôn trọng nhân cách, nhân phẩm, danh dự, quyền làm chủ của công dân, quyền lợi và nghĩa vụ quân nhân. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ có vai trò quyết định về chất lượng của mối quan hệ đoàn kết cán - binh. Vì vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để củng cố mối quan hệ đoàn kết cán - binh, đội ngũ cán bộ phải thực sự tôn trọng nhân cách, nhân phẩm, danh dự của chiến sĩ, thương yêu chiến sĩ, không được xem thường chiến sĩ, quan liêu, quân phiệt với chiến sĩ.

Quân đội ta là quân đội cách mạng, vì thế mối quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ hoàn toàn khác với mối quan hệ giữa sĩ quan với binh lính trong quân đội tư sản. Trong quân đội tư sản có sự phân biệt đẳng cấp, phân biệt đối xử với từng loại sĩ quan, binh sĩ được quy định công khai, buộc mọi người phải thừa nhận và tuân theo. Nếu vi phạm, người lính sẽ bị xử phạt bằng một thứ kỷ luật hà khắc, thậm chí rất tàn nhẫn, mang tính chất nhục hình, vô cảm.

Còn đối với quân đội ta, được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập và lãnh đạo, với bản chất của quân đội cách mạng, mọi cán bộ, sĩ quan phải luôn tôn trọng nhân cách, nhân phẩm, danh dự, uy tín của chiến sĩ, đảm bảo sự bình đẳng về chính trị trước pháp luật, kỷ luật quân sự; người chiến sĩ luôn phục tùng mệnh lệnh, chỉ thị của cán bộ, tôn trọng, tin tưởng cán bộ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: Cán bộ dù ở cấp nào cũng phải tôn trọng, thương yêu chiến sĩ, gần gũi, chia sẻ, đồng cam, cộng khổ với chiến sĩ.

Hơn nữa, cán bộ là những người trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, giáo dục chiến sĩ, vì thế phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác của người cán bộ tác động mạnh mẽ đến chiến sĩ. Người cán bộ có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, có năng lực, có phương pháp, tác phong công tác tốt, luôn nghiêm túc nhưng chân thành, gần gũi, cởi mở với bộ đội, biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, biết thông cảm và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với chiến sĩ… sẽ là tấm gương sáng để chiến sĩ học tập và noi theo; tạo nên mối quan hệ đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa cấp trên với cấp dưới.

Cũng như mọi công dân trong xã hội, người chiến sĩ cũng có nhu cầu, lợi ích về vật chất và tinh thần, đó là những nhu cầu, lợi ích chính đáng mà người cán bộ cần nhận thức cho đúng, giải quyết cho thỏa đáng. Được chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần, được quan tâm giải quyết nhu cầu, lợi ích, người chiến sĩ sẽ có sức khỏe tốt, thể lực dẻo dai, đời sống tâm lý - tinh thần lành mạnh, tạo ra động lực thúc đẩy người chiến sĩ hăng hái, tích cực thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của đội ngũ chính trị viên trong xây dựng mối quan hệ, đoàn kết giữa cán bộ với chiến sĩ. Người nói: "Tư cách chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị tốt thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ thì bộ đội ấy không tốt… Đối với bộ đội, chính trị viên phải luôn luôn săn sóc đến sinh hoạt vật chất của họ: Ăn, mặc, ở nghỉ, tập luyện, công tác, sức chiến đấu. Về mặt tinh thần, phải săn sóc để nâng cao kỷ luật, bài trừ hủ hóa, phát triển văn hóa và đường lối chính trị trong quân đội… Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn".

Những tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các thế hệ cán bộ quân đội học tập, quán triệt, vận dụng trong thực tiễn tạo nên truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa cán bộ với chiến sĩ hơn 70 năm qua. Hiện nay, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trước sự tác động của những tiêu cực và tệ nạn xã hội, mặt trái của nền kinh tế thị trường, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch hòng "phi chính trị hóa" quân đội ta… đòi hỏi đội ngũ cán bộ các cấp trong quân đội cần quan tâm củng cố mối quan hệ đoàn kết cán - binh góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, trong mọi tình huống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn cán bộ: "Các chú là đại đoàn trưởng, trung đoàn trưởng hay tiểu đoàn trưởng cũng chỉ là những người đặt kế hoạch và điều khiển đánh trận. Lúc ra trận, việc đặt mìn, phá lô cốt đều do tay anh em đội viên làm. Nếu anh em tư tưởng vững, chính trị vững, kỹ thuật khá, thân thể khỏe mạnh thì nhất định thắng. Trái lại, nếu anh em chính trị khá, nhưng quân sự kém, hoặc chính trị quân sự đều khá, nhưng thân thể yếu đuối thì cũng không thắng được. Vì vậy, cán bộ phải thương yêu, săn sóc đội viên, cán bộ phải chăm lo đội viên đủ ăn đủ mặc. Cán bộ có coi đội viên như chân tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu óc".

Đặng Công Thành

Bình luận

ZALO