Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 09/06/2023 10:59 GMT+7

Mỗi người dân tộc thiểu số là một “người lính” gác biên cương

Biên phòng - Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước, là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 DTTS với gần 13,38 triệu người, chiếm 14,52% dân số cả nước. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Quốc Tuấn để làm rõ hơn những đóng góp của đồng bào DTTS trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia cũng như sự quan tâm phát triển vùng DTTS và miền núi của Đảng và Nhà nước.

5a531abc7a76df408a0065df
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Quốc Tuấn.

PV: Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hướng đến vùng DTTS&MN, đến nay, các chính sách này phát huy hiệu quả như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn: Đảng và Nhà nước luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Thực hiện chủ trương phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi, nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đã được Nhà nước ban hành. Nội dung, hệ thống chính sách khá toàn diện, tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa, đảm bảo an ninh-quốc phòng. Đối tượng, hệ thống chính sách bao phủ cả địa bàn, khu vực đến hộ gia đình và một số dân tộc cụ thể. Nhờ vậy, diện mạo vùng DTTS&MN đã có những thay đổi căn bản.

Đến thời điểm này, ở vùng DTTS&MN, 98% xã có đường ô tô tới trung tâm, 98,5% xã có trạm y tế; 94% xã có điện lưới quốc gia; 90% xã được phủ sóng phát thanh, 80% xã phủ sóng truyền hình; 100% xã có các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Có hơn 75% gia đình có điện thoại và 17,7% hộ có kết nối Internet. Giá trị văn hóa của các DTTS được quan tâm bảo tồn và phát huy. Vùng DTTS&MN những năm vừa qua tiếp tục duy trì tăng trưởng và phát triển đáng kể. Tốc độ tăng trưởng bình quân của các tỉnh đạt từ 8 đến 10%. Tỉ lệ giảm nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3,5% năm. Tỉ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm xuống còn khoảng 20%.

PV: Thưa Thứ trưởng, cộng đồng các DTTS có vai trò như thế nào trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia?

Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn: Đồng bào DTTS là bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới trải dài theo hình chữ S của đất nước. Đó chính là những “người lính” đầu tiên canh gác bảo vệ biên cương Tổ quốc. Nhìn lại lịch sử có thể thấy, đồng bào DTTS cư trú ở miền biên viễn đóng vai trò rất quan trọng, thường xuyên và trực tiếp trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia. Ngày nay, đồng bào DTTS vẫn tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Với vị thế là người làm chủ nơi biên giới, thông thạo địa hình, đồng bào DTTS không chỉ giúp đỡ các lực lượng chức năng quản lý, tuần tra biên giới, mà còn trực tiếp bảo vệ đường biên, mốc giới.

Biểu hiện sinh động của việc này là có tới hàng nghìn người DTTS tham gia vào phong trào quần chúng tự quản đường biên, mốc giới. Có những người tự nguyện trông coi cột mốc nơi núi cao, hiểm trở trong suốt mấy chục năm trời. Khi già yếu, họ giao lại công việc thiêng liêng đó cho con cháu của mình. Đồng bào DTTS cũng là cầu nối xây dựng và vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các nước láng giềng. Họ cũng chính là tai mắt giúp BĐBP phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với những âm mưu chống phá của kẻ địch, các loại tội phạm xuyên quốc gia và các loại tệ nạn xã hội...

PV: Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng triệt để các vấn đề dân tộc, tôn giáo, xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động nhân dân, trong đó có đồng bào DTTS gây mất an ninh chính trị, trật tự xã hội. Theo Thứ trưởng, làm thế nào để tăng cường sức, “đề kháng” cho đồng bào DTTS?

Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn: Thực tế, đồng bào các DTTS luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, do đặc điểm, tính đặc thù của vùng biên giới, các thế lực thù địch, phản động đã và đang ráo riết đẩy mạnh chống phá ta trên nhiều mặt cả kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, trong đó, chúng tập trung vào đối tượng người DTTS có trình độ nhận thức thấp.

lu9pt4gwf0-71447_310f9ba3-0ee5-69d2-c03b-9213b48078b5@yahoo.com_55
BĐBP Cao Bằng phối hợp với lực lượng dân quân và người dân tuần tra biên giới. Ảnh: Bích Nguyên

Vì thế đòi hỏi chúng ta phải tăng cường xây dựng khối đoàn kết các dân tộc. Muốn làm được điều này, chúng ta phải xây dựng được hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh và xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với thực tế vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, phải tăng cường thông tin về cơ sở, kịp thời định hướng tư tưởng, giúp bà con nắm rõ và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường đầu tư, chăm lo đời sống cho người dân, đẩy mạnh việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào các DTTS.

Tôi muốn nhấn mạnh là hiện, chúng ta có hơn 33.604 người có uy tín trong cộng đồng các DTTS. Đây chính là hạt nhân nòng cốt vận động người dân trong cộng đồng chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Điều này có nghĩa là chúng ta cần chăm lo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng khối đoàn kết dân tộc, nâng cao ý thức cảnh giác cho cộng đồng, phát hiện và tố giác kịp thời các hoạt động chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, phản động.

PV: Thứ trưởng có thể cho biết hiệu quả công tác phối hợp giữa UBDT và BĐBP trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới và công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia?

Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn: Trong những năm qua, UBDT phối hợp với BĐBP triển khai thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án hướng tới đồng bào DTTS&MN. Cụ thể, hai bên đã phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách dân tộc. Qua đó đã tạo sự chuyển biến trong đồng bào về nhận thức và ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. BĐBP đã tăng cường sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp xuống các xã trọng điểm khu vực biên giới, đưa đảng viên về sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản...

BĐBP cũng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều chương trình, dự án giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào như Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Cứng hóa nền nhà”, trao tặng con giống cho người nghèo, mở lớp xóa mù chữ, chung tay xây dựng nông thôn mới... Bên cạnh đó, BĐBP cũng phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các mô hình giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản biên giới... Những việc làm cụ thể đó đã giúp củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, tạo dựng lòng tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước; cải thiện một phần đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Bích Nguyên (Thực hiện)

Bình luận

ZALO